'Quản' cho vay ngang hàng

Kể từ ngày 1.7, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực tài chính, trong đó có cho vay ngang hàng sẽ chính thức có hiệu lực. Việc này sẽ giúp Nhà nước quản lý hoạt động này thay vì để âm thầm tồn tại ngoài luồng như hiện nay.
Cho vay ngang hàng vẫn âm thầm tồn tại
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 94/2025 quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng. Các giải pháp công nghệ tài chính (Fintech) được tham gia vào cơ chế thử nghiệm bao gồm chấm điểm tín dụng; chia sẻ dữ liệu qua giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API); cho vay ngang hàng. Trong đó, công ty cho vay ngang hàng chỉ được thực hiện cung ứng giải pháp cho vay ngang hàng trong phạm vi thử nghiệm tại giấy chứng nhận tham gia cơ chế thử nghiệm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp theo quy định. Chỉ được thực hiện trên lãnh thổ VN, không được thực hiện xuyên biên giới. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7. Thời gian thử nghiệm các giải pháp Fintech kéo dài tối đa 2 năm tùy từng giải pháp và lĩnh vực cụ thể tính từ thời điểm được NHNN cấp giấy chứng nhận. Thời gian thử nghiệm có thể được gia hạn theo quy định.
Mặc dù cơ sở pháp lý cho hoạt động cho vay ngang hàng (P2P Lending) chưa được chính thức ban hành nhưng thời gian qua, mô hình vẫn âm thầm hoạt động, thậm chí biến tướng. Mô hình này xuất hiện từ năm 2016 nhưng nở rộ trong giai đoạn 2020 - 2022, với sự tham của các tên tuổi như TIMA, VO247, Fiin Credit, Vaymuon, Huydong… Đến cuối năm 2022, VO247 mất khả năng thanh khoản, đứng trước nguy cơ phá sản, Fiin Credit tuyên bố đứng ra hỗ trợ, ngăn khả năng vỡ nợ dây chuyền nhưng chỉ sau 2 ngày Fiin Credit cũng rơi vào tình trạng mất thanh khoản. Điều này khiến cộng đồng P2P Lending hoang mang, làn sóng rút tiền lan rộng.
Từ khoảng 40 đơn vị, đến nay, các hoạt động của P2P Lending chỉ còn lại vài đơn vị. Trong đó, TIMA công bố, số người tham gia cho vay lên 46.110 người, tổng số người đăng ký vay hơn 4,894 triệu, tổng đơn vay trên hệ thống hơn 8,24 triệu đơn, tổng số tiền giải ngân 100 tỉ đồng. Với số đầu tư ban đầu 150 tỉ đồng, TIMA đã gọi thành công 3 triệu USD từ Quỹ ngoại Belt Road Capital Management, nâng mức định giá công ty lên đến gần 500 tỉ đồng. Ngoài ra, một công ty khác là Landbiz công bố có gần 7.000 nhà đầu tư trên sàn, thực hiện 979 chiến dịch gọi vốn, vốn giải ngân 756 tỉ đồng…
Liên hệ với TIMA, nhân viên cho biết nếu khách hàng có nhu cầu vay thì cầm cà vẹt xe ô tô, tỷ lệ cho vay 60 - 70% giá trị xe, lãi suất cho vay tầm 18%/năm. Ngoài mức lãi suất vay thì còn có các loại phí khác như phí mua bảo hiểm... Trong trường hợp muốn làm nhà đầu tư (cho khách hàng vay) thì lợi nhuận lên tới 19%/năm, bảo hiểm rủi ro 100%.
PGS-TS Nguyễn Hữu Huân (ĐH kinh tế TP.HCM) giải thích: Mô hình P2P Lending là nơi kết nối người đi vay và cho vay. Thế nhưng một số công ty không hoạt động như vậy mà biến tướng thành công ty cầm đồ, hoặc thu thập thông tin người đi vay chuyển cho phía công ty tài chính, ngân hàng. Còn đối với nhà đầu tư (doanh nghiệp, cá nhân có tiền cho vay) thì công ty thu hút vốn này để đầu tư, cho vay lại thay vì họ cho vay trực tiếp. Ngoài ra, một số công ty cho vay núp bóng, hoạt động theo kiểu tín dụng đen, đưa ra lãi suất thấp ban đầu nhưng sau đó tăng cao, cũng như triển khai các hình thức đòi nợ "khủng bố" không những nhằm vào người vay mà cả người thân, bạn bè của họ… Những hình thức này không phải là P2P Lending.
