Nhảy đến nội dung

Quốc hội thảo luận về Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thân cho rằng không thể lấy lý do doanh nghiệp tư nhân làm tốt để loại trừ vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong những lĩnh vực cần thiết.

Không nên cứng nhắc tỷ lệ sở hữu nhà nước

Thảo luận tại Quốc hội ngày 13/5 về dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các đại biểu tập trung làm rõ về đối tượng áp dụng cũng như vai trò của doanh nghiệp nhà nước.

Hiện nay, quan niệm phổ biến khi xác định doanh nghiệp nhà nước thường dựa vào tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ: 100%, trên 50% và dưới 50%. Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng không nên áp dụng cứng nhắc tiêu chí tỷ lệ vốn để phân loại hay điều chỉnh chính sách.

Đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) phân tích, dù nhà nước nắm 100%, trên 50% hay dưới 50% vốn điều lệ thì đó cũng là vốn của nhà nước, cần được quản lý minh bạch và chặt chẽ. 

“Đây là đối tượng áp dụng trong phạm vi điều chỉnh, dưới sự quản lý của nhà nước hoặc chủ sở hữu vốn. Ví dụ, đầu tư 49% thì nhà nước cũng phải quản lý 49%, như vậy mới rõ ràng, cụ thể trong quản lý vốn nhà nước ở các doanh nghiệp”, đại biểu Phạm Văn Hoà nói.

Trong khi đó, đại biểu Phan Đức Hiếu (Thái Bình) đề nghị không nên đặt một tiêu chí chung về tỷ lệ vốn sở hữu cho mọi doanh nghiệp. 

“Các doanh nghiệp nhà nước khác nhau thì quy mô vốn chủ sở hữu, quy mô vốn điều lệ, tính chất hoạt động sản xuất, kinh doanh khác nhau. Chúng ta không nên áp dụng một tiêu chí cứng mà nên cá thể hóa, cụ thể hóa vào điều lệ của công ty và để chủ sở hữu quyết định”, ông Phan Đức Hiếu góp ý.

Đáng chú ý, đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Cà Mau) bày tỏ quan điểm, những gì doanh nghiệp tư nhân làm được nên để doanh nghiệp tư nhân làm.

Ông Thanh dẫn chứng, một số doanh nghiệp nhà nước báo cáo lỗ nhưng khi nhà nước cho phép thành phần kinh tế tư nhân tham gia thì hoạt động hiệu quả, có lãi và đóng góp lớn cho ngân sách. 

“Hiện nay, theo thống kê, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 47% GDP cả nước. Thực tế, thành phần tư nhân đóng góp rất nhiều vào an sinh xã hội. Ngoài ra, một số ngành nghề, lĩnh vực doanh nghiệp nhà nước còn độc quyền nhưng sản xuất, kinh doanh thua lỗ trong khi doanh nghiệp tư nhân chưa được tham gia”, đại biểu Thanh nói.

Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) bày tỏ quan điểm ngược lại. Theo ông, quan niệm “doanh nghiệp tư nhân làm được thì nhà nước không làm” là không phù hợp.

Ông Thân dẫn ví dụ các lĩnh vực như than, dầu khí, an ninh, quốc phòng - những lĩnh vực thiết yếu đòi hỏi phải do doanh nghiệp nhà nước đảm trách. Bởi, doanh nghiệp nhà nước không chỉ hoạt động vì lợi nhuận mà còn phải gánh vác trách nhiệm an sinh xã hội. Có những việc khu vực tư nhân không thể hoặc không muốn làm.

Ông cũng thẳng thắn cho rằng, doanh nghiệp tư nhân dứt khoát "chỉ làm khi có lãi". Vì vậy, theo ông, không thể lấy lý do doanh nghiệp tư nhân làm tốt để loại trừ vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong những lĩnh vực cần thiết.

Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) đề nghị cần quan tâm nhiều hơn đến các lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản. Có những dự án mà khu vực tư nhân không tham gia, nhà nước phải đứng ra đầu tư.

Ông ví dụ, thời gian qua khi kêu gọi xã hội hoá đầu tư một số tuyến đường cao tốc nhưng cuối cùng chỉ có doanh nghiệp nhà nước tham gia. “Đây đều là những dự án khó, đặc biệt ở khâu giải phóng mặt bằng, trong khi hiệu quả kinh tế, lợi nhuận không cao nên doanh nghiệp tư nhân không mặn mà thì nhà nước phải vào cuộc”, ông Hoà phát biểu.

Tránh để doanh nghiệp đầu tư ngoài ngành

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Thân đề nghị nên giao từng lĩnh vực cụ thể cho doanh nghiệp nhà nước, tránh tình trạng doanh nghiệp nhà nước thấy bất động sản hấp dẫn là tham gia. 

“Những việc doanh nghiệp nhà nước muốn tham gia, ngoài ngành cụ thể được Chính phủ giao thì khi tham gia phải có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ và phải đúng chức năng, nhiệm vụ được giao”, đại biểu Nguyễn Văn Thân đề nghị. 

Ông Phạm Văn Hoà cũng cho rằng đây là vấn đề cần được quan tâm. Chẳng hạn, lĩnh vực ngân hàng có được phép đầu tư, kinh doanh bất động sản hay đầu tư chứng khoán không?

“Thời gian qua, một số tập đoàn lớn đầu tư ngoài ngành đã thất thoát, có trường hợp vướng vào vòng lao lý. Tôi kiến nghị cân nhắc việc cho phép một số trường hợp đầu tư, kinh doanh bất động sản ngoài ngành”, ông Hoà nói.

Theo các đại biểu, không phải doanh nghiệp nhà nước nào cũng được phép kinh doanh bất động sản, cần cân nhắc để đảm bảo hiệu quả, hiệu suất lâu dài.

 
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn