Sống theo 'Tinh thần đồng đội'

Cuộc sống thay đổi, kinh tế thị trường cũng chịu nhiều tác động, có tốt, có không tốt. Người ta thường nói "thương trường là chiến trường", vì thế càng phải sống theo "tinh thần đồng đội".
Tháng 6.1987, công đoàn cơ quan xin mua được một ít phụ tùng xe đạp cho anh em đoàn viên. Do không đủ nên mới ghép hai người chung một cái lốp, hai người chung một cái xích, ba người chung hai cái săm... Để công bằng nên tổ chức bắt thăm. Thăm viết vào giấy gấp lại, đề "lốp", "săm", "xích"... ai bắt được thì ghép vào với nhau để nhận.
Hồi đó phương tiện đi lại chủ yếu là xe đạp mà phụ tùng xe đạp rất hiếm, ai cũng rất cần.
Anh Bình và chú Cao cùng bắt được thăm "lốp". Hai người ra hành lang nói với nhau rất lâu, đoạn anh Bình đi vào cầm cái lốp xe xuống khu nhà tập thể cạnh đó, kê cái lốp lên khúc gỗ, dùng rựa chặt chặt rồi bẻ bẻ, chia cái lốp tròn làm hai nửa, cầm một nửa đưa cho chú Cao, mặt tức giận: "Lốp của ông đây!".
Những người chứng kiến lặng phắc.
Tôi mới ra trường về cơ quan được vài tháng nên không đủ tiêu chuẩn để bắt thăm, lần đầu tiên chứng kiến cảnh tượng có chút... rùng mình. Đó là những tháng đầu tiên của thời kỳ đổi mới, tiếp xúc với nền kinh tế thị trường.
Câu chuyện ám ảnh suốt một thời gian dài. Sau này có lần nghe ông Lê Doãn Hợp lúc đó đang là Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đọc mấy câu thơ của ông: "Xưa chiến tranh đất nước còn nghèo/Mà tình người sao giàu đến thế/Nay hòa bình có cái ăn cái để/Mà tình người sông bể khó dò" thấy thấm thía vô cùng.
Thời chiến tranh, con người "nhường cơm sẻ áo", "chia lửa"... với nhau, sao hòa bình mười hai năm, bước chân vào cơ chế thị trường con người lại có thể "chia lốp" kiểu ấy?
*
Nhớ lại hồi còn đi học, quê tôi nghèo lắm. Mỗi lần nhà có gì đó, mạ tôi lại bảo anh em tôi mang cho dì Sinh một ít. Nhà dì ở gần và còn nghèo hơn nhà tôi. Một hôm mạ tôi bảo: "Mạ thấy bên dì đang đào gốc chuối, con sang xin dì một ít". Tôi hỏi lại mạ: "Nhà mình mới đào một gốc hôm qua sao xin làm chi mạ?". Mạ tôi xua tay: "Con cứ qua xin cho mạ".
Gốc chuối là gốc cây chuối sứ, đào lên, thái ra, ngâm nước muối để nấu ăn. Gốc chuối sứ nấu với ốc bươu lúc đó đã là một món ngon.
Lâu sau, mạ tôi đi chợ về kho cá nục, gắp mấy con, chan thêm ít nước kho bảo em tôi mang cho dì. Mạ nói, giọng đều đều: "Nhà mình thỉnh thoảng san sẻ cho nhà dì chút ít gì đó, không nhiều nhặn gì nhưng nhiều lần dì cũng ngại, vì thế hôm nọ mạ nói sang dì xin ít gốc chuối mới đào là để dì thấy nhà mình cũng có cái thiếu phải xin dì".
Anh em tôi tuy còn nhỏ nhưng cũng hiểu ra. Đó là bài học của mạ tôi, một người nông dân ít học, khiến chúng tôi nhớ suốt đời. Con người, không chỉ phải biết chia sẻ mà hơn thế, phải biết tôn trọng.
***
Thế hệ chúng tôi, hầu hết đến tuổi là nhập ngũ, nên đều thấm thía một điều, nếu không có tinh thần đồng đội thì không thể làm được việc gì. Cùng thực hiện một nhiệm vụ nhưng chỉ cần một người lơ là, bất cẩn thì hậu quả rất khó lường. Như một sự cộng sinh, người này nương tựa vào người khác, cùng sống và sống cùng lý tưởng.
