Sắp xếp lại giang sơn, vươn tới tương lai rực rỡ

Sáng 30.6, cả nước long trọng tổ chức lễ công bố các nghị quyết, quyết định của T.Ư và địa phương về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, kết thúc hoạt động cấp huyện, thành lập tổ chức Đảng và nhân sự của hệ thống chính trị.
Thời khắc thiêng liêng và trọng đại của dân tộc
Tại TP.HCM, tham dự và phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá đây là sự kiện mang tầm vóc lịch sử, là bước chuyển mình chiến lược, là đòi hỏi tất yếu khách quan của nhân dân và đất nước trong hành trình xây dựng những vùng động lực phát triển của quốc gia và khu vực, để xứng đáng với khát vọng "Việt Nam hùng cường vào năm 2045".
Tổng Bí thư khẳng định việc chính thức đồng loạt vận hành bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp tại 34 tỉnh, thành phố trong cả nước là thời khắc thiêng liêng và trọng đại của dân tộc. Quyết định "sắp xếp lại giang sơn" là bước đi lịch sử có ý nghĩa chiến lược, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của sự nghiệp hoàn thiện bộ máy hành chính nhà nước, hoàn thiện thể chế và tổ chức của hệ thống chính trị đồng bộ, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, hướng tới hoàn thiện một nền hành chính quản trị hiện đại, gần dân, sát dân, vì nhân dân phục vụ, để mọi lợi ích thuộc về nhân dân.
Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, việc tổ chức lại địa giới hành chính, vận hành mô hình chính quyền địa phương mới là yêu cầu khách quan và tất yếu của sự nghiệp phát triển đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa, chuyển đổi số và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đây cũng là cơ hội quý báu để đổi mới tư duy lãnh đạo, đổi mới phương thức quản lý nhà nước, ứng dụng mạnh mẽ KH-CN, nâng cao chất lượng quản trị quốc gia và tăng cường hiệu quả phục vụ nhân dân.
"Hãy để mỗi ngày làm việc là một ngày kiến tạo. Hãy để mỗi người là một chiến sĩ trên mặt trận đổi mới. Hãy để tinh thần cách mạng tấn công mạnh mẽ, quyết liệt và sáng tạo, thấm đẫm hồn dân tộc trong từng hành động, từng quyết sách và từng bước phát triển đi lên", Tổng Bí thư kêu gọi. Tổng Bí thư cũng khẳng định đến thời điểm này, đội ngũ chúng ta đã chỉnh tề, hàng lối đã ngay ngắn, cả dân tộc cùng hành quân vươn tới tương lai rực rỡ của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân, vì một VN phát triển bền vững.
Thành công của TP.HCM mới phải đến từ sự đồng thuận trong dân
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh việc hợp nhất 3 cực kinh tế phát triển mạnh mẽ phía nam gồm TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu không phải là sự cộng gộp đơn thuần, mà là sự kết tinh trí tuệ và ý chí phát triển chung, để hình thành một siêu đô thị - trung tâm tài chính, sản xuất, logistics và đổi mới sáng tạo mang tầm khu vực và thế giới.
"Đây là bước đi tiên phong, mang tính đột phá trong cải cách tổ chức bộ máy chính quyền đô thị, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển nhanh, mạnh, hiệu quả của vùng đô thị hóa cao nhất cả nước", Tổng Bí thư khẳng định. Mô hình này sẽ giúp tăng cường quyền tự chủ, linh hoạt trong điều hành, đồng thời tạo khuôn khổ thể chế rõ ràng để các đô thị vệ tinh, các khu công nghiệp - logistics - dịch vụ cảng biển phát huy hết tiềm năng.
Nhấn mạnh đây là thử thách và là cơ hội lịch sử, Tổng Bí thư lưu ý sự thành công của TP.HCM mới không thể chỉ đến từ văn bản hay nghị quyết, mà phải đến từ sự đồng thuận trong dân, sự quyết liệt trong lãnh đạo, và sự tận tâm trong thực thi. Chia sẻ với lãnh đạo TP.HCM và xã, phường, đặc khu vừa được nhận quyết định, Tổng Bí thư nhấn mạnh đây là trách nhiệm nặng nề nhưng cũng rất vinh quang, đồng thời mong các nhân sự vừa được giao trọng trách giữ vững bản lĩnh, phát huy trí tuệ tập thể, gần dân - trọng dân - vì dân mà hành động, đặt lợi ích của Tổ quốc và nhân dân lên trên hết.
Bước đi ý nghĩa bảo đảm cho sự phát triển của đất nước
Phát biểu tại lễ công bố ở Hà Nội, Chủ tịch nước Lương Cường cho biết đây là dấu mốc rất đặc biệt của thủ đô và cả nước. Từ ngày 1.7, bộ máy chính quyền địa phương của cả nước chính thức bước vào giai đoạn mới, chuyển từ chính quyền địa phương 3 cấp sang chính quyền địa phương 2 cấp.
"Đây không chỉ là việc điều chỉnh địa giới hành chính đơn thuần mà còn là bước đi có ý nghĩa to lớn về mặt chính trị, tổ chức và bảo đảm cho sự phát triển bền vững của đất nước", Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Với Hà Nội, theo Chủ tịch nước, việc sắp xếp, tinh giản đơn vị hành chính từ 526 cấp xã cũ xuống còn 126 đơn vị thể hiện sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy cải cách quản trị của thủ đô, mở ra không gian phát triển mới để thủ đô phát huy tốt hơn nữa.
"Việc sắp xếp, tổ chức bộ máy gắn với thay đổi địa giới hành chính, chức danh công tác sẽ có tác động đến tâm lý, vị trí việc làm, điều kiện sinh hoạt và cả tình cảm gắn bó của nhiều cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân", Chủ tịch nước nói và cho biết T.Ư rất chia sẻ với những băn khoăn, trăn trở này.
Chủ tịch nước lưu ý, bắt đầu từ 1.7, chính quyền cấp huyện sẽ chấm dứt hoạt động, Hà Nội sẽ lãnh đạo, chỉ đạo thẳng xuống 126 xã, phường. Cấp xã mới hiện nay có quy mô rất lớn nên yêu cầu bộ máy mới phải tinh - gọn - mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân hơn. Để đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đó, Chủ tịch nước đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy chính quyền của 126 xã, phường phải vận hành thông suốt, đồng bộ hiệu quả.
"Không để trễ việc, không để ách tắc, ảnh hưởng hoạt động bình thường của xã hội, đặc biệt là công tác, công việc liên quan người dân, doanh nghiệp, đầu tư, dịch vụ công thiết yếu", Chủ tịch nước nói.
Cạnh đó, Chủ tịch nước đề nghị cán bộ đảng viên, công chức, viên chức Hà Nội cần phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, khát vọng cống hiến, trí tuệ và đạo đức công vụ; là người tiên phong trong đổi mới tư duy quản lý, lấy hiệu quả phục vụ nhân dân làm mục tiêu cao nhất. Phải chuyển từ tư duy hành chính sang tư duy phục vụ, làm cho nhân dân tin, nhân dân thuận và nhân dân ủng hộ…
Trên nền tảng đó, Hà Nội cần chủ động xây dựng các chương trình hành động một cách khoa học, bài bản, có trọng tâm, trọng điểm và có lộ trình cụ thể. Đây không là yêu cầu về mặt hành chính mà còn là biểu hiện cụ thể của tinh thần đổi mới, tư duy quản lý, đổi mới phương pháp tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng trong thực tiễn.
Chủ tịch nước tin tưởng Đảng bộ thành phố, chính quyền và nhân dân Hà Nội sẽ tiếp tục đi đầu trong đổi mới mô hình quản lý, nâng cao chất lượng chính quyền cơ sở, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn; trực tiếp góp phần đưa đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển giàu mạnh và thịnh vượng của dân tộc VN.
MỞ RỘNG KHÔNG GIAN PHÁT TRIỂN, TỐI ƯU LỢI THẾ CẠNH TRANH ĐỂ VƯƠN LÊN
Dự lễ công bố các nghị quyết, quyết định của T.Ư về sáp nhập đơn vị hành chính tại TP.Hải Phòng, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định việc sắp xếp các đơn vị hành chính, hợp nhất cấp tỉnh, bỏ cấp huyện và sáp nhập cấp xã là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm hoàn thiện tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, nâng cao hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả hoạt động của Đảng, Nhà nước, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, việc hợp nhất TP.Hải Phòng và tỉnh Hải Dương cũng là để chính quyền gần dân hơn, sát dân hơn, vì nhân dân phục vụ; tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; phù hợp với xu thế phát triển chung của thời đại và sự hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả của đất nước. Đồng thời, tập trung nguồn lực đất đai, dân số, mở rộng không gian phát triển, phát huy hiệu quả hơn nữa các tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của Hải Phòng, của Hải Dương để phát triển trong kỷ nguyên mới.
Theo Thủ tướng, việc hợp nhất TP.Hải Phòng và tỉnh Hải Dương thành TP.Hải Phòng mới thể hiện tư duy, tầm nhìn chiến lược của Đảng, Nhà nước nhằm tối ưu hóa nguồn lực, tạo cực tăng trưởng mới dẫn dắt sự phát triển vùng và cả nước.
"Sự kiện quan trọng hôm nay là khởi đầu cho một chặng đường phát triển mới đầy khó khăn và thách thức. Để đưa TP.Hải Phòng sau hợp nhất trở thành một trung tâm kinh tế, thương mại, dịch vụ, chính trị, văn hóa, KH-CN quan trọng của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước ta đòi hỏi quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt và sự đoàn kết, thống nhất", Thủ tướng nhấn mạnh.
Cũng tại hội nghị, Thủ tướng đề nghị Hải Phòng xây dựng các trụ cột kinh tế đa ngành, hiện đại, hình mẫu của công nghiệp công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, dịch vụ logistics tầm quốc tế.
Trong đó, Thủ tướng giao 5 nhiệm vụ cho Hải Phòng. Thứ nhất, kiện toàn tổ chức bộ máy, sắp xếp đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực, dám nghĩ, dám làm, bảo đảm giải quyết đầy đủ chế độ chính sách cho lực lượng cán bộ, công chức, viên chức bị ảnh hưởng bởi việc sắp xếp hành chính.
Thứ hai, bảo đảm hoạt động hành chính thông suốt, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh chuyển đổi số, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, xóa bỏ rào cản địa giới trong thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe và giáo dục đào tạo.
Thứ ba, tập trung cao độ phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng an ninh; xây dựng chiến lược phát triển đô thị xã hội chủ nghĩa với các trụ cột: kinh tế đa ngành, logistics quốc tế, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp văn hóa, hạ tầng thông minh và nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thứ tư, phát huy đoàn kết hệ thống chính trị và nhân dân, khơi dậy tinh thần tất cả vì sự phát triển chung, nối kết truyền thống và khát vọng đổi mới giữa Hải Dương và Hải Phòng.
Thứ năm, chuẩn bị tốt Đại hội Đảng bộ TP.Hải Phòng nhiệm kỳ 2025 - 2030, bảo đảm tinh thần đổi mới, đoàn kết, phát triển và hội nhập, thực hiện vai trò tiên phong trong cải cách và phát triển của cả nước.
ĐỊNH VỊ RÕ TRUNG TÂM CẤP VÙNG ĐỦ TẦM DẪN DẮT ĐBSCL
Tham dự lễ công bố các nghị quyết, quyết định của T.Ư và địa phương về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã tại TP.Cần Thơ sáng 30.6, Chủ tịch Quốc hội (QH) Trần Thanh Mẫn cho rằng việc hợp nhất 3 địa phương Cần Thơ, Sóc Trăng, Hậu Giang thành TP.Cần Thơ sẽ là tiền đề thuận lợi để thực hiện liên kết phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Mặt khác, việc này mở rộng không gian phát triển, giúp TP.Cần Thơ định vị rõ vai trò trung tâm kinh tế cấp vùng, đủ tầm để dẫn dắt cho cả vùng ĐBSCL.
Trước cơ hội này, TP.Cần Thơ phải quán triệt sâu sắc các chỉ đạo của T.Ư, nhanh chóng ổn định các đơn vị hành chính mới; đảm bảo chuyển tiếp thông suốt, không gián đoạn trong cung cấp dịch vụ công, hết lòng hết sức phục vụ người dân. Tài sản công dôi dư sau sáp nhập phải sử dụng hợp lý, không để xảy ra thất thoát, lãng phí.
Khi bộ máy mới vận hành thuận lợi, Chủ tịch QH mong muốn Cần Thơ phấn đấu trở thành một cực tăng trưởng của quốc gia, giữ vai trò động lực phát triển của vùng ĐBSCL về nhiều lĩnh vực như thương mại, dịch vụ, logistics, kinh tế biển, KH-CN, đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo, công nghệ số, công nghiệp chế biến…
Tuy nhiên, trong hành trình vươn lên, TP.Cần Thơ phải đặc biệt lưu ý tới vấn đề phát triển văn hóa, xã hội hài hòa với phát triển kinh tế. Làm sao để người dân thực sự được thụ hưởng xứng đáng từ thành quả phát triển KT-XH; mọi khu phố, vùng quê đều phải sáng, xanh, sạch đẹp, văn minh, môi trường an lành, hạnh phúc.
Muốn làm được điều đó, Chủ tịch QH đề nghị TP.Cần Thơ phải quan tâm sớm đến việc bố trí nhân sự hợp lý. Một khi có đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, trí tuệ, bản lĩnh, dám hành động, dám chịu trách nhiệm, thành phố mới có đủ sức bật khơi dậy khát vọng vươn lên mạnh mẽ trong tương lai.