Sinh viên logistics đóng 1,5 triệu để ngồi spam tin nhắn

Em trai tôi, là sinh viên năm hai ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng tại một trường đại học. Nghe thì có vẻ rất "chuyên ngành", rất triển vọng, nhưng nội dung mà em đang được "học" khiến tôi không khỏi ngỡ ngàng và thất vọng.
Hiện tại em trai tôi đang học kỳ hè với nội dung học phần là "kiến tập". Theo đúng nghĩa, "kiến tập" là giai đoạn để sinh viên tiếp xúc bước đầu với môi trường làm việc thực tế, từ đó hiểu rõ hơn về ngành nghề mình đang học, và có định hướng phát triển kỹ năng cần thiết trong tương lai.
Nhưng điều trớ trêu là nhà trường lại gửi nhóm khoảng 20 sinh viên đến một công ty là đơn vị tuyển dụng, để... đi gọi điện thoại, đăng bài, nhắn tin, và tìm kiếm ứng viên nộp CV cho công ty.
Công việc này không những không liên quan gì đến ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng mà còn không đòi hỏi bất kỳ kiến thức chuyên ngành nào.
Sinh viên bị giao việc như một cộng tác viên không lương - làm tuyển dụng thuê, không có laptop, không có hỗ trợ chi phí gửi xe (7.000 đồng một ngày cũng phải tự trả). Ngược lại, phải đóng cho nhà trường số tiền 1.500.000 đồng cho học phần "kiến tập" này.
Thử hỏi, kiến thức nào được củng cố từ công việc như vậy? Họ học được kỹ năng gì ngoài việc copy - paste tin tuyển dụng, spam tin nhắn, hay thậm chí phải nghe những lời phàn nàn, từ chối từ ứng viên?
Không khó để nhận thấy rằng, đằng sau mô hình kiến tập kiểu này là sự sắp xếp thiếu trách nhiệm, thậm chí mang tính hình thức từ phía nhà trường và giảng viên phụ trách bộ môn.
Có vẻ như mục tiêu chính không còn là đào tạo mà là "hoàn thành chương trình" - miễn sao sinh viên được "gửi đi đâu đó", được "giao việc gì đó" rồi cuối kỳ nộp báo cáo là xong. Chất lượng hay giá trị thực tiễn dường như không được đo lường.
Theo tôi, sự thờ ơ này kéo theo hệ quả rất nghiêm trọng: Sinh viên mất phương hướng. Họ không biết phải học gì để chuẩn bị cho công việc tương lai. Họ không hiểu rõ ngành nghề mình học cần những kỹ năng nào.
Và nguy hiểm hơn, họ cảm thấy không thể tìm được sự bảo vệ, không thể lên tiếng vì sợ "bị đánh giá", sợ "ảnh hưởng điểm số". Dần dần, các bạn trẻ học cách cam chịu - và điều này là cái đáng lo nhất.
Những câu hỏi chưa lời đáp:
- Tại sao một học phần thực hành chuyên ngành lại có thể được tổ chức lỏng lẻo đến vậy?
- Tại sao sinh viên phải trả tiền để đi làm những công việc không liên quan, không được hỗ trợ phương tiện, không có hướng dẫn cụ thể?
- Và tại sao, khi phụ huynh hoặc sinh viên phản ánh, thì không có cơ chế nào rõ ràng để tiếp nhận và xử lý?
Hệ thống giáo dục đại học nên là nơi giúp sinh viên phát triển kiến thức, kỹ năng và tư duy phản biện. Nhưng nếu sinh viên không thể đặt câu hỏi, không được lắng nghe, và không biết tìm sự bảo vệ từ đâu khi bị "dạy sai", "giao việc vô nghĩa", thì điều đó cần được xem lại một cách nghiêm túc.
Quang Nguyễn