Nhảy đến nội dung
 

Sẽ có chính sách đặc thù thu hút chuyên gia đầu ngành cho lĩnh vực nông nghiệp và môi trường

Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ có cơ chế chính sách riêng để thu hút chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước để góp phần phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo.

Chiều 5-5, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức họp báo thông tin về kế hoạch thực hiện nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia trong ngành nông nghiệp và môi trường.

Ông Nguyễn Văn Long - vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường - cho biết bộ đã ban hành kế hoạch đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số với 7 nhóm nhiệm vụ lớn.

Một trong các nhiệm vụ quan trọng và có yếu tố quyết định là phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao.

Theo ông Long, hiện ngành nông nghiệp và môi trường có 11.467 người làm trong lĩnh vực khoa học công nghệ, trong đó có 44 giáo sư, trên 260 phó giáo sư. Tuy nhiên số lượng này giảm liên tục trong 5 năm qua, và các chuyên gia trẻ tuổi chưa nhiều.

"Hiện nay chúng ta còn yếu và thiếu chuyên gia đầu ngành trong nước và quốc tế. Đồng thời chưa có cơ chế chính sách để mời các chuyên gia đầu ngành tham gia phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Trên cơ sở chung của Đảng, Nhà nước thì bộ cũng sẽ có cơ chế, chính sách riêng để thu hút đội ngũ này.

Cùng với đó là các đề án để đào tạo, nâng cao nguồn nhân lực phục vụ phát triển ngành" - ông Long nói.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến cũng nhận định hiện nay số lượng giáo sư, tiến sĩ có xu hướng giảm, thu nhập chưa tương xứng khiến việc thu hút và giữ chân nhân tài gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng cạnh tranh.

Do đó để thúc đẩy khoa học công nghệ thì vai trò của đội ngũ các nhà khoa học cần phải được quan tâm hàng đầu và được đặt ở vị trí trung tâm trong tiến trình đổi mới sáng tạo.

Ông Tiến cho rằng cần rà soát lại trình tự phê duyệt các đề tài khoa học để đảm bảo mục tiêu, nội dung và đầu ra phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

"Khoa học phải bắt nguồn từ thực tiễn và quay trở lại phục vụ thực tiễn. Bộ Khoa học và Công nghệ hiện có các quỹ hỗ trợ, song cần thúc đẩy cơ chế để chuyển nhanh từ nghiên cứu sang ứng dụng công nghệ hiệu quả" - ông Tiến nói.