Nhảy đến nội dung

Phương án sắp xếp Mặt trận Tổ quốc, 5 tổ chức chính trị - xã hội

Phó chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Hoàng Công Thủy cho biết, các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng sẽ đưa về trực thuộc Mặt trận Tổ quốc, nhưng vẫn có chức danh lãnh đạo, con dấu, tài khoản riêng.

Sáng 11.5, Ủy ban Văn hóa - Xã hội Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 2 để cho ý kiến thẩm tra dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, luật Công đoàn, luật Thanh niên và luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Nêu ý kiến tại phiên họp, Phó chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Hoàng Công Thủy cho biết, tại Nghị quyết 60 Hội nghị T.Ư 11 khóa XIII đã thông qua đề án sắp xếp, tinh gọn hợp nhất cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ.

Theo đó, đề án đã nêu rõ phương án sắp xếp, tinh gọn, hợp nhất các tổ chức chính trị - xã hội (Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam), các hội quần chúng vào trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; được tổ chức và hoạt động thống nhất trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Vẫn theo ông Thủy, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì hiệp thương, phối hợp thống nhất hành động và giữ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện về định hướng hoạt động, quản lý bộ máy giúp việc, tổ chức cán bộ, quản lý tài sản, tài chính và chịu trách nhiệm trước cấp có thẩm quyền về toàn bộ hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

"Đề án này đang được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoàn thiện và tới đây báo cáo Bộ Chính trị trên cơ sở nội dung được Nghị quyết T.Ư 11 thông qua", ông Thủy cho biết.

Thông tin về các định hướng sắp xếp, tinh gọn, hợp nhất tại đề án đang hoàn thiện, ông Thủy cho biết, dự kiến Ban Thường trực Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sau sắp xếp, tinh gọn có từ 9 - 11 người. Trong đó gồm chủ tịch, phó chủ tịch thường trực và các phó chủ tịch là trưởng 5 tổ chức chính trị - xã hội.

Cùng đó, sẽ sắp xếp toàn bộ các ban, đơn vị tham mưu giúp việc của Cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội về trực thuộc Ban Thường trực Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để tham mưu giúp việc chung. 

Định hướng là chuyển các nhiệm vụ có tính chất chung, tương đồng về các ban tham mưu giúp việc chung của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Những nhiệm vụ có tính chất riêng, đặc thù của các tổ chức chính trị - xã hội vẫn tiếp tục thực hiện.

Với các đơn vị sự nghiệp, ông Thủy cho hay, dự kiến sẽ sắp xếp lại toàn bộ đơn vị sự nghiệp theo hướng đưa phần lớn các trung tâm, đơn vị sự nghiệp của tổ chức chính trị - xã hội về địa phương quản lý. Đồng thời, sắp xếp các cơ quan báo, tạp chí, nhà xuất bản của các tổ chức chính trị xã hội hiện nay theo hướng giữ lại các đơn vị tự chủ 100%.

"Đối với đơn vị báo, tạp chí chưa tự chủ 100% thì giải thể, kết thúc hoạt động", ông Thủy nêu rõ.

Tổ chức chính trị - xã hội vẫn có lãnh đạo, con dấu, tài khoản riêng

Phó chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng cho biết, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ vẫn được bảo đảm tính độc lập tương đối, chủ động sáng tạo, duy trì và phát huy hiệu quả hoạt động của mỗi tổ chức.

Các tổ chức chính trị - xã hội có tổ chức đại hội, có cơ quan lãnh đạo (ban chấp hành, ban thường vụ), các chức danh lãnh đạo (chủ tịch, phó chủ tịch hoặc bí thư thứ nhất, bí thư); hoạt động theo pháp luật và điều lệ của mỗi tổ chức; có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản riêng (đơn vị dự toán cấp 2).

Ông Thủy cho biết, các quy định này đảm bảo nguyên tắc các tổ chức chính trị xã hội trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đồng thời phát huy tính chủ động sáng tạo của mỗi tổ chức, đảm bảo độc lập tương đối.

Ông Thủy cũng thông tin, để giải quyết mối quan hệ giữa việc trực thuộc và độc lập tương đối, dự kiến sẽ trình Bộ Chính trị điều chỉnh cụ thể trong các văn bản của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chức năng nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và điều lệ các tổ chức cũng được nghiên cứu, sửa đổi bảo đảm mô hình tổ chức mô hình của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị xã hội, hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ sau sắp xếp.

Theo Nghị quyết 60 Hội nghị T.Ư 11 khóa XIII, việc sắp xếp Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội, hội quần chúng sẽ được sửa đổi tại Hiến pháp, và các luật liên quan làm cơ sở pháp lý thực hiện. Việc sắp xếp phải hoàn thành trước ngày 15.7.