Sân bay 336.630 tỷ đồng của Việt Nam 'chạy nước rút', chuẩn bị ghi tên vào bản đồ hàng không thế giới

Công tác chuẩn bị khai thác sân bay 336.630 tỷ đồng của Việt Nam có bước tiến quan trọng.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng làm Trưởng Ban chỉ đạo chuẩn bị khai thác sân bay Long Thành
Bộ Xây dựng vừa ban hành quyết định kiện toàn Ban chỉ đạo công tác chuẩn bị khai thác Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Anh Tuấn giữ vai trò Trưởng ban.
Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Uông Việt Dũng đảm nhiệm Phó Trưởng ban Thường trực; Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) Nguyễn Tiến Việt là Phó Trưởng ban.
Ban Chỉ đạo gồm đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai và các đơn vị liên quan thuộc Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, cùng các doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng không như Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, Vietnam Airlines và VietJet.
Ban Chỉ đạo là đầu mối phối hợp liên ngành, chủ trì điều phối tổng thể công tác chuẩn bị khai thác Cảng Long Thành, bao gồm chỉ đạo thử nghiệm vận hành và chuyển giao khai thác, bảo đảm quá trình đưa vào vận hành diễn ra thống nhất, đồng bộ, liên tục và hiệu quả.
Ngoài ra, Ban có nhiệm vụ xử lý vướng mắc giữa các cơ quan, đơn vị liên quan; đôn đốc tiến độ, các mốc thời gian chính; đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền và Tổ công tác Dự án Long Thành xem xét, giải quyết các vấn đề vượt thẩm quyền.
Trước đó, tại hội nghị giao ban công tác tháng 4 và triển khai nhiệm vụ tháng 5-2025, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh yêu cầu chủ đầu tư tập trung nguồn lực, kiểm soát chi tiết từng hạng mục, bảo đảm hoàn thành cơ bản dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành vào cuối năm 2025.
"Chạy nước rút" thi công trên công trường sân bay Long Thành
Giữa tháng 5, trên công trình sân bay Long Thành (Đồng Nai), hơn 10.000 kỹ sư và công nhân không ngừng lao động dưới cái nóng oi ả và những cơn mưa nặng hạt, kiên quyết hoàn thành công trình theo đúng tiến độ được Chính phủ giao, dự kiến kết thúc phần xây dựng cơ bản vào cuối năm 2025.
Với diện tích hơn 5.000 ha, công trường sân bay Long Thành vẫn luôn sôi động, tiếng máy móc thi công không ngừng vang lên. Đặc biệt, gói thầu 5.10 – nhà ga hành khách – được xem là "trái tim" của dự án, nơi quyết định cho sự thành công của toàn bộ công trình đã vượt tiến độ nhiều tháng. Đây là hạng mục quan trọng, nơi các công đoạn thi công đang được triển khai quyết liệt, với mục tiêu tạo ra một sân bay quốc tế hiện đại bậc nhất khu vực.
Nhìn từ xa, hình ảnh nhà ga đang dần hiện ra với mái vòm bông sen khổng lồ, ấn tượng giữa vùng đất rộng lớn. Khoảng 5.000 kỹ sư và công nhân cùng hàng trăm máy móc đang làm việc không ngừng nghỉ, chia thành ba ca và thi công xuyên đêm để kịp tiến độ.
Mái nhà ga đã được thi công gần hoàn tất, các công nhân tập trung vào phần mái trung tâm của khu vực PT1, PT2, PT3 và dự kiến lợp mái lấy sáng trong vài ngày tới.
Không chỉ có nhà ga, nhiều công trình phụ trợ quan trọng khác cũng đang được đẩy nhanh tiến độ. Gói thầu 4.6 liên quan đến đường cất/hạ cánh, đường lăn và sân đỗ máy bay đã cơ bản hoàn thành, và công nhân đang thi công các hạng mục còn lại. Các gói thầu khác như sân đỗ máy bay nhà ga (gói thầu 4.7), đường giao thông nội cảng (gói thầu 4.8), và hệ thống cung cấp nhiên liệu (gói thầu 4.9) đều đang được triển khai mạnh mẽ.
Các khu vực kết nối cũng không kém phần quan trọng. Tuyến giao thông kết nối từ quốc lộ 51 đến cổng sân bay đã thông xe kỹ thuật, trong khi gói thầu T2 tiếp tục thi công phần còn lại, dự kiến hoàn thành vào tháng 9 tới.
Dự án sân bay Long Thành có tổng mức đầu tư lên tới 336.630 tỷ đồng (tương đương 16,3 tỷ USD), là một trong những công trình có quy mô và công suất lớn nhất Việt Nam. Dự án được chia thành ba giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 bắt đầu từ năm 2021 và dự kiến khai thác vào năm 2026, với công suất phục vụ 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.
Khi hoàn thành toàn bộ, sân bay này sẽ có 4 đường cất/hạ cánh, 4 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ, phục vụ 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Với sự quyết tâm và nỗ lực không ngừng nghỉ từ đội ngũ kỹ sư và công nhân, sân bay Long Thành hứa hẹn sẽ trở thành một công trình hạ tầng quan trọng, không chỉ mang lại diện mạo mới cho hệ thống giao thông hàng không Việt Nam, mà còn tạo động lực phát triển kinh tế cho khu vực Đông Nam Bộ và cả nước, đưa Việt Nam thành trung tâm trung chuyển của hàng không thế giới.