Nhảy đến nội dung

Quán phở nhà tôi thoát phá sản nhờ QR code

Mấy chục năm trước ông bà nội tôi bán phở. Sau khi ông bà mất, bố tôi và người chị gái thứ tiếp tục duy trì quán, theo kiểu gia đình hợp tác. Bố tôi đứng chính, lo vốn, lo đầu mối nhập hàng, còn gia đình người cô phụ bán và thu tiền. Cuối tháng tính sổ rồi chia đều.

Tôi thì đi làm văn phòng, không theo nghề, cuối tuần ghé phụ rửa bát, lau bàn. Nhiều lần thấy ba bực, than cuối tháng tiền thu không đủ trả nợ thịt bò, bánh phở vì có chuyện "rút ruột" sau quầy.

Ông tâm sự với tôi đã "âm thầm chịu đựng" sự thất thoát này hơn mười năm. Ông nói người cô và đứa con trai hay rút bớt tiền ở quầy. Ông biết, nhưng không làm ầm ĩ vì thương chị làm mẹ đơn thân. Ban đầu là những nghi ngờ nhỏ: nguyên liệu nhập về thì tăng đều, nhưng doanh thu lại không nhích lên bao nhiêu.

Tôi lắp cả camera ở quầy thu ngân. Nhưng họ vẫn có cách. Có khách, vừa quay lưng là tiền lẻ đi đâu mất. Có hôm bố tôi đếm lại khay tiền, thấy hụt hẳn. Tháng nào cũng hụt một ít. Gom lại vài năm là một khoản đáng kể.

Rồi cũng đến lúc quán rơi vào khủng hoảng. Nợ đầu vào gối đầu qua ngày, nhà cung cấp doạ ngưng giao thịt, giao bánh phở vì chậm trả. Quán phở nhà tôi tưởng có lúc rã đám đến nơi. Bố tôi từng định chia ít vốn còn sót lại cho người chị rồi dẹp hẳn tiệm.

Thấy không ổn, tôi động viên bố tôi và chỉ ông cách dùng công nghệ. Tôi soạn sẵn mã QR dán ở quầy, số tài khoản của ông. Không ai "vớt" được đồng nào. Ông giải thích với người cô là do theo thời thế chứ thích nhìn tiền mặt hơn, giữ được hoà khí, họ cũng không có cớ để giận hờn hay trách móc.

Việc áp dụng thanh toán không tiền mặt không còn là chuyện mới, nhưng với những người kinh doanh nhỏ lẻ, nhất là quán ăn gia truyền kiểu cũ thường bị cho là phiền phức.

Tôi từng biết nhiều người buôn bán, bị người trong nhà rút bớt tiền nhưng không sao kiểm soát được, nghi kỵ lẫn nhau thì đổ vỡ tình cảm. Và tôi thấy cách này minh bạch, ít nhất là với hộ kinh doanh gia đình như vậy.

Hải An