Sau tai nạn ở vịnh Hạ Long, TP.HCM tổng kiểm tra cảng, bến thủy nội địa

Trước diễn biến phức tạp của bão số 3 (Wipha) và sau vụ lật tàu khiến hàng chục người tử vong ở vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), TP.HCM đang gấp rút triển khai các biện pháp kiểm tra, siết chặt an toàn tại các cảng, bến thủy nội địa nhằm chủ động phòng ngừa sự cố.
Sáng 22.7, Cảng vụ Đường thủy nội địa TP.HCM phối hợp Phòng CSGT (Công an TP.HCM) và Trung tâm Quản lý đường thủy triển khai đợt kiểm tra thực tế tại nhiều cảng, bến thủy nội địa chở khách trên địa bàn TP.HCM.
Trong buổi sáng, tổ công tác tiến hành kiểm tra tại bến thủy thuộc tuyến buýt đường thủy số 1 do Công ty TNHH Thường Nhật quản lý và Bến tàu cao tốc tuyến Bạch Đằng do Công ty TNHH Công nghệ xanh DP vận hành. Đến trưa, đoàn tiếp tục kiểm tra tại Bến thủy nội địa Cần Giờ – Vũng Tàu (Công ty TNHH MTV Quốc Chánh).
Qua kiểm tra, tổ công tác ghi nhận một số tồn tại cần khắc phục như: bố trí vị trí lấy phao cứu sinh kịp thời khi xảy ra sự cố, đèn tín hiệu cứu hộ. Các đơn vị được yêu cầu tăng cường hướng dẫn thoát hiểm cho hành khách, tăng cường thiết bị cứu nạn và tuân thủ nghiêm các phương án khai thác được duyệt.
"Ngay từ đầu năm, Cảng vụ đã xây dựng kế hoạch và triển khai công tác phòng chống thiên tai. Khi bão số 3 diễn ra, Cảng vụ chủ động phối hợp Phòng CSGT Công an TP.HCM, Chi cục Đăng kiểm kiểm tra các điều kiện an toàn tại các cảng, bến, phương tiện theo chỉ đạo của Thủ tướng về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai. Các cơ quan có liên quan đã lưu ý chủ phương tiện hướng dẫn hành khách trong việc sử dụng áo phao, chỉ dẫn cho hành khách về lối thoát hiểm khi phương tiện xảy ra sự cố. Đặc biệt là vấn đề bố trí áo phao ở nơi dễ thấy, dễ lấy", ông Trần Thanh Phong, Trưởng phòng Quản lý cảng bến, Cảng vụ Đường thủy nội địa TP.HCM, cho biết.
Đại diện doanh nghiệp đã tiếp nhận kiến nghị và cam kết khắc phục trong thời gian sớm nhất. Ông Trần Văn Tú, Quản lý bến phà Cần Giờ – Vũng Tàu cho hay, khi xuất hiện bão số 3, công ty đã xây dựng phương án phòng, chống bão và thiên tai. Trong đó, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng. Điều phối phương tiện không rời bến khi mưa to, gió lớn, kêu gọi các phương tiện về bến, nhắc nhở thuyền viên hướng dẫn khách ổn định vị trí, lối thoát hiểm, mặc áo phao và chỉ di chuyển khi có lệnh của thuyền trưởng.
Đây là một phần trong kế hoạch kiểm tra toàn diện do Cảng vụ Đường thủy nội địa TP.HCM chủ trì, triển khai từ ngày 22 - 26.7. Kế hoạch nhằm thực hiện Chỉ thị 14/CT-UBND và các văn bản chỉ đạo liên ngành, với trọng tâm là siết chặt điều kiện pháp lý – kỹ thuật – an toàn tại các tuyến buýt thủy, phà biển, tàu cao tốc, du lịch và các phương tiện vận tải hành khách thủy.
Công tác kiểm tra đặc biệt chú trọng các tuyến có mật độ phương tiện cao hoặc kết nối các điểm du lịch như: TP.HCM – Vũng Tàu, Cần Giờ – Côn Đảo, tuyến bờ – tàu du lịch neo đậu, cùng nhiều tuyến vận chuyển hành khách từ bờ ra đảo.
Trước đó, chiều 19.7, một vụ lật tàu đã xảy ra tại vịnh Hạ Long do giông lốc bất ngờ, khiến 37 người tử vong và 2 người mất tích. Vụ tai nạn thương tâm khiến cả nước bàng hoàng và là lời cảnh tỉnh về công tác đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, đặc biệt trong thời điểm mùa mưa bão.
Ngay sau vụ việc, lãnh đạo TP.HCM đã triệu tập họp khẩn và yêu cầu kích hoạt kịch bản ứng phó bão số 3, thực hiện phương châm “4 tại chỗ – 3 sẵn sàng”, huy động hơn 1.000 cán bộ chiến sĩ, chuẩn bị nơi trú ẩn, lương thực, nước sạch, thuốc men cho người dân.
Lãnh đạo Cảng vụ Đường thủy nội địa cho biết, sau đợt kiểm tra này, đơn vị sẽ tổng hợp đánh giá và tham mưu các biện pháp chấn chỉnh lâu dài, tránh để xảy ra sự cố đáng tiếc tương tự như tại vịnh Hạ Long. Đồng thời, công tác tuyên truyền pháp luật giao thông đường thủy sẽ tiếp tục được tăng cường sâu rộng tới từng chủ cảng, chủ phương tiện và người dân.