Sắp tới lương tối thiểu vùng có thể được tăng thêm bao nhiêu mỗi tháng?

Đề xuất tăng lương tối thiểu vùng đang mang lại niềm vui và kỳ vọng lớn cho hàng triệu người lao động. Đặc biệt là trong bối cảnh chi phí sinh hoạt ngày càng tăng.
Báo Thanh Niên đã đưa tin trước đó, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã chốt đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2026 lên 7,2%. Thời điểm tăng từ ngày 1.1.2026. Đề xuất tăng lương tối thiểu vùng này đang nhận được sự quan tâm và mong đợi lớn từ người lao động.
Miễn có tăng lương là mừng
Chị Phạm Thị Ngọ, làm công nhân tại khu chế xuất Linh Trung, P.Linh Xuân, TP.HCM (trước đây là P.Linh Trung, TP.Thủ Đức), cho biết đã gắn bó với công ty từ nhiều năm nay, mỗi khi nghe tin đề xuất tăng lương chị lại khấp khởi mừng.
“Có tăng còn đỡ hơn không, tuy chỉ vài trăm nghìn đồng nhưng với công nhân chúng tôi thì nó vẫn đỡ bớt một phần nào đó. Cho nên tôi rất mong đề xuất này sẽ được thông qua”, chị Ngọ nói.
Chị cho biết vì có thâm niên làm việc lâu năm nên lương cơ bản mỗi tháng là 7 triệu đồng. Hiện tại, gia đình 3 người của chị đang sinh sống trong một phòng trọ nhỏ ở P.Linh Xuân, TP.HCM (trước đây là P.Linh Trung, TP.Thủ Đức).
“Lương chưa tăng mà tiền thuê trọ đã tăng trước rồi, bình thường tôi thuê một tháng là 1,3 triệu đồng nhưng từ tháng sau thì tăng lên 1,4 triệu đồng, chưa kể điện nước. Năm nay con trai vào đại học nên 2 vợ chồng phải chắt chiu dành dụm và tiết kiệm hết mức. Vì vậy, với gia đình tôi vài trăm ngàn cũng rất quý”, chị Ngọ cho hay.
Tương tự, cũng khá vui mừng khi nghe tin sắp tới lương tối thiểu vùng có thể tăng, Nguyễn Hữu Hiệp (24 tuổi), ngụ tại đường Huỳnh Tấn Phát, P.Tân Thuận, TP.HCM (trước kia là P.Tân Thuận Tây, Q.7), cho hay: “Theo đề xuất thì lương tối thiểu vùng I sẽ tăng thêm 350.000 đồng/tháng, số tiền này không phải là nhiều nhưng có tăng là mừng rồi”.
Hiệp chia sẻ thêm: “Số tiền lương được tăng thêm mỗi tháng coi như phụ giúp thêm những khoản lặt vặt, chi tiêu trong đời sống. Mình thấy việc tăng lương nó đang là hướng tích cực nên dù ít hay nhiều thì cũng góp phần cho cuộc sống tốt và cải thiện hơn”.
Đời sống của người lao động ít nhiều được cải thiện
Không chỉ người lao động trực tiếp hưởng lợi, những người chứng kiến cuộc sống khó khăn của họ cũng bày tỏ sự đồng cảm và ủng hộ. Chị Nguyễn Thị Kim Hồng (38 tuổi), ngụ tại đường Trần Thanh Mại, P.Tân Tạo, TP.HCM (trước đây là P.Tân Tạo A, Q.Bình Tân), cho biết nghe tin sắp tới lương tối thiểu vùng có thể tăng mà mừng cho người lao động.
Chị Hồng là chủ một khu lưu trú công nhân ở P.Tân Tạo, chị cho biết bao năm qua chứng kiến đời sống công nhân trải qua nhiều khó khăn, chật vật do nhiều đợt cắt giảm lao động.
“Đã từng chứng kiến cảnh nhiều người lao động đang sinh sống ở khu trọ của tôi bị thất nghiệp, xin việc nhiều nơi không được, họ phải chật vật mưu sinh. Giờ thì đa số đã có việc làm nhưng lương vẫn còn thấp. Đợt tăng lương tối thiểu sắp tới là một tín hiệu vui và đáng mừng cho những người lao động. Tăng lương thì đời sống của họ sẽ đỡ vất vả hơn”, chị Hồng chia sẻ.
Chị cho biết dù lương sắp tới có thể tăng, nhưng khu lưu trú của chị vẫn sẽ cố gắng giữ bình ổn không tăng giá tiền phòng, giá điện và nước vẫn sẽ được đăng ký định mức để đảm bảo giá rẻ cho người thuê.
Theo tiến sĩ kinh tế Huỳnh Thanh Điền, giảng viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, việc tăng lương không chỉ giúp cải thiện đời sống mà còn góp phần nâng cao năng suất lao động. “Mức tăng như vậy là phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế hiện nay của đất nước. Nó vừa đủ để động viên người lao động mà không gây áp lực lớn lên doanh nghiệp. Nếu năng suất tăng, sản lượng cao, nguy cơ lạm phát từ việc tăng giá hàng hóa sẽ được kiểm soát”, ông Điền phân tích.
Một số người lo lắng rằng tăng lương có thể kéo theo giá cả hàng hóa leo thang. Tuy nhiên, Tiến sĩ Điền trấn an: “Nhà nước đã nghiên cứu kỹ lưỡng để đảm bảo cân bằng giữa tăng lương và ổn định giá cả. Người dân không cần quá lo lắng. Chỉ sợ một số trường hợp lợi dụng việc tăng lương rồi “té nước theo mưa”, tăng giá một số mặt hàng thiết yếu, nhưng tôi nghĩ không đến nỗi nào”.