Nhảy đến nội dung
 

Quyết liệt với chất lượng đào tạo ngành y

Còn nhớ, năm 2015, dư luận từng ngỡ ngàng khi biết một trường tư thục đa ngành được phép đào tạo các ngành bác sĩ (y khoa, răng hàm mặt, y cổ truyền…) trong khi đến cả một phòng khám nhỏ, nhà trường cũng chưa từng có. Ban đầu cũng có một số trục trặc, do nhà trường chưa đáp ứng đủ các điều kiện do Bộ Y tế và Bộ GD-ĐT quy định (dù các điều kiện đó, theo các chuyên gia thì rất thấp). Nhưng về sau trường tư thục này cũng đã "hợp thức hóa" được hồ sơ, ung dung bước vào thị trường đào tạo nhân lực cho ngành y, bất chấp sự gièm pha của dư luận và sự lo ngại của nhiều người trong giới chuyên môn.

Sau trường hợp đầu tiên rất ồn ào như đã nói trên, bằng những cách "thần kỳ" nào đó, nhiều trường hợp tiếp theo đã lặng lẽ bước chân vào thị trường đào tạo nhân lực ngành y. Dường như mục tiêu hàng đầu của nhiều trường vẫn là tuyển sinh được nhiều chỉ tiêu, thay vì đào tạo nhân lực chất lượng.

Từ đó mới có những câu chuyện kiểu như xét tuyển y khoa bằng môn văn, nhân danh yêu cầu "tính nhân văn" của ngành y, nhưng bản chất là bằng mọi cách để tuyển sinh cho bằng được mà không quan tâm tới chất lượng nguồn tuyển của một ngành vốn đòi hỏi chất lượng đào tạo rất khắt khe. Hoặc như chuyện một bệnh viện (BV) phải đón sinh viên thực tập đến từ… 11 trường ĐH. Hoặc như chuyện hầu hết trường tư không có giảng viên cơ hữu tại BV thực hành, việc giảng dạy thực hành cho sinh viên nhà trường phó thác hết cho bác sĩ của BV…

Năm 2020, cả nước có gần 40 trường đào tạo bác sĩ đa khoa, trong khi trước năm 2015 chỉ có 11 trường. Hồi đó, một đại diện Bộ Y tế từng đặt câu hỏi: "Liệu bên sử dụng nhân lực có cần nhiều bác sĩ để phải bùng nổ quy mô đào tạo như thế hay không?".

Đến thời điểm này, theo thống kê của Bộ Y tế, cả nước có 66 trường ĐH đào tạo nhân lực y tế. Trong khi câu hỏi trên của vị đại diện Bộ Y tế vẫn chưa được trả lời thì đã có hàng loạt câu hỏi khác được giới chuyên môn đặt ra về vấn đề điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo ngành y, như Báo Thanh Niên đã phản ánh trong mấy ngày qua. GS Lê Quang Cường, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, cảm thán: "Sinh viên học y tăng lên nhiều quá, mà BV thì mãi mới xây được một cái!".

10 năm nóng mãi một câu chuyện chất lượng đào tạo nhân lực ngành y, có lẽ đều nằm ngoài mong muốn của Bộ Y tế hay Bộ GD-ĐT. Cả hai bộ đều mong muốn tìm giải pháp. Chỉ có điều trong khi chưa có giải pháp thì quy mô tuyển sinh ngành y vẫn tiếp tục tăng lên…

Đòi hỏi các trường ĐH có trách nhiệm một cách chung chung là rất khó. Lợi ích từ tuyển sinh ngành y là quá lớn. Đây là một ngành học hấp dẫn nên các trường thoải mái thu mức học phí cao. Chất lượng nguồn tuyển tốt hơn hẳn (do phải lấy điểm chuẩn tối thiểu ngang sàn mà Bộ GD-ĐT quy định).

Vì thế, việc cần thiết hiện nay là Bộ Y tế nên chủ động đề xuất với Bộ GD-ĐT rà soát, kiểm tra thường xuyên các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo, đặc biệt là các yếu tố liên quan tới việc tổ chức giảng dạy thực hành, với các trường đào tạo khối ngành sức khỏe.