Để thử nghiệm thành công cần…
Theo ông Nguyễn Hữu Huân, mô hình cho vay ngang hàng với mục đích huy động vốn không qua trung gian, từ đó giảm thiểu chi phí cho người vay. Cụ thể, chi phí huy động qua tổ chức, ngân hàng là 5%, chi phí vốn vay lên 10%, ở đây chi phí trung gian "ăn" 5%. Nay nếu tham gia P2P Lending với lãi 8% thì nhà đầu tư là người có tiền nhàn rỗi sẽ nhận lãi cao hơn, còn người vay thì trả thấp hơn. "Tuy nhiên, bản chất của mô hình này là mang tiền lên sàn cho người lạ vay nên không nhà đầu tư nào dám làm dù lợi nhuận đầu tư có cao đến mấy. Chính vì vậy mà vấn đề đặt ra cho các công ty thử nghiệm mô hình P2P Lending là đánh giá tín nhiệm người đi vay như thế nào, ai sẽ đòi nợ, phương thức đòi nợ cũng như lãi suất cho vay ra sao", ông Huân đặt vấn đề và cho biết Trung Quốc đưa khoản vay này vào hệ thống đánh giá tín nhiệm cá nhân.
Trong trường hợp người vay xù nợ thì sẽ bị hạn chế một số hành vi như đi máy bay, bị từ chối phục vụ một số dịch vụ… Một số nước phát triển cũng đưa vào xét hạn mức tín nhiệm cá nhân, trong trường hợp không trả nợ thì hạn mức tín nhiệm thấp và sẽ bị các ngân hàng từ chối cho vay. Chính vì vậy, khi triển khai cơ chế thử nghiệm cho hình thức này thì cũng cần quy định về cơ chế xếp hạng tín nhiệm, cơ chế đòi nợ vay.
Là người cố vấn về P2P Lending trước đây, chuyên gia tài chính, TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định câu chuyện P2P Lending đã được đề cập từ cách đây 4 - 5 năm nên Nghị định cho phép thử nghiệm được Chính phủ ban hành là tin vui. Việc NHNN cấp giấy phép cho những công ty có vốn đầu tư, có con người, có trụ sở rõ ràng… là đã kiểm soát được phần nào. Vấn đề, theo ông Hiếu, P2P Lending có 4 cấp độ khác nhau. Đó là công ty tạo các ứng dụng (app) để nhà đầu tư và người đi vay tự tìm đến nhau.
Thứ 2 là cấp độ giới thiệu và thẩm định tình hình tài chính của người vay rồi chuyển cho nhà đầu tư. Cấp độ thứ 3 không chỉ làm công ty trung gian mà còn là bên thứ ba tham gia ký hợp đồng cùng với nhà đầu tư và bên đi vay. Cấp độ cuối cùng là P2P Lending tham gia trách nhiệm đòi nợ, thanh lý tài sản cho nhà đầu tư. "NHNN cần quy định rõ ràng để các bên có trách nhiệm như thế nào, tránh tình trạng nhà đầu tư bị thiệt hại khi tham gia, hay công ty ma vào P2P Lending vay tiền rồi trốn mất. Tình trạng các công ty hiện nay biến tướng trở thành nơi huy động - cho vay cũng cần được kiểm soát", ông Hiếu khuyến cáo.
Mặt khác, ông Nguyễn Hữu Huân lưu ý về lãi suất, nếu áp dụng "lãi suất cho vay không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản" thì sẽ khó thu hút nhà đầu tư tham gia mô hình này. Vì vậy, có thể áp dụng lãi vay bằng lãi vay tín chấp mà các ngân hàng đang áp dụng, khoảng 28%/năm. Tuy nhiên để mô hình này thử nghiệm thành công thì sẽ cần thêm một bên thứ ba là công ty bảo hiểm khoản vay. Khi đó những khoản đầu tư này sẽ không bị mất nhưng cũng đồng nghĩa nhà đầu tư phải chia sẻ lợi nhuận khoản vay cho họ.