Nhảy đến nội dung

Siết mua bán vàng trái phép

Việc mua bán vàng miếng SJC ở những nơi không được cấp phép vẫn diễn ra ồn ào và công khai. Tình trạng này dẫn tới vàng kém chất lượng, vàng giả và lừa đảo liên quan đến vàng ngày càng gia tăng. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu siết lại việc này.

Rủi ro mua bán vàng qua mạng

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Công điện số 64 về triển khai các biện pháp quản lý hiệu quả thị trường vàng. Trong đó, yêu cầu Bộ Công an phối hợp Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, đầu cơ trục lợi, kinh doanh trái phép, thao túng thị trường…

Cùng ngày, NHNN chi nhánh khu vực 2 có công văn gửi các cơ quan ban ngành trên địa bàn TP.HCM, trong đó đề cập người dân chỉ được thực hiện mua bán vàng miếng SJC tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được cấp phép mua bán vàng miếng. Các doanh nghiệp kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ không có giấy phép không được mua bán vàng miếng. Đồng thời, các công ty vàng trang sức phải có chứng từ, hóa đơn, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm… Trong trường hợp giao dịch sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định số 88/2019 xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ ngân hàng.

Thực tế thời gian qua, tình trạng mua bán vàng qua mạng diễn ra rầm rộ. Nhiều người có vàng mang bán hay có nhu cầu mua vàng lên mạng tìm kiếm giao dịch. Một tuần qua, trong các hội nhóm "Diễn đàn Vàng VN", "Hội mua bán giao lưu vàng miếng, 999"… trên mạng xã hội liên tục xuất hiện các lời rao cần mua lẫn bán vàng miếng, vàng nhẫn.

Chiều qua 15.5, chúng tôi truy cập vào "Nhóm giao lưu mua bán vàng trên FB" chứng kiến cảnh mua bán khá nhộn nhịp, công khai. Cụ thể, có người rao bán 1 lượng vàng miếng SJC với giá 117 triệu đồng, giao dịch ở TP.HCM. So với giá mua vào của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC ở mức 115,5 triệu đồng thì giá rao này cao hơn 1,5 triệu đồng. Ngược lại, người mua sẽ được mua thấp hơn 1,2 triệu đồng so với giá bán ra của SJC là 118,2 triệu đồng/lượng. Quan sát cho thấy, đa số các thông tin của những cá nhân khác chỉ ngắn gọn là lời rao "Chuyên thu mua vàng giá cao, thu tận nhà" nhưng không đưa ra giá cụ thể mà chỉ để lại số điện thoại để trao đổi riêng…

Không chỉ trái phép, việc mua bán vàng qua mạng ngày càng nhiều rủi ro. Ngày 14.5, Công an TP.Đà Nẵng phát cảnh báo thủ đoạn lừa đảo giả mạo giao dịch mua bán vàng qua mạng. Cụ thể, anh N.V.B có nhu cầu bán vàng và thông qua trang "Cộng đồng vàng Đà Nẵng" nên đã trao đổi với tài khoản Facebook "Vân Thị Dương". Cùng lúc đó, một phụ nữ tên N.N.C. (trú P.Thạc Gián, Q.Thanh Khê, TP.Đà Nẵng) có tài khoản Facebook tên "Ngọc My" liên hệ anh B. để mua vàng. Cả hai được các tài khoản lạ dàn dựng "kịch bản" giao dịch trực tiếp tại tiệm vàng, nhưng thực chất là không hề quen biết nhau ngoài đời. Khi anh B. mang 10 chỉ vàng đến và giao cho phụ nữ tên C. kiểm tra, chị này đã chuyển hơn 109 triệu đồng vào tài khoản của một người tên Hoàng Văn Nghiêm theo yêu cầu của tài khoản "Ngọc My" - người mà chị tưởng là chủ vàng. Sau giao dịch, cả hai đều không nhận được tiền hay vàng, mới phát hiện mình đã bị lừa qua một trung gian ảo.

Hay một trường hợp khác xảy ra tại Bắc Ninh, một phụ nữ mua vàng nhẫn công ty B.T.M.C với giá rẻ hơn 70.000 đồng, đến khi đem ra tiệm bán lại thì tiệm vàng phát hiện là vàng giả.

Tăng cung mới dẹp được vàng "chợ đen"

Theo chuyên gia tài chính - TS Nguyễn Trí Hiếu, quy định mua bán vàng miếng phải diễn ra ở các cửa hàng, công ty được cấp phép đã có từ lâu. Tuy nhiên, thời gian gần đây hoạt động mua bán ngoài các địa điểm kinh doanh được phép, hay còn gọi "chợ đen", hoặc trên các diễn đàn, hội nhóm qua mạng diễn ra nhiều hơn. Điều đó xuất phát từ nhu cầu mua tăng cao trong khi nguồn cung ở các cửa hàng hạn chế. Đồng thời, chênh lệch giá mua - bán cũng tăng cao khiến khách hàng tìm đến chỗ bán cao hơn…

PGS-TS Nguyễn Hữu Huân (Đại học Kinh tế TP.HCM) cho rằng để người dân không mua trên thị trường không chính thức, cũng như rút ngắn mức giá đắt đỏ của vàng trong nước so với thế giới thì chỉ có biện pháp nhà nước cung vàng ra thị trường như thời điểm năm 2024.

