Nhảy đến nội dung

Sẽ thiết lập cơ chế học phí gắn với chất lượng đào tạo

Ngày 14.5, tại ĐH Bách khoa Hà Nội, Bộ GD-ĐT tổ chức tọa đàm tham vấn chính sách xây dựng luật Giáo dục đại học sửa đổi (sau đây gọi chung là luật sửa đổi).

Theo ông Nguyễn Tiến Thảo, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (GDĐH) - Bộ GD-ĐT, ban soạn thảo dự kiến trình lên Chính phủ nội dung 6 nhóm chính sách để làm căn cứ sửa luật, gồm: nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, kiến tạo hệ thống quản trị đại học tiên tiến; hiện đại hóa chương trình và phương thức tổ chức đào tạo, ứng dụng công nghệ tiên tiến và thúc đẩy học tập suốt đời; định vị cơ sở GDĐH là trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo gắn với đào tạo nhân lực chất lượng cao; tăng cường huy động các nguồn lực và nâng cao hiệu quả đầu tư hiện đại hóa GDĐH; phát triển đội ngũ giảng viên, nhà khoa học xuất sắc và môi trường học thuật sáng tạo, liêm chính; thay đổi cách thức tiếp cận quản trị chất lượng trong hoạt động đảm bảo chất lượng.

HỌC PHÍ TÍNH ĐÚNG, TÍNH ĐỦ TRONG KHUNG QUY ĐỊNH

Vấn đề học phí (HP) được ban biên soạn dự thảo luật sửa đổi đưa vào nhóm 4 (tăng cường huy động các nguồn lực và nâng cao hiệu quả đầu tư hiện đại hóa GDĐH). Ông Nguyễn Tiến Thảo cho biết: "Chính sách tài chính cho GDĐH sẽ được đổi mới toàn diện theo hướng hiệu quả, minh bạch và bảo đảm công bằng trong tiếp cận. Dự kiến luật sẽ thiết lập cơ chế HP gắn với chất lượng đào tạo, đồng thời mở rộng chính sách hỗ trợ người học thông qua tín dụng ưu đãi, không phân biệt loại hình công lập hay tư thục. Bên cạnh nguồn ngân sách nhà nước, các cơ sở GDĐH, kể cả công lập và tư thục, sẽ được tạo điều kiện đa dạng hóa nguồn thu thông qua hợp tác công - tư (PPP), hoạt động nghiên cứu, cung cấp dịch vụ và tài trợ từ xã hội hóa. Đặc biệt, cơ chế phân bổ ngân sách công sẽ chuyển mạnh từ cấp phát thường xuyên sang đầu tư theo kết quả đầu ra, gắn với các tiêu chí đánh giá khách quan và cơ chế giám sát chặt chẽ, nhằm thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực trong toàn hệ thống".

Từ quan điểm trên, ban soạn thảo luật sửa đổi của Bộ GD-ĐT dự kiến đưa vào luật quy định các nguyên tắc thống nhất về cơ chế HP, học bổng, tín dụng ưu đãi và giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết. Dự kiến cụ thể như sau: các trường ĐH tính đúng, tính đủ HP bảo đảm chất lượng theo khung quy định của Chính phủ, Nhà nước thực hiện chế độ miễn giảm HP cho đối tượng chính sách; bảo đảm tất cả người học có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận tín dụng ưu đãi để trang trải chi phí học tập, không để ai mất cơ hội vì yếu tố tài chính; Nhà nước cấp học bổng có đối ứng của cơ sở GDĐH để thu hút người học, nhất là người giỏi theo học các ngành, trình độ đào tạo cần ưu tiên chung của cả nước hoặc từng vùng, không gắn với địa chỉ sử dụng nhân lực cụ thể.

Kèm theo đó là chính sách về học bổng, HP. Nhà nước ưu tiên miễn HP, cấp học bổng cho người học các ngành đào tạo giáo viên, ngành trọng điểm thực hiện nhiệm vụ chiến lược phát triển kinh tế xã hội.

TOÀN CẦU HÓA TRONG GDĐH VÀ THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG

Nhóm chính sách 2, hiện đại hóa chương trình và phương thức tổ chức đào tạo, ứng dụng công nghệ tiên tiến và thúc đẩy học tập suốt đời, cũng đề xuất nhiều nội dung đáng chú ý. Quan điểm của Bộ GD-ĐT là đổi mới chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo trước hết hướng đến mục tiêu toàn cầu hóa trong GDĐH và thị trường lao động.

Hoạt động GDĐH được tổ chức linh hoạt theo hướng tích lũy tín chỉ, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng và học tập suốt đời của người học. Luật sẽ quy định hình thức đào tạo gồm có chính quy và thường xuyên. Trong đó hình thức chính quy đào tạo tập trung toàn thời gian tại các địa điểm đã đăng ký hoạt động, theo kế hoạch học tập chuẩn để hoàn thành chương trình đào tạo. Còn hình thức thường xuyên đào tạo theo thời gian và kế hoạch học tập linh hoạt, phù hợp với điều kiện, nhu cầu và năng lực của người học để hoàn thành chương trình đào tạo.

Các trường ĐH xây dựng chương trình đào tạo bảo đảm phù hợp với Khung trình độ quốc gia VN và đáp ứng chuẩn chương trình đào tạo của ngành, nhóm ngành hoặc lĩnh vực và trình độ tương ứng. Các trường cũng tự chủ xác định chỉ tiêu, phương thức và tổ chức tuyển sinh phù hợp với năng lực đào tạo trên cơ sở đáp ứng chuẩn cơ sở GDĐH, chuẩn chương trình đào tạo và nhu cầu nhân lực.

Bộ GD-ĐT vẫn ban hành quy chế tuyển sinh, trong đó quy định phương thức tuyển sinh; thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh, ngưỡng bảo đảm chất lượng tuyển sinh các chương trình đào tạo giáo viên, pháp luật và khoa học sức khỏe; yêu cầu bảo đảm khách quan, minh bạch, công bằng và chất lượng trong tổ chức tuyển sinh.

Đặc biệt, luật sẽ quy định về việc công nhận và chuyển đổi kết quả học tập được thực hiện khi người học đáp ứng yêu cầu về chuẩn đầu ra của một số học phần tương ứng trong chương trình đào tạo. Kết quả học tập tích lũy của người học được xem xét công nhận và chuyển đổi giữa các trình độ, hình thức và phương thức đào tạo, tạo điều kiện liên thông và học tập suốt đời.

 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn