Nhảy đến nội dung
 

Rủi ro nếu người bán nộp thuế VAT thì người mua mới được hoàn?

TPO - Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, quy định như trong dự thảo hiện tại sẽ khiến người mua chịu toàn bộ rủi ro không được hoàn thuế, trong khi không phải do lỗi của bên bán.

TPO - Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, quy định như trong dự thảo hiện tại sẽ khiến người mua chịu toàn bộ rủi ro không được hoàn thuế, trong khi không phải do lỗi của bên bán.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có góp ý dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT).Một trong những nội dung đáng chú ý trong bản góp ý là vấn đề điều kiện hoàn thuế VAT. Hiện dự thảo nghị định quy định người mua chỉ được hoàn thuế VAT khi người bán đã nộp thuế VAT.

VCCI cho biết, theo phản ánh của doanh nghiệp, quy định này là không phù hợp bởi hiện nay người mua trả tiền thuế VAT cho người bán. Sau khi nhận số tiền này, người bán có trách nhiệm và chủ động nộp số thuế này vào ngân sách nhà nước. Người mua không có công cụ hay quyền hạn gì để can thiệp, quản lý việc nộp thuế của người bán.

"Quy định như hiện tại sẽ khiến người mua chịu toàn bộ rủi ro không được hoàn thuế, trong khi không phải do lỗi của bên bán", VCCI đánh giá và cho rằng chỉ có cơ quan thuế mới có đầy đủ các công cụ cho việc quản lý, gồm hệ thống thuế để tiếp nhận kịp thời thông tin khai, nộp thuế của bên bán; đình chỉ hóa đơn, yêu cầu ngân hàng cưỡng chế thuế, yêu cầu hải quan phối hợp cấm người nợ thuế xuất cảnh để truy thu thuế. Do vậy, VCCI đề nghị bỏ quy định này.

Rủi ro nếu người bán nộp thuế VAT thì người mua mới được hoàn? ảnh 1

VCCI cho rằng, quy định người mua chỉ được hoàn thuế VAT khi người bán đã nộp thuế thuế đang đẩy rủi ro cho người mua hàng.

Về điều kiện khấu trừ thuế VAT đầu vào với chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt, dự thảo quy định là “phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hoá, dịch vụ mua vào (gồm cả hàng hoá nhập khẩu) từ 5 triệu đồng trở lên đã bao gồm thuế giá trị gia tăng”.

Theo VCCI, quy định này gây khó khăn cho doanh nghiệp đặc biệt đối với các giao dịch mua bán nhỏ lẻ hoặc tiền thưởng, tiền hỗ trợ trực tiếp cho người lao động.

Các doanh nghiệp thường có chế độ ưu đãi, phúc lợi cho người lao động như hỗ trợ chi phí ăn uống, đi lại, chi phí công tác.

Trong những trường hợp này, người lao động sẽ ứng trước tiền mặt để thanh toán hoặc thanh toán trước và chuyển hoá đơn chứng từ về cho doanh nghiệp để thanh toán sau cho người lao động.

Hơn nữa, doanh nghiệp cũng thực hiện thưởng những khoản tiền mặt khích lệ cho nhóm người lao động khi đạt hiệu quả công việc tốt và họ sẽ tự phân chia khoản tiền thưởng này.

"Việc đảm bảo các giao dịch trên 5 triệu đồng đều có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt là không khả thi", VCCI chia sẻ đồng thời cho rằng, quy định hiện hành đặt ra mức 20 triệu đồng trở lên phải có chứng từ thanh toán không bằng tiền mặt cho các hàng hoá, dịch vụ mua vào. Theo các doanh nghiệp, họ không gặp khó khăn, vướng mắc khi áp dụng quy định trên.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khi thực hiện khấu trừ thuế VAT đầu vào, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo giữ nguyên quy định ngưỡng thanh toán không dùng tiền mặt là trên 20 triệu đồng.

Ngoài ra, VCCI đề xuất bổ sung dịch vụ xuất khẩu vào đối tượng hưởng thuế VAT 0%. Theo VCCI, dịch vụ này đủ điều kiện đưa vào danh mục áp dụng thuế giá trị gia tăng 0%, bởi dịch vụ tìm nguồn hàng xuất khẩu về bản chất là một dịch vụ xuyên biên giới, người sử dụng dịch vụ là thương nhân nước ngoài. Việc tiêu dùng và thanh toán chi phí thực hiện cũng ở nước ngoài.

Dương Hưng