Những người vào chiến trường miền Nam lúc đó, gọi là "đi B", ở nhà ba mẹ nhận được 5 đồng phụ cấp (chừng vài cân gạo), nhà có nhiều anh em đi cũng nhận được chừng đó thôi. Cuộc sống thời bao cấp khó khăn, thiếu thốn đủ thứ nhưng gia đình nào cũng hòa thuận, xóm làng yên vui.
Sau ngày đất nước thống nhất, được nhận phụ cấp, bộ đội về phép, trên ba lô có con búp bê, mấy anh sĩ quan phụ cấp cao hơn nên có cái khung xe đạp. Trước đó vào tiếp quản, nhiều cửa tiệm, biệt thự bỏ không nhưng không ai tơ hào bất cứ thứ gì dù là nhỏ nhất.
Chiến đấu cũng tinh thần đồng đội, giữ kỷ luật cũng tinh thần đồng đội, là không ai làm tổn hại đến danh dự và uy tín của ai và của tập thể. Tinh thần đó làm nên phẩm chất anh bộ đội để được nhân dân kính trọng, yêu thương.
***
Người dân miền Trung hầu như năm nào cũng oằn mình vì bão lũ. Năm trước đỉnh lũ cao nhất trong lịch sử thì năm sau đỉnh lũ lại cao hơn năm trước. Cho nên câu "Cả nước hướng về miền Trung" đã trở nên quen thuộc. Mà không chỉ miền Trung, giờ thì thiên tai xảy ra khắp nơi. Tinh thần "hướng về" đó có thể gọi bằng tên khác như "lá lành đùm lá rách", "lá rách ít đùm lá rách nhiều", "nghĩa đồng bào"… Một người từng là quân nhân như tôi, lại luôn nghĩ, đó chính là "tinh thần đồng đội".
Trong một lần nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ, đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, kể chuyện hồi chiến tranh biên giới phía Bắc, ông thấy một chiến sĩ bị thương nặng nên giúp băng bó cầm máu thì bị phía đối phương bắn xối xả. Người chiến sĩ đó, cùng độ tuổi với ông, bảo ông để anh lại và đi đi, nếu không thì hai người cùng chết, thà một người sống. Ông đi được một đoạn thì quay lại, không thể để đồng đội ở lại, rồi dìu anh đi. May mà hai người cùng vượt qua lửa đạn. Ông nói vui, nhờ thế mà sau chiến tranh, năm nào tôi cũng được biếu đôi gà trống thiến.
Cựu Bộ trưởng Lê Doãn Hợp thì kể: Có lần anh tiếp xúc với một chiến sĩ (ông có nói họ tên nhưng tôi quên mất) bắn cháy xe tăng địch để viết tin cho sư đoàn. Người chiến sĩ dặn ông, anh viết làm sao để tôi đừng mất đi đồng đội. Đồng đội tiếp đạn cho tôi, lo cho tôi cái ăn, chia lửa với tôi, tôi chỉ còn lại mỗi việc là đưa viên đạn trúng mục tiêu thì thành tích không phải chỉ riêng tôi.
Cùng 100 người cùng quê, nhập ngũ cùng đợt, vào chiến trường cùng ngày. Sau chiến tranh, chỉ vài ba người có điều kiện đi học tiếp rồi đi làm công chức, còn lại về quê làm nông dân, lấy vợ, sinh con. Cuộc sống vất vả, con cái nhiều người bị di chứng chiến tranh càng vất vả hơn. Giờ mỗi lần kỷ niệm ngày nhập ngũ chỉ gặp được 51 người.
Cuộc sống là thế nhưng mỗi lần gặp nhau là quên hết những bộn bề lo toan, hào sảng kể lại chuyện ngày đó, vô tư cũng như câu thơ Tố Hữu: "Những chàng lính trẻ măng tơ/Ngêu ngao gõ bát hát chờ cơm sôi" dù bây giờ đã chớm tuổi "thất thập cổ lai hy".
***
Cuộc sống thay đổi, cuộc sống cũng chịu nhiều tác động, có tốt, có không tốt. Người ta thường nói "thương trường là chiến trường" vì thế càng phải sống theo "tinh thần đồng đội".