Nhảy đến nội dung

Sau sáp nhập, tỉnh này có thể có 2 sân bay trên đảo và vùng núi

Sau sáp nhập, tỉnh Quảng Ngãi mới sẽ có một mặt hướng biển, một mặt là ngã ba Đông Dương, tiếp giáp với Lào và Campuchia. Đồng thời, tỉnh mới có 2 sân bay đang được đề xuất xây dựng.

Ngày 28/4, tại kỳ họp thứ 33 (kỳ họp chuyên đề) của HĐND tỉnh Quảng Ngãi khóa XIII (nhiệm kỳ 2021 - 2026), các đại biểu đã thông qua nghị quyết tán thành chủ trương hợp nhất hai tỉnh Kon Tum và Quảng Ngãi. 

Tên gọi sau hợp nhất là tỉnh Quảng Ngãi; trung tâm chính trị - hành chính của tỉnh Quảng Ngãi sau hợp nhất tại TP. Quảng Ngại, tỉnh Quảng Ngãi hiện nay. Đơn vị hành chính tỉnh Quảng Ngãi mới có diện tích là 14.832,548 km2, dân số 2.161.755 người (đạt 154,41% so với tiêu chuẩn), 96 đơn vị hành chính trực thuộc.

Tỉnh Quảng Ngãi mới có diện tích đứng thứ 5 cả nước, xếp sau các tỉnh Lâm Đồng (24.233,1km²), Gia Lai (21.576,5km²) và Đắk Lắk (18.096,4km²) và Nghệ An (16.490,2km2).

Sau sáp nhập, tỉnh Quảng Ngãi mới sẽ có khu vực biển rộng lớn và đường biên giới giáp với Lào và Campuchia. Cụ thể, tỉnh mới sẽ có đường biên giới tiếp giáp Lào qua huyện Ngọc Hồi, Đắk Glei và giáp Campuchia qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y. Vị trí này giúp tỉnh đóng vai trò then chốt trong giao thương quốc tế, đặc biệt là kết nối hành lang kinh tế Đông - Tây từ Myanmar, Thái Lan, Lào tới biển Đông, mở ra cơ hội phát triển kinh tế cửa khẩu, logistics và thương mại quốc tế. 

Hạ tầng giao thông của tỉnh mới cũng hội tụ nhiều tuyến đường huyết mạch như Quốc lộ 40B, Quốc lộ 24 kết nối nội tỉnh từ ven biển lên Tây Nguyên, Quốc lộ 14E và đường Hồ Chí Minh xuyên suốt từ Kon Tum ra duyên hải miền Trung. 

Cùng với đó, khu vực từ cảng biển Dung Quất đến cửa khẩu Pờ Y có tiềm năng phát triển lớn, nơi có vùng cây trồng công nghiệp (cao su, cà phê, sầu riêng...) ở phía Tây và hệ thống giao thông thuận lợi, nhiều khu kinh tế, khu công nghiệp ở phía đông. 

Về phát triển du lịch, dịch vụ, tỉnh Quảng Ngãi mới cũng mở ra một không gian rộng lớn với nhiều cảnh điểm, danh lam thắng cảnh như khu du lịch quốc gia Măng Đen, đảo Lý Sơn, ngã ba Đông Dương, văn hóa Sa Huỳnh, Vườn quốc gia Chư Mom Ray...

Tỉnh Quảng Ngãi đề xuất xây dựng sân bay trên đảo Lý Sơn, tỉnh Kon Tum đề xuất xây sân bay tại thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông.

Năm 2021, UBND tỉnh Quảng Ngãi có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải (nay là Bộ Xây dựng) xin được chấp thuận chủ trương bổ sung, cập nhật cảng hàng không Lý Sơn (huyện đảo Lý Sơn) vào Quy hoạch tổng thể hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.

Tỉnh Quảng Ngãi đề xuất giao Bộ Quốc phòng đầu tư khu bay và các công trình quản lý, điều hành bay. Đối với phần kết cấu hạ tầng cảng hàng không sẽ được thực hiện theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).

Ngày 9/2, tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có chỉ đạo quan trọng liên quan đến việc triển khai xây dựng sân bay Lý Sơn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng ý về mặt nguyên tắc giao UBND tỉnh Quảng Ngãi làm cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu chủ trương đầu tư xây dựng sân bay Lý Sơn theo hướng hợp tác công tư.

Thủ tướng lưu ý tỉnh Quảng Ngãi cần nghiên cứu kỹ chủ trương xây dựng sân bay Lý Sơn. Trong quá trình thực hiện phải phối hợp với Bộ Quốc phòng để triển khai theo hướng sân bay lưỡng dụng.

Theo quy hoạch, cảng hàng không Lý Sơn có diện tích hơn 161ha, bao gồm phần diện tích dự kiến xây dựng sân bay và hạ tầng kỹ thuật kèm theo. Trong đó, phần diện tích lấn biển hơn 127ha. 

Dự kiến, sân bay Lý Sơn xây dựng theo cấp 4C, phục vụ hàng không dân dụng và lượng khách từ 3 - 3,5 triệu lượt khách/năm, đáp ứng máy bay A320, 321.

Về phía tỉnh Kon Tum, năm 2023, tỉnh này báo cáo Bộ Giao thông vận tải (cũ), Chính phủ về đề án xem xét nghiên cứu xây dựng cảng hàng không Măng Đen.

Trên cơ sở đó, Bộ Giao thông vận tải (cũ) đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận việc bổ sung quy hoạch cảng hàng không Măng Đen vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đề án, cảng hàng không Măng Đen cách trung tâm tỉnh Kon Tum 45km về phía đông bắc. Sân bay dự kiến được xây dựng trên vùng đồi núi với diện tích khoảng 350ha, công suất quy hoạch dự kiến đến năm 2030 là 1 triệu khách mỗi năm.