Nhảy đến nội dung
 

'Tác giả Việt đang vươn ra thế giới theo cách của riêng mình'

Nhà văn Nguyễn Phan Quế Mai tin rằng các tác giả Việt, dẫu viết bằng ngôn ngữ mẹ đẻ hay một thứ tiếng khác, đều có tiềm năng vươn ra thế giới theo cách của riêng mình.

Nguyễn Phan Quế Mai là tác giả, dịch giả nhiều đầu sách, từng nhận các giải thưởng trong nước cho một số tập thơ. Tại Việt Nam, bài thơ Tổ quốc gọi tên mình của Nguyễn Phan Quế Mai được phổ nhạc và được đông đảo công chúng yêu mến.

Tiểu thuyết The Mountains Sing (2020), tác phẩm đầu tiên cô viết bằng tiếng Anh, nhanh chóng trở thành sách bán chạy tại thị trường Mỹ, được mua bản quyền dịch sang nhiều ngôn ngữ và phát hành tại các quốc gia khác. Tiếp nối thành công đó, tiểu thuyết thứ hai Dust Child cũng gây tiếng vang. Cả hai cuốn sách đều mang đến cho Nguyễn Phan Quế Mai nhiều giải thưởng văn học và được đông đảo độc giả quốc tế yêu mến.

Nhân dịp The Mountains SingDust Child của Nguyễn Phan Quế Mai giành hai giải thưởng văn học tại Pháp, Tri thức - Znews hân hạnh được trò chuyện cùng cô về con đường sáng tác và giới thiệu tiếng nói văn chương, văn hóa Việt ra thế giới.

Cơ hội ra thế giới của văn chương Việt

- Liên tiếp nhận hai giải thưởng văn học Pháp trong một thời gian ngắn, chị cảm thấy thế nào?

- Tôi rất bất ngờ và biết ơn. Pháp là một đất nước có truyền thống văn học lâu đời và độc giả Pháp khá khó tính. Tôi chưa từng mơ rằng cả hai tiểu thuyết của tôi được dịch sang tiếng Pháp. Trước đây, tôi cũng chưa hề biết là một quyển sách có thể có nhiều ấn bản: dạng bìa cứng, bìa mềm và dạng bỏ túi. Thật may mắn là hai nhà xuất bản uy tín (Éditions Charleston và Éditions Points) đã xuất bản các quyển sách của tôi bằng các ấn bản khác nhau. Họ đã có chiến lược phát hành, quảng bá rất bài bản. Tôi ấn tượng với cách làm việc của họ và biết ơn về việc họ đã dồn nhiều tâm huyết vào tác phẩm.

Hai giải thưởng mà tôi nhận được phần nhiều do công sức của dịch giả Sarah Tardy, một dịch giả lành nghề đã dịch hơn 60 tiểu thuyết. Cô ấy và cô giám đốc biên tập Camille Jure đã làm việc nghiêm túc để cho ra mắt hai bản dịch giữ đúng tinh thần tác phẩm nhất có thể.

- Chị nghĩ việc một nhà văn từ Việt Nam nhận giải thưởng quốc tế có ý nghĩa thế nào cho văn học Việt?

Tiềm năng của văn học Việt Nam rất lớn. Tôi hy vọng chúng ta đầu tư hơn nữa cho văn học, cho công tác xuất khẩu văn học cũng như vào việc đào tạo và khích lệ các dịch giả có khả năng chuyển ngữ các tác phẩm văn học từ tiếng Việt sang các ngôn ngữ khác nhau.

Nhà văn Nguyễn Phan Quế Mai

- Tôi cho rằng điều này thể hiện sự quan tâm của không chỉ độc giả mà cả giới xuất bản quốc tế dành cho văn học Việt Nam. Nhiều người nói với tôi rằng họ ít khi được đọc những câu chuyện viết về người Việt Nam bởi người Việt, vậy nên trong sách của tôi, họ tìm thấy một cái gì đó mới mẻ, khác lạ và chân thật. Tôi nghĩ tiềm năng của văn học Việt Nam rất lớn và tôi hy vọng Việt Nam đầu tư hơn nữa cho văn học, cho công tác xuất khẩu văn học cũng như vào việc đào tạo và khích lệ các dịch giả có khả năng chuyển ngữ các tác phẩm văn học từ tiếng Việt sang các ngôn ngữ khác nhau.

- Trong những chuyến đi quảng bá sách của chị trong thời gian gần đây, chị cảm thấy độc giả phương Tây đón nhận tiểu thuyết của chị như thế nào?

- Tháng 4/2025, nhân dịp Việt Nam kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, tôi nhận lời mời sang Mỹ nói chuyện ở hội thảo tại các trường đại học như Stanford, Columbia, UCLA, UMASS Amherst… cũng như tại các sự kiện ở các trung tâm văn hóa, các nhà sách. Sau đó, tôi qua Đan Mạch, Pháp và Đức để giao lưu với độc giả trong các lễ hội văn học vì ở các nước này, bản dịch của cả hai tiểu thuyết của tôi đã được ấn hành. Tôi biết ơn cơ hội gặp gỡ và tri ân các dịch giả, đội ngũ xuất bản và bạn đọc.

