Phường xã mới ở TP.HCM: Cân nhắc giá trị văn hóa, lịch sử từng tên gọi

Trong một thời gian ngắn, các cơ quan có thẩm quyền của TP.HCM đã tổ chức nhiều cuộc họp bàn và đưa ra hệ thống tên gọi cho 102 phường mới sau sáp nhập. Chuyên gia đánh giá phần lớn tên gọi đã khắc họa dấu ấn vùng đất, lịch sử của nơi được đặt tên.
TP.HCM chủ trương sắp xếp từ 273 còn 102 đơn vị, bao gồm 78 phường và 24 xã. Tất cả các phường xã mới đều được đặt tên chữ, với những sự cân nhắc từ nhiều yếu tố lịch sử vùng đất, sự thân thuộc với người dân và giá trị văn hóa...
Từ tên số chuyển sang toàn bộ tên chữ
Từ khi có chủ trương bỏ đơn vị hành chính cấp huyện, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thành đơn vị phường xã mới (theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp), các quận, huyện và TP Thủ Đức đã đưa ra nhiều phương án đề xuất phương án sắp xếp và liên tục chỉnh sửa tên gọi phường xã mới cho phù hợp.
Chủ tịch UBND quận Gò Vấp Nguyễn Trí Dũng cho hay việc đề xuất tên gọi mới các đơn vị cấp cơ sở nhằm bảo tồn giá trị truyền thống. Nếu không một hai thế hệ nữa sẽ quên, không còn nhớ hay biết cái tên Gò Vấp là gì, gốc gác từ đâu mà có.
Điều đáng nói có nhiều nơi trước đây đề xuất tên gọi theo số thứ tự nhưng sau đó tiếp thu ý kiến người dân, chuyên gia cũng điều chỉnh để đặt tên phường bằng chữ cho phù hợp.
Chẳng hạn, phương án lúc tháng 3-2025 của TP Thủ Đức đề xuất chia địa bàn thành 9 phường đặt thứ tự từ Thủ Đức 1 đến Thủ Đức 9.
Tuy nhiên, đến phương án trình trong tháng 4-2025, UBND TP Thủ Đức đề xuất sáp nhập 34 phường thành 12 phường đặt tên chữ, trong đó nhiều phường đặt lại tên.
Những tên gọi phường Hiệp Bình, Tam Bình, Linh Xuân, Long Bình, Tăng Nhơn Phú, Long Phước, Long Trường, An Khánh, Cát Lái thân quen được giữ lại. Thêm vào đó là tên phường Thủ Đức, Phước Long, Bình Trưng được đặt mới.
Tương tự, vào cuối tháng 3-2025, huyện Bình Chánh đề xuất sắp xếp từ 16 xã, thị trấn hiện thành 4 xã tên đặt từ xã 1- 4.
Tuy nhiên phương án mới nhất, huyện Bình Chánh đề xuất sắp xếp thành 7 xã mới với tên gọi bằng chữ là các xã Vĩnh Lộc, Tân Vĩnh Lộc, Bình Lợi, Tân Kiên, Bình Chánh, Hưng Long và Bình Hưng.
Rất hợp lý, hợp tình
PGS.TS Tôn Nữ Quỳnh Trân cho rằng việc sáp nhập, thay đổi các tên phường số, lựa chọn những yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa của địa phương là rất hợp lý.
Chuyên gia này dẫn chứng phương án trước đó của quận 5 hiện nay tên phường theo các số thứ tự. Tuy nhiên phương án hiện nay sáp nhập thành 3 phường là Chợ Quán, An Đông, Chợ Lớn. Đây đều là những cái tên đặc trưng của quận.
Trước đó, địa phương này xem xét những cái tên như An Đông, Đồng Khánh, Hàm Tử nhưng nhiều ý kiến cho rằng tên Đồng Khánh và Hàm Tử không phù hợp, phương án tên mới nhất là phù hợp.
Bên cạnh đó, những địa phương như Thủ Đức, Củ Chi trước đó cũng có phương án đặt tên theo số thứ tự. Không phủ nhận việc đặt tên số nhưng việc đặt tên chữ theo các địa danh đặc trưng sẽ phù hợp hơn.
Chẳng hạn ở Củ Chi những cái tên như Thái Mỹ, Phú Hòa Đông đều là những cái tên có nhiều dấu ấn.
Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng không nên quá khiên cưỡng phải đặt tên mang yếu tố lịch sử bởi có rất nhiều cách để lưu giữ những cái tên lịch sử như có thể đặt tên cho một quảng trường, không nhất thiết phải đặt tên phường thì mới lưu giữ được lịch sử.
TS xã hội học Lê Minh Tiến (Trường ĐH Mở TP.HCM) cho rằng cần ghi nhận trong thời gian ngắn nhưng các cơ quan quận, huyện và sở, ngành ở TP.HCM đã cố gắng tâm huyết đưa ra đề xuất được hệ thống tên gọi cơ bản có sự cân nhắc kỹ từng yếu tố giá trị văn hóa, lịch sử.
Từng tên gọi các đơn vị mới đều có gắn với lịch sử hình thành, tên gọi một địa danh hoặc vùng đất có nhiều dấu ấn và câu chuyện gắn với quận huyện đó. Những người dân sống lâu năm ở các quận huyện hoặc quan tâm đến từng vùng đất dễ dàng nhận biết các tên gọi đó.
Nhiều tên gọi được chọn trong số lượng lớn tên các phường xã cũ sao cho nổi trội nhất, gắn lâu năm nhất trong tiềm thức, dễ nhận diện nhất của người dân.
“Theo tôi, ở một số quận huyện có vài tên gọi cần cân nhắc thêm để đưa ra cho hợp lý, đảm bảo phù hợp nhiều yếu tố, nhưng tổng quan chung hệ thống tên gọi mới đã mang nhiều ý nghĩa và có lắng nghe tiếng nói người dân”, ông Tiến nói.