Ông Huân phân tích: Thị trường vàng từ năm 2014 - 2023, NHNN không tăng cung vàng miếng SJC ra thị trường khiến giá vàng trong nước cách ly giá thế giới. Tuy nhiên, từ tháng 4.2024 đến cuối năm 2024, NHNN thực hiện can thiệp thị trường vàng qua đấu thầu và bán vàng miếng trực tiếp khiến giá vàng trong và ngoài nước rút ngắn chênh lệch. Cụ thể, từ 19.4.2024 - 23.5.2024, NHNN đã tổ chức 9 phiên đấu thầu với tổng khối lượng trúng thầu 48.500 lượng vàng SJC (tương đương khoảng 1,82 tấn). Tuy nhiên, sau 9 phiên can thiệp theo phương thức đấu thầu, chênh lệch giữa giá vàng SJC và giá thế giới vẫn ở mức cao.

Để nhanh chóng kiểm soát và giảm chênh lệch giữa giá vàng trong nước so với giá thế giới, NHNN chuyển sang phương thức bán vàng miếng với khối lượng phù hợp, lựa chọn 4 ngân hàng thương mại Nhà nước và Công ty SJC để triển khai. Đây là biện pháp can thiệp chưa từng có tiền lệ trong hoạt động điều hành và quản lý thị trường vàng của NHNN. Kết quả, từ ngày 3.6 - 29.10.2024, NHNN đã tổ chức 44 phiên bán vàng miếng SJC trực tiếp, cung ứng ra thị trường 305.600 lượng vàng SJC (tương đương khoảng 11,46 tấn vàng). Chỉ trong vài tháng, NHNN đã can thiệp đưa ra thị trường 13,28 tấn vàng, kéo giá vàng miếng từ mức cao hơn thế giới 20 triệu đồng/lượng xuống còn 2 - 3 triệu đồng/lượng.

Dù chênh lệch được kéo xuống nhưng PGS-TS Nguyễn Hữu Huân nhận xét: Biện pháp này cũng bất cập vì không phải ai muốn mua vàng là có thể mua được, dẫn đến người dân phải xếp hàng mua, các công ty cũng bán ra khối lượng hạn chế. Hệ quả là các giao dịch trên thị trường tự do xuất hiện. "Theo quy định, mua bán vàng miếng SJC phải đúng đơn vị được cấp giấy phép, giống như giao dịch ngoại tệ. Thế nhưng người dân lại không muốn xếp hàng, muốn mua ngay với khối lượng bao nhiêu cũng có. Đó là chưa kể giá vàng thương lượng giữa hai bên có thể tốt hơn", TS Huân lý giải và khẳng định, giao dịch mua bán vàng miếng SJC không đúng nơi quy định, nếu bị cơ quan chức năng phát hiện sẽ bị xử phạt nặng. Điều này đã từng xảy ra đối với ngoại tệ. Đó là vụ ông Nguyễn Cà Rê (Cần Thơ) đi đổi ngoại tệ tờ tiền 100 USD bị phát hiện, cơ quan chức năng đề nghị phạt 90 triệu đồng cách đây nhiều năm.

"Ngoài rủi ro pháp luật, những người mua vàng tự do còn đối diện với lừa đảo hay vàng giả. Để hạn chế giao dịch tự do, chỉ có giải pháp là các đơn vị kinh doanh vàng đáp ứng nhu cầu của người dân thì không ai ra bên ngoài để mua", TS Huân nói.

Thị trường nhiều biểu hiện bất thường

Sau Công điện yêu cầu kiểm tra của Thủ tướng cũng như chỉ đạo của NHNN, nhiều tiệm vàng rút vào thế thủ. Một số tiệm vàng quanh khu vực chợ Bến Thành (Q.1, TP.HCM) từ chối mua vào vàng miếng. Không chỉ lo ngại cơ quan chức năng kiểm tra, giới kinh doanh vàng cũng thận trọng hơn khi xu hướng giảm giá của kim loại quý vẫn đang thống trị thị trường.

Hôm qua, các công ty kinh doanh giảm giá vàng miếng SJC 1,8 triệu đồng mỗi lượng, mua vào còn 115,5 triệu đồng, bán ra 118,2 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn có mức giảm mạnh hơn, xuống 1,7 - 2,2 triệu đồng/lượng. Công ty Bảo Tín Minh Châu mua vào 113,5 triệu đồng, bán ra 116,5 triệu đồng/lượng; Công ty Phú Quý mua vào 111 triệu đồng, bán ra 114 triệu đồng/lượng; Tập đoàn Doji mua vào 110,5 triệu đồng, bán ra 113,5 triệu đồng/lượng; Công ty SJC mua vào còn 110,5 triệu đồng, bán ra 113,6 triệu đồng/lượng…

Giá vàng giảm, thị trường "ế" nên các công ty tăng hạn mức bán vàng cho khách hàng. Công ty SJC bán cho mỗi khách hàng 5 chỉ vàng nhẫn (trước đây chỉ bán từ 1 - 2 chỉ vàng), riêng vàng miếng bán không giới hạn (trước đây chỉ bán 1 lượng vàng/khách). Công ty Bảo Tín Minh Châu bán cho mỗi khách hàng 1 lượng vàng nhẫn trơn (trước bán từ 1 - 5 chỉ vàng/khách).

