Sản xuất thuốc giả, gắn mác 'hàng xách tay' bán qua thương mại điện tử

Các đối tượng sản xuất thuốc giả, thực phẩm chức năng giả tự đặt tên sản phẩm, tên công ty nước ngoài và quảng cáo là 'hàng xách tay', sử dụng thương mại điện tử để rao bán hàng giả.
Sản xuất trong nước đóng nhãn nước ngoài
Trong các vụ án làm giả hàng trăm tấn thực phẩm chức năng, thuốc giả do lực lượng công an, quản lý thị trường phát hiện, bắt giữ vừa qua đều có chung thủ đoạn sản xuất hàng giả tinh vi khi gắn mác "hàng xách tay" để quảng cáo, bán hàng.
Trong vụ án làm giả hàng trăm tấn thực phẩm chức năng do Nguyễn Năng Mạnh, Giám đốc Công ty MegaPhaco, Chủ tịch HĐQT Công ty MEDIUSA (trụ sở tại Q.Hoàng Mai, Hà Nội) và đồng phạm thực hiện, cơ quan điều tra xác định, từ năm 2016, các đối tượng đã mua nguyên liệu trôi nổi từ nước ngoài, trong đó có Trung Quốc. Sau đó, sản phẩm được sản xuất từ nguồn nguyên liệu này được dán tem nhãn nhập khẩu từ Mỹ, châu Âu...
Thủ đoạn này lặp lại tương tự trong vụ bắt giữ gần 100 tấn thuốc giả, thực phẩm chức năng giả do Phòng Cảnh sát kinh tế (PC03), Công an Hà Nội công bố ngày 16.5. Trong vụ án, cơ quan công an đã bắt khẩn cấp vợ chồng Phạm Ngọc Tiến và Đoàn Thị Nguyệt (cùng 37 tuổi, trú P.Phúc La, Q.Hà Đông, Hà Nội) cùng 4 đồng phạm, để làm rõ hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm, thuốc chữa bệnh.
Các đối tượng sử dụng nguyên liệu trong nước, tự xây dựng công thức, sản xuất ở Hưng Yên, Vĩnh Phúc nhưng gắn nhãn mác có nguồn gốc xuất xứ từ Tây Ban Nha, Pháp, Mỹ...
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Thanh Bình, Cục phó Cục Quản lý và phát triển thị trường trong nước (Bộ Công thương), cho biết nhóm đối tượng sản xuất thuốc giả vừa qua sử dụng thủ đoạn phạm tội mới. Các đối tượng không làm giả các sản phẩm đang lưu hành trên thị trường mà tự đặt ra tên thuốc và tên công ty, trong đó phần lớn có trụ sở "ảo" ở nước ngoài như Malaysia, Singapore...
Sau khi sản xuất, dưới vỏ bọc là nhân viên dược sĩ buôn bán thuốc cho các công ty dược, các đối tượng sử dụng mạng xã hội, thương mại điện tử để quảng cáo, giới thiệu là "hàng xách tay". Để tạo niềm tin, ban đầu các đối tượng sẽ trà trộn thuốc thật vào thuốc giả trước khi bán ra thị trường nhằm đánh lừa người tiêu dùng.
Cũng theo ông Nguyễn Thanh Bình, qua nhiều vụ việc lực lượng quản lý thị trường phát hiện, bắt giữ cho thấy, các đối tượng sản xuất hàng giả thường thuê kho làm nơi sản xuất tại các khu vực vắng người qua lại, ngõ cụt, sâu trong hẻm.
Công nhân sản xuất đa số là người nhà hoặc người quen, chủ yếu từ các địa phương khác. Trong quá trình sản xuất, công nhân ăn ở khép kín tại kho xưởng, không tiếp xúc với người dân xung quanh để né tránh, gây khó khăn cho công tác giám sát, kiểm tra của các cơ quan chức năng.
Kẽ hở để thuốc giả tung hoành trên thương mại điện tử
Trong các vụ việc bị triệt phá vừa qua, cơ quan chức năng phát hiện nhiều sản phẩm thuốc giả, sữa giả, thực phẩm chức năng giả mạo được rao bán công khai trên các nền tảng thương mại điện tử.
Từ nhiều vụ việc đã kiểm tra, bắt giữ, ông Nguyễn Thanh Bình cho biết, sản phẩm thuốc giả, thực phẩm chức năng giả được quảng cáo, rao bán trên thương mại điện tử, mạng xã hội chủ yếu diễn ra phân tán, ẩn danh, không cố định địa điểm, thông tin người bán không rõ ràng.
Các đối tượng thường xuyên thay đổi tài khoản, lập các hội nhóm kín trên mạng xã hội, bán hàng ở quy mô nhỏ lẻ khiến cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận, xử lý vi phạm.
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, trách nhiệm kiểm duyệt nội dung, kiểm soát chất lượng và truy xuất nguồn gốc của các sàn thương mại điện tử còn nhiều hạn chế, chưa chủ động phát hiện vi phạm mà thường chỉ gỡ bỏ khi có yêu cầu từ cơ quan chức năng hoặc phản ánh từ người tiêu dùng.
"Việc kiểm soát chất lượng hàng hóa của bên thứ ba đang là kẽ hở lớn nhất để lọt hàng giả lên các sàn thương mại điện tử, bởi phần lớn người bán là cá nhân, đăng ký nhanh chóng, thay đổi liên tục và không chịu cơ chế hậu kiểm chặt chẽ từ các sàn này", ông Bình nói.