Sốt xuất huyết tấn công gan bé gái

Ngày 15/5, BS.CK2 Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cho biết bệnh nhi vào viện khi sốt xuất huyết ngày thứ 3, sốc nặng, huyết áp tụt kẹp 80/70 mmHg. Các bác sĩ hỗ trợ hô hấp bằng nhiều hình thức, từ thở áp lực dương liên tục sang thở máy không xâm nhập rồi đặt nội khí quản thở máy sớm.
Bệnh nhi được phối hợp nhiều biện pháp chọc dò dẫn lưu dịch màng bụng giải áp, truyền dịch cao phân tử, chống sốc, vận mạch... Ngoài ra, bác sĩ còn truyền nhiều máu và chế phẩm máu để khắc phục rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa nặng, đồng thời điều trị hỗ trợ gan. Qua gần 12 ngày điều trị, bé bình phục dần, cai được máy thở, chức năng gan thận trở về bình thường.
Theo bác sĩ Tiến, bệnh nhi này thừa cân béo phì (cân nặng ở lứa tuổi này khoảng 30-32 kg). Thông thường trẻ béo phì dễ vào sốc sốt xuất huyết hơn so với trẻ có cân nặng bình thường, tiên lượng nặng nên phải nhập viện điều trị sớm. Nhóm trẻ này dễ bị rối loạn chuyển hóa dẫn đến nhiều biến chứng nặng như suy hô hấp, rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa, tổn thương gan thận... Ngoài ra, trẻ béo phì khó có thể lấy ven, các kỹ thuật cấp cứu, hồi sức khác cũng khó thực hiện hơn.
"Giai đoạn hết sốt, ngày 4-5, là thời điểm nguy hiểm nhất của bệnh sốt xuất huyết", bác sĩ phân tích.
Khoảng 10-20% bệnh nhân hết sốt nhưng mệt mỏi hơn, tay chân nổi ban, đau vùng bụng bên phải, buồn nôn, nặng hơn là chảy máu răng, máu cam, nôn ra máu, đi cầu ra máu, tay chân lạnh... Đây là triệu chứng của sốc sốt xuất huyết - giai đoạn nguy hiểm. Nếu không được phát hiện kịp thời và điều trị đúng cách, người bệnh có nguy cơ tử vong.
Bác sĩ Tiến khuyến cáo vào mùa mưa, muỗi vằn sinh sôi nảy nở, bệnh sốt xuất huyết dễ tấn công trẻ em cũng như người lớn. Phòng bệnh bằng cách diệt muỗi, loăng quăng, ngủ mùng, dọn dẹp vật chứa, ngủ trong mùng cả vào ban ngày.
Trẻ sốt cao trên hai ngày, có một trong các dấu hiệu gồm: quấy khóc, bứt rứt, lăn trở khó chịu hoặc li bì; đau bụng; chảy máu cam, máu răng hoặc ói ra máu, tiêu phân đen; tay chân lạnh, nằm một chỗ không chơi, bỏ bú, bỏ ăn uống... cần đưa đến bệnh viện ngay. Hiện đã có vaccine tiêm ngừa sốt xuất huyết dành cho trẻ từ 4 tuổi trở lên. Ngoài ra, phụ huynh cần lưu ý cho trẻ ăn uống chế độ ăn hợp lý theo lứa tuổi, được tư vấn bởi chuyên gia dinh dưỡng để tránh nguy cơ dư cân béo phì.
Lê Phương