Giá vàng biến động mạnh từ đầu tháng 4, sau khi Mỹ công bố áp thuế đối ứng với các nước, giá vàng thế giới đã tăng 350 USD/ounce chỉ trong vòng 2 tuần, lên đỉnh 3.500 USD/ounce. Tương ứng, giá vàng miếng SJC tăng từ mức 100 triệu đồng lên 124 triệu đồng mỗi lượng, xác lập mức giá cao nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, khi căng thẳng thương chiến giữa Mỹ và Trung Quốc lắng dịu, giá vàng thế giới xuống còn 3.150 USD/ounce vào ngày 15.5, tương ứng giảm 350 USD/ounce trong vòng 3 tuần qua. Quy đổi theo tỷ giá ngân hàng thì mức giảm này tương đương 11 triệu đồng/lượng. Thế nhưng đà sụt giảm của giá vàng trong nước chậm hơn, chỉ mất 5 triệu đồng/lượng so với mức đỉnh. Với diễn biến này, giá vàng miếng SJC cao hơn thế giới lên 19,6 triệu đồng/lượng, còn vàng nhẫn cao hơn 16,7 triệu đồng/lượng.

Theo dự báo của TS Nguyễn Trí Hiếu, giá vàng thế giới hiện đang giảm khi có những thông tin tích cực nhưng sẽ tăng trở lại. Bởi các bất ổn như thương chiến giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa chấm dứt; đàm phán thuế quan giữa Mỹ với nhiều quốc gia chưa có tiến triển; xung đột quân sự ở nhiều nơi vẫn còn và có thể bùng nổ bất cứ lúc nào.

"Nhu cầu về tích trữ, mua vàng của người dân vẫn cao. Mặc dù giao dịch tự phát, mua bán cá nhân trên chợ mạng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhưng nếu nguồn cung chưa thay đổi, vẫn khó mua thì cũng không ngăn chặn được giao dịch vàng "chợ đen", qua mạng", TS Nguyễn Trí Hiếu nói.

Dù đưa ra kiến nghị tăng cung nhưng PGS-TS Nguyễn Hữu Huân cũng cho rằng giải pháp này khó có thể xảy ra trong bối cảnh hiện nay, bởi câu chuyện của vàng liên quan đến tỷ giá. Nếu NHNN nhập khẩu vàng thì mất một lượng ngoại tệ, trong khi dự trữ ngoại hối không ưu tiên giải quyết cho vấn đề này. Ngay cả doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất vàng cũng gia tăng nhu cầu ngoại tệ trong nước.

"Hiện nay tỷ giá đang ổn định nên không nhất thiết phải xử lý vấn đề chênh lệch giá vàng trong nước. Cứ để cho cung - cầu thị trường trong nước tự điều tiết. Khi nào vàng tác động gây ảnh hưởng đến tỷ giá thì NHNN tăng cung. Thêm vào đó, cơ quan chức năng hiện nay tăng cường quản lý buôn lậu trong bối cảnh chênh lệch giữa giá vàng trong và ngoài nước tăng cao, điều này rất có khả năng tác động đến ngoại tệ đi lên", ông Huân nhận định.

Theo luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI, hiện nay không có quy định nào sẽ xử phạt cá nhân tự giao dịch vàng với nhau vì vàng không phải là hàng hóa bị cấm. Trên các hội nhóm, diễn đàn mạng chỉ là thông tin quảng cáo, giới thiệu mà chưa xảy ra hành vi giao dịch. Điều này khác với ngoại hối vì đã có quy định rõ ràng, chặt chẽ hơn là người mua ở các điểm không có giấy phép cũng bị xử phạt. Còn với người mua vàng ở các điểm không phép liệu có bị xử phạt hay không là chưa rõ.

Dù vậy, ông Trương Thanh Đức khuyến cáo, việc tự mua bán, giao dịch qua các hội nhóm, chợ mạng ẩn chứa quá nhiều rủi ro. Đó là mua phải vàng kém chất lượng, vàng giả hay thậm chí bị lừa đảo. Đồng thời, khi các cửa hàng không được phép giao dịch vàng miếng nhưng khách hàng đến giao dịch là đã tiếp tay cho đơn vị này vi phạm. Vì vậy, luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh, khách hàng nên chú ý chỉ giao dịch theo các điểm mua bán vàng được phép để tránh rủi ro có thể xảy đến cho mình và gia đình.

 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn