Sở Xây dựng TP.HCM có 23 phòng khi sáp nhập Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu

Trong số 15 cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP.HCM sau khi sáp nhập 2 tỉnh, Sở Xây dựng TP.HCM có số lượng phòng nhiều nhất với 23 phòng.
Theo phương án sắp xếp các cơ quan chuyên môn trực thuộc của UBND TP.HCM đang hoàn thiện, khi sáp nhập 2 tỉnh Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu, Sở Xây dựng TP.HCM có số lượng phòng chuyên môn nhiều nhất với 23 phòng.
Hiện nay, Sở Xây dựng TP.HCM có 23 phòng, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có 8 phòng còn tỉnh Bình Dương có 9 phòng. Như vậy, số lượng phòng thuộc Sở Xây dựng TP.HCM sau khi sáp nhập không tăng so với số lượng hiện hữu.
Sở Xây dựng TP.HCM hiện tại được ví như "siêu sở" có 23 phòng chuyên môn được hợp nhất từ 3 sở, gồm Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc và Sở Giao thông công chánh.
23 phòng chuyên môn của Sở Xây dựng TP.HCM mới có thể chia thành 4 nhóm, gồm cơ quan tham mưu chung và phòng chuyên ngành theo 3 lĩnh vực xây dựng, quy hoạch và giao thông.
Cụ thể, khối điều hành chung có Văn phòng; Thanh tra; Phòng Tổ chức - Cán bộ; Phòng Pháp chế; Phòng Kế hoạch và đầu tư; Phòng Tài chính; Phòng Tổng hợp và ứng dụng công nghệ số.
Nhóm xây dựng có Phòng Quản lý chất lượng công trình xây dựng; Phòng Kinh tế và vật liệu xây dựng; Phòng Quản lý xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp; Phòng Quản lý nhà.
Nhóm quy hoạch có Phòng Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật; Phòng Quy hoạch chung; Phòng Quy hoạch - kiến trúc khu vực phía Đông; Phòng Quy hoạch - kiến trúc khu vực đô thị trung tâm; Phòng Quy hoạch - kiến trúc khu vực phía Bắc.
Nhóm giao thông có Phòng Quản lý xây dựng công trình giao thông đường bộ; Phòng Quản lý bảo trì và khai thác công trình giao thông; Phòng Quản lý vận tải; Phòng Quản lý đường thủy, cấp nước và thoát nước; Phòng Quản lý đường sắt đô thị và Văn phòng Ban An toàn giao thông.
Sở Xây dựng TP.HCM có 12 đơn vị sự nghiệp công lập
Sở Xây dựng dự kiến có 12 đơn vị sự nghiệp công lập, gồm: Trung tâm Quản lý nhà và giám định xây dựng; Trung tâm Nghiên cứu kiến trúc và thông tin quy hoạch; Viện Quy hoạch xây dựng; Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ; Trung tâm Quản lý đường thủy; Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới.
Trung tâm Quản lý giao thông công cộng tiếp nhận chức năng của Công ty dịch vụ bến xe tỉnh, Ban Quản lý bến xe ô tô khách huyện Châu Đức (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng tỉnh Bình Dương, Bến xe khách tỉnh Bình Dương.
Cảng vụ Đường thủy nội địa TP.HCM sẽ tiếp nhận chức năng của Cảng vụ đường thủy nội địa của 2 tỉnh.
Ở lĩnh vực quản lý hạ tầng kỹ thuật, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM và Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật Bà Rịa - Vũng Tàu giữ nguyên, đồng thời thành lập Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật Bình Dương để quản lý hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn tỉnh Bình Dương hiện nay.