Tôi thấy văn hóa đọc ở Mỹ và nhiều nước châu Âu vẫn phát triển mạnh mẽ trong thời đại mà sách phải cạnh tranh với mạng xã hội và phim ảnh. Nhiều độc giả chia sẻ đã đến Việt Nam sau khi đọc sách của tôi. Tôi rất xúc động vì qua các tác phẩm của mình, tôi luôn muốn quảng bá văn hóa, văn học, đất nước và con người Việt Nam.

- Chị có cảm thấy độc giả phương Tây đang quan tâm hơn đến văn học châu Á? Những yếu tố nào đang thúc đẩy xu hướng này?

- Đến thăm những nhà sách ở Mỹ, Đan Mạch, Pháp và Đức trong chuyến đi này, tôi thấy trên kệ sách của họ có nhiều cuốn sách bán chạy đến từ các nền văn học châu Á, đặc biệt là Nhật Bản và Hàn Quốc. Đây là hai quốc gia có nhiều dịch giả giỏi, có thể chuyển ngữ từ tiếng tiếng Nhật và tiếng Hàn sang các ngôn ngữ khác nhau. Nhiều tác giả thành công của Nhật Bản và Hàn Quốc sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ, có tác phẩm gây tiếng vang quốc tế như Han Kang (Hàn Quốc) và Toshikazu Kawaguchi (Nhật Bản). Tôi luôn mơ đến ngày có nhiều tác phẩm Việt Nam được bày bán ở các hiệu sách trên thế giới như thế.

Độc giả luôn tìm kiếm những câu chuyện mới mẻ, khác lạ, những câu chuyện từ những nền văn hóa mà họ chưa biết tới. Hiện nay, khá ít các nhà văn Việt Nam được dịch và phát hành rộng rãi, vì thế tôi tin rằng Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội bỏ ngỏ.

Lợi thế khi viết bằng tiếng Anh

- Sáng tác bằng tiếng Anh, chị có cảm thấy tiếng nói của mình mang một âm vọng khác, xa lạ với văn đàn Việt?

- Trước nay tôi vẫn nghĩ rằng văn học Việt bao gồm những câu chuyện viết về Việt Nam bởi người Việt, và tôi vẫn chỉ có quốc tịch Việt Nam. Tuy nhiên, việc xếp loại cũng không quá quan trọng, bởi vì tôi luôn muốn học hỏi mỗi ngày để tác phẩm của mình có thể tiếp cận với bạn đọc của nhiều nền văn hóa khác nhau.

Tiếng Việt và quê hương Việt Nam rất thiêng liêng với tôi. Tôi cũng đã có 8 quyển sách viết bằng tiếng Việt, bao gồm các tập thơ như Tổ quốc gọi tên mình, các tập du ký như Hạt muối rong chơi, và các tập truyện như Những ngôi sao trên bầu trời thành phố. Tôi cũng rất mong đến ngày hai tiểu thuyết của tôi được ra mắt bằng tiếng Việt. Tôi hy vọng trong năm 2025, tôi sẽ có tin vui để chia sẻ với bạn đọc Việt Nam - những người mà tôi luôn biết ơn vì sự ủng hộ của họ là động lực sáng tác của tôi trong nhiều năm qua.

van hoc viet ra anh 1

Nhà văn Nguyễn Phan Quế Mai (phải) và dịch giả Sarah Tardy - người chuyển ngữ hai cuốn tiểu thuyết The Mountains SingDust Child sang tiếng Pháp. Ảnh: NVCC.

- Điều gì khiến chị quyết định sáng tác bằng tiếng Anh?

- Tôi bước vào con đường sáng tác bằng tình yêu đối với thơ ca, vào năm 2006, khi tôi đã 33 tuổi. Trong nhiều năm sau đó, tôi sáng tác thơ và tình nguyện dịch các bài thơ tôi yêu thích từ Việt sang Anh và từ Anh sang Việt. Kinh nghiệm dịch đã giúp tôi tích lũy vốn ngoại ngữ và cả kỹ năng sáng tác. Sau đấy, tôi nung nấu ý định dịch một quyển tiểu thuyết lịch sử. Tới một ngày, tôi nghĩ tại sao tôi không viết trực tiếp quyển tiểu thuyết đó bằng tiếng Anh. Là người ham học hỏi, tôi nghĩ đó là một thử thách xứng đáng.

Tôi đã nghỉ công việc làm công ăn lương để viết quyển tiểu thuyết tiếng Anh đầu tay, The Mountains Sing. Không tìm được nhà xuất bản, tôi không bỏ cuộc mà viết tiếp quyển tiểu thuyết thứ hai, Dust Child. Viết bằng ngôn ngữ thứ hai là rất khó, vì thế tôi cần phải trau dồi, học hỏi hàng ngày, giống như khi leo ngọn núi càng cao thì người ta càng phải cố gắng, rèn luyện, chuẩn bị nhiều hơn.

- Chị có nghĩ sáng tác bằng tiếng Anh hoặc một ngoại ngữ phổ biến giúp sách chị tiếp cận được nhiều độc giả quốc tế hơn?

Tôi đưa ngôn ngữ Việt Nam, các câu ca dao tục ngữ, ý chí của người Vịệt vào các quyển sách tiếng Anh. Tiểu thuyết của tôi không chỉ có sự thăng trầm của lịch sử Việt Nam, mà còn có văn hóa, ẩm thực, thiên nhiên, gia đình, xã hội Việt Nam.

Nhà văn Nguyễn Phan Quế Mai

- Đúng vậy. Việc sáng tác trực tiếp bằng tiếng Anh giúp các nhà xuất bản nước ngoài dễ mua bản quyền dịch sang ngôn ngữ của họ bởi họ có thể trực tiếp đọc bản thảo và dễ dàng tìm được dịch giả. Có nhiều dịch giả từ tiếng Anh sang các ngôn ngữ khác hơn so với dịch giả dịch từ tiếng Việt.

Ví dụ như ở Pháp, cũng có dịch giả dịch Việt-Pháp nhưng số lượng không nhiều. Đan Mạch thì tôi nghĩ càng ít hơn. Nếu không dịch trực tiếng từ tiếng Việt được thì người ta phải dịch lại qua một bản dịch khác bằng tiếng Anh. Nhiều nhà xuất bản không quá mặn mà với việc ấy vì lo ngại ảnh hưởng tinh thần tác phẩm gốc. Tôi nghĩ các nhà xuất bản muốn làm việc với bản gốc của tác phẩm hơn.

Tôi cũng đầu tư thời gian và công sức vào các sự kiện quảng bá sách ở các nước, các nhà xuất bản nước ngoài luôn cố gắng kết nối tác giả với độc giả và tăng độ nhận diện của tác phẩm. Việc tôi có thể giao tiếp lưu loát bằng tiếng Anh cũng là một lợi thế trong các hoạt động giới thiệu sách.

Số đầu sách được xuất bản hàng năm quá nhiều, để một quyển sách tiếp cận với đông đảo bạn đọc là không dễ. Trong hai năm qua, các nhà xuất bản ở Mỹ, Anh, Đức, Đan Mạch, Pháp, Italy, Úc, Indonesia, Ấn độ, New Zeland, Thụy Điển… đã đưa tôi sang nước họ giao lưu. Họ đánh giá cao việc tác giả năng nổ tham gia quảng bá tác phẩm. Độc giả rất thích khi tôi đọc thơ bằng tiếng Việt hay hát cải lương và tôi luôn muốn tạo ra điểm nhấn và bất ngờ trong các sự kiện của mình.

- Khi sáng tác bằng tiếng Anh, chị có gặp khó khăn để duy trì bản sắc Việt Nam?

- Sáng tác bằng tiếng Anh, tôi càng có ý thức rằng mình phải bảo vệ tinh thần và bản sắc Việt Nam trong tác phẩm. Tôi đưa ngôn ngữ Việt Nam, các câu ca dao tục ngữ, ý chí của người Vịệt vào các quyển sách tiếng Anh. Tiểu thuyết của tôi không chỉ có sự thăng trầm của lịch sử Việt Nam, mà còn có văn hoá, ẩm thực, thiên nhiên, gia đình, xã hội Việt Nam. Tôi muốn đưa một hình ảnh Việt Nam chân thật nhất ra thế giới.

Tôi không thể viết tiếng Anh như một người bản xứ, nên tôi nghĩ tính Việt trong tác phẩm của mình là một yếu tố hấp dẫn độc giả. Việc đó không đơn giản, và tôi vẫn đang học hỏi mỗi ngày.

- Chị có điều gì nhắn nhủ với những tác giả Việt Nam khác đang ấp ủ giấc mơ vươn ra thế giới?

- Việt Nam hiện có các nhà văn rất giỏi, sáng tác được bằng ngoại ngữ. Các bạn ấy đang vươn ra thế giới theo cách của riêng mình. Cũng có một số nhà văn sáng tác bằng tiếng Việt và được dịch nhiều trong thời gian qua. Đó là những thành công đáng ghi nhận.

Mỗi nhà văn có một con đường khác nhau nên tôi không dám đưa ra lời khuyên cho ai cả. Tôi chỉ có thể chia sẻ kinh nghiệm của bản thân. Để ra với thế giới, tôi luôn học hỏi mỗi ngày vì văn học thế giới đang phát triển như vũ bão. Tôi học bằng việc đọc thật nhiều các tác phẩm của các nhà văn từ nhiều nền văn hoá khác nhau, tham dự các buổi tọa đàm của các tác giả, lắng nghe và học hỏi kinh nghiệm, kỹ năng của họ. Tôi đọc cả bằng tiếng Việt và tiếng Anh.

Viết văn là một nghề có nhiều thử thách, đòi hỏi tính kiên nhẫn và sự đam mê. Khi bắt tay vào viết một quyển sách, tôi không nghĩ về việc sẽ bán bao nhiêu bản, mà tôi nghĩ liệu chủ đề của cuốn sách có đủ hấp dẫn để tôi làm việc với nó trong nhiều năm liền mà vẫn giữ được ngọn lửa đam mê, không bỏ cuộc.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@znews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn