Rần rần bảng điểm trên mạng, phụ huynh nói 'con giỏi thì tôi khoe'

![]() |
Nhiều phụ huynh ủng hộ, song không ít người phản đối việc khoe thành tích của trẻ trên mạng xã hội. Ảnh: Znews. |
“Đu trend khoe thành tích của con đi quý vị”.
“Khoe chút thành tích của con gái”
Đó là những chia sẻ của phụ huynh trên mạng xã hội sau khi nhận bảng điểm tổng kết năm học của con sau buổi họp phụ huynh.
Đến hẹn lại lên, cuối năm học, khi học sinh từ mầm non đến phổ thông nhận về những tấm bằng khen, danh hiệu thì cũng là lúc hàng loạt hình ảnh, bài viết khoe thành tích của con xuất hiện trên mạng xã hội.
Người ủng hộ, người lại phản đối
Có hai cô con gái luôn đứng tốp đầu trong lớp, chia sẻ với Tri Thức - Znews, chị Thanh Ngân (phụ huynh ở Hà Nội) cho biết cái gì tốt của con, chị cũng khoe lên mạng chứ không chỉ giấy khen, bảng điểm.
Con biết rửa bát, dọn nhà, quan tâm ông bà, bố mẹ, giúp đỡ bạn, biết tính toán khi đi chợ, chị đều khen con ngay lập tức và nếu rảnh sẽ chia sẻ lên mạng xã hội.
“Quan điểm của tôi là con giỏi thì khoe. Tôi khoe khắp Zalo, Facebook, đăng lên làm kỷ niệm để sau nhìn lại”, chị Ngân kể.
Trái ngược với quan điểm trên, chị Phạm Chi (phụ huynh ở quận Thanh Trì, Hà Nội) lại phản đối việc khoe thành tích của con trên mạng xã hội, bởi hành động này có hệ lụy tiềm ẩn mà nhiều người không lường trước được.
Theo chị, việc khoe thành tích của trẻ lên mạng có thể vô tình tạo áp lực lên con. Chị kể con trai chị từng đạt giải cao trong một cuộc thi học sinh giỏi, song chị chọn cách động viên, khen ngợi con trong phạm vi gia đình.
“Tôi sợ nếu đăng lên Facebook, con bị áp lực phải giữ phong độ hoặc nhiều người vào soi xét, so sánh con với bạn bè”, chị Chi nói.
Chị Chi cũng nhắc đến vấn đề bảo mật thông tin. Mạng xã hội không phải nơi an toàn. Khi đăng ảnh chụp bảng điểm hay giấy khen, phụ huynh có thể vô tình để lộ thông tin cá nhân của con như họ tên, trường học. Điều này có thể bị kẻ xấu lợi dụng, dẫn đến các vụ lừa đảo qua mạng như các thông tin gần đây.
Ngoài ra, theo chị Chi, việc khoe thành tích có thể làm tăng sự ganh đua giữa phụ huynh. Các bố mẹ nhìn vào thành tích rồi mang những đứa trẻ lên bàn cân, ganh tỵ và dẫn đến áp lực lên con trẻ.
Chính vì vậy, chị cho rằng việc khen ngợi và động viên con nên trong phạm vi gia đình, để trẻ cảm nhận được giá trị của nỗ lực mà không bị chi phối bởi đánh giá từ bên ngoài.
Cùng quan điểm với chị Chi, trên mạng xã hội, nhiều phụ huynh bổ sung rằng “giấy khen ở trường bây giờ dễ ợt, thành tích có chút, có gì mà phải khoe”.
Tuy nhiên, chị Thanh Ngân lại phản bác những quan điểm này. Chị cho rằng "con ai người nấy khoe", chỉ đăng lên mạng làm kỷ niệm chứ “không có gì để mà chỉ trích, nâng cao quan điểm”.
Không phải vì một chiếc ảnh, một bài đăng mà con chị kiêu căng hay ngủ quên trên chiến thắng, và cũng không có gì để làm ảnh hưởng đến tinh thần của các bạn hay phụ huynh khác.
Chính con gái chị cũng chia sẻ rằng khi đọc được những bình luận khen ngợi, động viên, con rất vui và thấy có động lực cố gắng hơn.
“Mỗi gia đình có cách thể hiện niềm tự hào riêng, không thể cấm người khác không được khoe”, chị Ngân nhìn nhận.
Đồng quan điểm, chị H.D. (phụ huynh tại TP.HCM) cho rằng muốn được xuất sắc, trẻ cũng phải học ngày học đêm, cố gắng nhiều chứ không phải thích là được. Vì vậy, không có vấn đề gì khi chị khoe thành tích của con trên mạng.
|
Hàng loạt bài viết chia sẻ về thành tích của trẻ được phụ huynh đăng tải trên mạng xã hội. Ảnh: Ngọc Bích. |
Cha mẹ có sai khi khoe giấy khen, bảng điểm của con cái?
Là người trực tiếp giảng dạy và theo dõi học sinh, thầy Võ Kim Bảo (giáo viên trường THCS Nguyễn Du, quận 1, TP.HCM) nhận thấy hiện tượng phụ huynh khoe thành tích của con trên mạng xã hội rất phổ biến.
Theo thầy, việc học sinh có thành tích tốt, cha mẹ các em tự hào với thành tích đó là điều tự nhiên. Động cơ chủ yếu xuất phát từ tình thương và niềm tự hào về con, điều này hoàn toàn không có gì sai trái. Các em xứng đáng được tuyên dương, trân trọng và động viên.
Thêm nữa, thầy giáo cho rằng đăng lên mạng xã hội là một cách thức để lưu giữ lại kỷ niệm đẹp cho con. Thành tích khi có được lời khen ngợi, động viên của mọi người cũng là cách để con cố gắng hơn trong học tập.
Thậm chí, thầy Bảo nhắc đến một số trường hợp hy hữu, một số phụ huynh khoe thành tích của con lên mạng là để chứng tỏ với nhà chồng/vợ. Lý do là họ có áp lực, định khiến từ nhà chồng/vợ về việc học của con, thậm chí còn bị phê bình là “chỉ lo con ăn chơi, không học hành gì".
Việc đó khiến lòng tự trọng lòng của phụ huynh lẫn học sinh bị tổn thương. Vì vậy, khi con có thành tích, họ khoe ra như một cách để chứng tỏ mình nuôi dạy con tử tế.
Tuy nhiên, thầy Bảo cho rằng việc việc khoe thành tích trẻ lên mạng cần xem xét vấn đề quyền riêng tư của từng cá nhân.
“Tôi rất ủng hộ nếu học sinh, phụ huynh đều đồng ý và cảm thấy thoải mái nếu khoe những thành tích đó”, thầy Bảo chia sẻ.
Thầy giáo lý giải rằng một số em sẽ không thích công khai thông tin cá nhân của mình. Chưa kể, dù thành tích cao cũng có thể nhận về những lời so sánh không thiện chí.
Bên cạnh đó, như phụ huynh Phạm Chi có nêu, việc khoe thành tích cũng vô tình tạo áp lực cho các con, bởi không phải ai cũng luôn giữ phong độ tốt. Việc khoe kết quả có khi lại khiến học sinh căng thẳng, mệt mỏi để theo đuổi thành tích trong học tập, sinh ra bệnh thành tích và các tiêu cực khác.
Trong khi đó, việc học tập không phải nhất thời mà là quá trình lâu dài, học tập cả đời. Để duy trì “sức bền” của việc học, chúng ta không thể lúc nào cũng ép mình phải là người đứng đầu.
Chính vì vậy, thầy Bảo cho rằng việc khoe thành tích của con lên mạng xã hội là điều không xấu nhưng cần thận trọng, tôn trọng quyền riêng tư của trẻ và tế nhị hơn.
“Cha mẹ học sinh cũng nên thay những lời ngợi ca bằng lời công nhận vừa phải, động viên con trên đường dài tri thức", thầy giáo nói.
Cuối cùng, phụ huynh nên tránh đăng tải các thông tin quá chi tiết để tránh việc lộ lọt thông tin về con trên mạng xã hội, đặc biệt là các thông tin nhạy cảm như trường lớp cụ thể, mã học sinh...
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách nuôi dạy trẻ trong thời đại 4.0.
Cuốn sách Nuôi con 4.0 - Làm thế nào để trẻ không bị nghiện thiết bị công nghệ? của TS Shimi Kang (nhà khoa học, tâm lý học, chuyên gia giáo dục, tác giả của nhiều tựa sách bán chạy) được đánh giá là hữu ích cho các phụ huynh có con em nghiện sử dụng thiết bị điện tử.
TS Shimi Kang đưa ra hàng loạt dẫn chứng và phân tích khoa học về cách thức tác động của thiết bị công nghệ đến bộ não đang trong giai đoạn phát triển của trẻ. Sau đó, bà chỉ ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và tính cách của trẻ.