Số hoá nguồn nước 'tuyệt chiêu' của lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy Điện Biên

TPO - Với đặc thù địa bàn rộng lớn, giao thông còn nhiều hạn chế và hệ thống hạ tầng chưa đồng bộ, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) Công an tỉnh Điện Biên ứng dụng chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả công tác. Một trong những giải pháp nổi bật, mang tính thực tiễn cao là việc xây dựng bản đồ số hoá nguồn nước phục vụ chữa cháy.
Tính từ đầu năm 2017 đến nay, địa bàn tỉnh Điện Biên đã xảy ra hơn 100 vụ cháy. Điều kiện địa lý đồi núi, địa bàn chia cắt, hạ tầng phòng cháy tại nhiều khu vực dân cư còn thiếu đồng bộ, gây khó khăn lớn cho công tác cứu hỏa.
“Khoảng 90% số vụ cháy đều phải sử dụng nguồn nước để chữa cháy. Nhưng mỗi xe chữa cháy chỉ mang được từ 4 đến 6m³ nước, tương ứng với 4–6 phút phun liên tục. Với các đám cháy lớn, việc tiếp cận nhanh nguồn nước tại chỗ là yếu tố sống còn để khống chế và dập lửa kịp thời” - Thượng úy Nguyễn Doãn Đạt, cán bộ Phòng PCCC&CNCH Công an tỉnh Điện Biên cho biết.
![]() |
Quá trình xây dựng ứng dụng Bản đồ mất khoảng 2 tuần |
Xuất phát từ nhu cầu thực tế, năm 2023, Thượng úy Nguyễn Doãn Đạt đã tìm tòi, xây dựng ứng dụng số hoá toàn bộ hệ thống nguồn nước trên địa bàn tỉnh. Sau hai tuần vừa học, vừa làm, “Bản đồ nguồn nước Điện Biên” chính thức hoàn thiện.
Toàn bộ dữ liệu đều được khảo sát trực tiếp ngoài thực địa, sau đó được định vị và tích hợp vào Google Maps. Ứng dụng có chức năng hỗ trợ tra cứu vị trí nguồn nước gần nhất, hiển thị đầy đủ thông tin về lưu lượng, đặc điểm, tình trạng hoạt động và đặc biệt là chức năng chỉ đường, giúp lực lượng PCCC lên phương án tiếp cận hiệu quả nhất.
Không được đào tạo bài bản về công nghệ thông tin, việc xây dựng phần mềm ban đầu chỉ là ý tưởng manh nha trong những lần đi chữa cháy. Tuy nhiên, với tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, Thượng úy Nguyễn Doãn Đạt đã chủ động tìm kiếm tài liệu, học cách lập trình, đồng thời rủ các đồng nghiệp cùng tham gia khảo sát thực tế.
![]() |
Bản đồ số giúp lực lượng PCCC xác định nhanh vị trí nguồn nước gần hiện trường cháy, rút ngắn thời gian tiếp cận |
“Khó khăn lớn nhất là kiến thức lập trình còn hạn chế. Vì thế, chúng tôi phải tự học cách thiết kế phần mềm, lập cơ sở dữ liệu, xây dựng giao diện và tính năng truy cập. Bên cạnh đó, việc khảo sát các trụ nước, hồ chứa, ao hồ, suối… trên địa bàn rộng như Điện Biên mất rất nhiều thời gian, công sức. Phần lớn công việc phải tranh thủ làm ngoài giờ hành chính, buổi tối hoặc vào cuối tuần vì ban ngày vẫn phải đảm bảo nhiệm vụ chuyên môn”, Thượng úy Đạt chia sẻ.
Sau nhiều tháng nỗ lực, phần mềm bản đồ nguồn nước chữa cháy đã hoàn thiện. Dữ liệu bản đồ được đồng bộ lên hệ thống máy chủ, cho phép sử dụng linh hoạt trên điện thoại thông minh, máy tính bảng hoặc máy tính để bàn, phục vụ kịp thời cho mọi vị trí, từ trung tâm chỉ huy đến các tổ chữa cháy cơ động.
![]() |
Giao diện Bản đồ số phiên bản website cho máy tính |
Ứng dụng hiện đang được lưu hành nội bộ trong lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH tỉnh Điện Biên, miễn phí hoàn toàn và phục vụ trực tiếp cho công tác chuyên môn. Mỗi cán bộ chiến sĩ được phân quyền truy cập, có thể kiểm tra thông tin nguồn nước gần khu vực xảy ra cháy, từ đó lên phương án điều xe, phối hợp tiếp cận nguồn nước nhanh và hợp lý nhất.
Không chỉ dừng lại ở vai trò hỗ trợ công tác chữa cháy, bản đồ số hóa nguồn nước còn là công cụ hiệu quả trong công tác phòng cháy và tham mưu chính sách phát triển hạ tầng đô thị.
Theo Thiếu tá Nguyễn Văn Thưởng - Phó trưởng Phòng PCCC&CNCH Công an tỉnh Điện Biên, việc ứng dụng công nghệ số vào công tác nghiệp vụ đang là xu hướng tất yếu của ngành Công an nói chung và lực lượng PCCC nói riêng. Với phần mềm bản đồ nguồn nước, lực lượng thẩm duyệt PCCC có thể căn cứ vào vị trí các trụ nước hiện có để đưa ra đánh giá, yêu cầu chủ đầu tư bổ sung hệ thống cấp nước phù hợp cho công trình.
![]() |
Lực lượng PCCC khảo sát thực địa các nguồn nước trên địa bàn để cập nhật dữ liệu vào hệ thống |
“Bản đồ này cũng giúp phòng tham mưu đề xuất với lãnh đạo Công an tỉnh những nội dung liên quan đến quy hoạch đô thị gắn với phòng cháy, đảm bảo hệ thống cấp nước chữa cháy phát triển đồng bộ với hạ tầng dân cư", Thiếu tá Thưởng nhấn mạnh.
Ngoài ra, trong công tác huấn luyện, phần mềm cũng là tài liệu sinh động để hướng dẫn lực lượng tại cơ sở, các tổ đội PCCC dân phòng biết cách xác định, tận dụng hiệu quả nguồn nước xung quanh khi xảy ra sự cố.