Số ca ho gà tăng mạnh ở Nhật Bản

Nhật Bản đang ghi nhận số ca ho gà cao gấp ba lần so với cả năm 2024
Viện An ninh Y tế Nhật Bản (Japan Institute for Health Security - JIHS) hôm 14/5 cho biết, tổng số ca mắc ho gà trên toàn quốc tính đến thời điểm hiện tại đã lên tới 11.921 ca. Chỉ riêng trong tuần từ ngày 21 - 27/4, đã có 2.176 ca mắc mới, tăng mạnh so với con số 1.884 ca của tuần trước đó. Đây là tuần thứ năm liên tiếp số ca mắc lập kỷ lục mới.
Theo dữ liệu chính thức, tổng số ca mắc ho gà trong cả năm 2024 chỉ là 4.054 ca, cho thấy mức tăng đột biến trong năm nay. Một trong những nguyên nhân đáng lo ngại được các chuyên gia y tế chỉ ra là sự lan rộng của vi khuẩn kháng kháng sinh, khiến việc điều trị trở nên khó khăn hơn.
Ho gà là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính do vi khuẩn Bordetella pertussis gây ra, lây truyền qua đường hô hấp thông qua các giọt bắn từ ho hoặc hắt hơi. Bệnh đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ vì có thể gây khó thở, viêm phổi và thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) và các cơ quan y tế đang kêu gọi các bậc phụ huynh cho trẻ sơ sinh tiêm vaccine phòng ho gà ngay khi trẻ đủ 2 tháng tuổi - thời điểm đủ điều kiện để tiêm mũi đầu tiên theo phác đồ miễn dịch quốc gia.
Tại Nhật Bản, vaccine ho gà được sử dụng phổ biến trong chương trình tiêm chủng kết hợp "DPT" (bạch hầu - ho gà - uốn ván). Trẻ em thường được tiêm ba mũi cơ bản trong năm đầu đời và một mũi nhắc lại sau đó. Tuy nhiên, một số chuyên gia lo ngại rằng hiệu quả miễn dịch của vaccine giảm dần theo thời gian, đặc biệt khi trẻ lớn lên và đến tuổi thanh thiếu niên - giai đoạn mà ít người được tiêm nhắc lại.
Viện Quốc gia về các bệnh truyền nhiễm Nhật Bản (NIID) cũng lưu ý rằng số ca mắc ho gà có dấu hiệu gia tăng ở mọi lứa tuổi, không chỉ riêng trẻ em. Điều này cho thấy cộng đồng đang thiếu miễn dịch bảo vệ đủ mạnh, khiến virus dễ dàng lây lan. Một số trường hợp mắc bệnh đã được phát hiện ở người trưởng thành, trong đó có giáo viên và nhân viên chăm sóc trẻ, làm tăng nguy cơ lây nhiễm cho trẻ sơ sinh chưa được tiêm phòng.
Trước tình hình đó, các chuyên gia khuyến cáo chính phủ nên xem xét mở rộng chương trình tiêm vaccine nhắc lại cho thanh thiếu niên và người lớn - biện pháp đã được áp dụng ở một số nước như Mỹ và Đức nhằm bảo vệ các nhóm có nguy cơ cao.
JIHS cũng đang phối hợp với các cơ sở nghiên cứu để giám sát các chủng vi khuẩn ho gà đang lưu hành, đặc biệt là những chủng có biểu hiện kháng thuốc điều trị như macrolide - loại kháng sinh thường được sử dụng trong điều trị bệnh này. Nếu tình trạng kháng thuốc tiếp tục lan rộng, đây có thể trở thành một vấn đề y tế nghiêm trọng trong thời gian tới tại Nhật Bản.