Sinh viên trải nghiệm mô hình Địa đạo Củ Chi ngay tại trường

Trong không khí cả nước hướng về những ngày tháng hào hùng của dân tộc, sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM đã bồi hồi cảm xúc khi được trải nghiệm chui mô hình Địa đạo Củ Chi ngay tại trường. Từ đây, mỗi sinh viên được cảm nhận chân thực và sâu sắc hơn về những năm tháng đấu tranh anh dũng của quân và dân ta tại "vùng đất thép" Củ Chi.
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất, nhằm tạo cơ hội để sinh viên tiếp cận với lịch sử dân tộc một cách sinh động, sáng tạo và trực quan, Đoàn Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM triển khai Dự án Bảo tàng di động với chủ đề "Đất nước thống nhất gắn với Địa đạo Củ Chi".
Mô hình là một sáng kiến giáo dục lịch sử kết hợp giữa truyền thống – hiện đại, giữa trưng bày – trải nghiệm, nhằm khơi dậy lòng tự hào dân tộc và tinh thần yêu nước trong thế hệ trẻ.
Diễn ra trong những ngày tháng 4 lịch sử, bảo tàng di động không chỉ là một không gian trưng bày, mà là hành trình trải nghiệm lịch sử được thiết kế sống động, thực tế và truyền cảm hứng.
Huỳnh Tuấn Khương, Bí thư Đoàn Trường ĐH Khoa học tự nhiên, cho biết điểm nhấn nổi bật của bảo tàng chính là mô hình trải nghiệm hầm căn cứ chiến tranh – Địa đạo Củ Chi, được mô phỏng theo tỉ lệ thực, tái hiện lại không gian trú ẩn và di chuyển nhỏ của hầm Củ Chi, dành cho sinh viên chưa có điều kiện đến Củ Chi để tìm hiểu thêm về địa đạo.
Bên cạnh mô hình địa đạo, bảo tàng còn tổ chức nhiều hoạt động như triển lãm tìm hiểu lịch sử Việt Nam, đặc biệt là chiến thắng chiến dịch Hồ Chí Minh, chiếu phim lịch sử.
"Với mô hình bảo tàng di động, Đoàn Trường ĐH Khoa học tự nhiên mong muốn đưa lịch sử đến gần với sinh viên thông qua những phương pháp giáo dục mới – trực quan và cảm xúc. Dự án không chỉ góp phần nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, mà còn truyền cảm hứng về ý chí, lòng dũng cảm và sự kiên cường của thế hệ cha anh", Huỳnh Tuấn Khương chia sẻ.
Đồng thời Khương cho biết Bảo tàng di động "Đất nước thống nhất gắn với Địa đạo Củ Chi" là một điểm nhấn trong chuỗi hoạt động hướng về lịch sử của nhà trường, thể hiện trách nhiệm đào tạo thế hệ trẻ "vừa hồng, vừa chuyên", biết trân trọng giá trị truyền thống trong hành trình hội nhập và phát triển.
Phạm Thị Gia Mỹ, Ủy viên BCH Đoàn trường, Phó Chủ tịch Hội sinh viên trường, cán bộ phụ trách thực hiện Bảo tàng di động, chia sẻ: "Lịch sử của dân tộc Việt Nam là bản trường ca bất diệt của lòng yêu nước, của những con người đã lấy ý chí làm thành đồng, lấy xương máu viết nên những trang sử hào hùng. Với tâm niệm đó, chúng tôi thực hiện Bảo tàng di động mô phỏng Hầm căn cứ chiến tranh Địa đạo Củ Chi, như một nhịp cầu đưa thế hệ trẻ trở về với những tháng năm không thể nào quên. Chúng tôi mong muốn, thông qua từng bước chân len lỏi trong địa đạo mô phỏng, từng phút giây trải nghiệm đời sống chiến khu, sinh viên sẽ cảm nhận được khí phách kiên cường, tinh thần bất khuất của quân và dân ta trong cuộc trường kỳ kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Đây không chỉ là một hoạt động giáo dục lịch sử, mà còn là lời hiệu triệu mạnh mẽ, thôi thúc mỗi bạn trẻ hôm nay phải sống xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ đi trước".
Sau khi trải nghiệm chui mô hình Địa đạo Củ Chi ngay tại trường, Phạm Hữu Nghĩa, sinh viên Khoa Vật lý - Vật Lý kỹ thuật, bày tỏ: "Khi bước vào mô hình địa đạo, mọi cảm giác ban đầu của tôi hoàn toàn thay đổi. Không gian hẹp, tối và âm u khiến tôi hình dung rõ ràng hơn về những khó khăn mà các cô chú bộ đội ngày xưa đã phải chịu đựng. Mỗi mét đất dưới chân mình, tôi cảm giác như đang đi qua từng câu chuyện, từng giấc mơ về tự do mà thế hệ trước đã đánh đổi bằng máu và nước mắt".
Nghĩa kể tiếp: "Lúc cúi mình chui qua những đoạn hầm nhỏ, dù chỉ là mô hình thôi nhưng tôi tự hỏi: làm sao cha ông ta có thể sống và chiến đấu kiên cường đến thế? Những hình ảnh, hiện vật và những dòng tư liệu trưng bày khiến lòng tôi nghẹn lại. Hóa ra, lịch sử không chỉ là những điều xa vời trong sách, mà ở đây, nó hiện hữu, gần gũi, và vô cùng chân thật. Sau buổi trải nghiệm, tôi thấy mình trưởng thành hơn một chút. Tôi hiểu rằng tự do không phải điều ngẫu nhiên, và trách nhiệm của người trẻ như tôi hôm nay là phải sống xứng đáng hơn, biết ơn hơn, và đóng góp nhiều hơn cho đất nước".