Phóng sự đặc biệt: Tầm nhìn di dời nhà ven kênh tại TP.HCM - Dòng kênh, dòng đời và dòng vốn

Những căn nhà tạm bợ, gắn liền với ký ức và mưu sinh, đang dần nhường chỗ cho một đô thị mới, nơi người dân được sống an toàn, sạch đẹp hơn. Phóng sự kỳ cuối đặc biệt ghi lại hành trình "thay áo mới" cho nhà ven kênh, qua chia sẻ của người dân, chuyên gia và dữ liệu nghiên cứu chuyên sâu.
Cuộc đại chỉnh trang đô thị mà TP.HCM đang xúc tiến từ nay đến năm 2030, với mục tiêu di dời gần 40.000 căn nhà trên và ven kênh rạch, được xem là một trong những chương trình cải tạo quy mô lớn nhất lịch sử thành phố. Từ rạch Lăng, Văn Thánh đến kênh Đôi và rạch Xuyên Tâm, mỗi địa điểm đều chất chứa ký ức, nếp sống lâu năm của người dân – những người đã quen sống ven dòng nước, dù ô nhiễm, chật chội và xuống cấp.
Nhìn lại hành trình hơn 30 năm di dời nhà ven kênh của TP.HCM, nhiều thành tựu đáng ghi nhận đã góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị – từ sự hồi sinh của kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đến kênh Hàng Bàng.
Tuy nhiên, khi đứng trước chủ trương di dời, bên cạnh hy vọng về một môi trường sống khang trang, hiện đại hơn, vẫn còn đó nhiều băn khoăn về sinh kế, nghề nghiệp và sự gắn bó cộng đồng sau khi chuyển đến nơi ở mới.
- Phần 1: Ký ức ven Rạch Lăng -
Ven những con kênh, dọc theo các rạch nhỏ, là nơi lưu giữ bao ký ức, những câu chuyện về cuộc sống, về con người và những ngày tháng đã qua. Với người dân ven rạch Lăng, mảnh đất này không chỉ là nơi họ sinh sống mà còn là chứng nhân của bao thăng trầm.
Khi nghe tin về dự án di dời nhà ven kênh cùng với việc cải tạo hệ thống kênh rạch tại TP.HCM, trong đó có các hộ dân ven rạch Lăng, người dân ở đây không thể giấu đi những nỗi trăn trở.
Dù vương vấn những kỷ niệm khó quên, người dân hiểu rằng sự thay đổi này là cần thiết, là bước đệm để thành phố phát triển, mang lại cuộc sống tốt đẹp và hiện đại cho họ cùng những thế hệ sau.
- Phần 2: Nỗi niềm bên dòng kênh ô nhiễm -
Những dòng kênh từng là nét đặc trưng của đô thị sông nước, giờ đây trở thành điểm nóng về ô nhiễm, rác thải và sinh kế bấp bênh. Có thể kể đến rạch Văn Thánh (ở quận Bình Thạnh, TP.HCM), con kênh nằm giữa lòng thành phố, nhưng đã phải chờ đợi suốt 21 năm để được cải tạo. Tuy nhiên, dòng kênh từng bị xem là "kênh chết" đang đứng trước cơ hội được hồi sinh.
Trong giai đoạn 2026–2030, TP.HCM đặt mục tiêu di dời gần 40.000 căn nhà ven kênh, tổng kinh phí dự kiến lên đến hơn 221.000 tỉ đồng. Rạch Văn Thánh nằm trong danh sách 14 dự án được ưu tiên đầu tư. Riêng tại đây, Sở Xây dựng TP.HCM đề xuất đầu tư hơn 6.100 tỉ đồng, di dời hơn 1.000 hộ dân, nạo vét lòng rạch và xây dựng hệ thống giao thông hai bên.
Như vậy, chỉ còn 5 năm để đề án này được triển khai và thực hiện. Đây có lẽ sẽ là một thách thức không nhỏ cho chính quyền thành phố. Tuy nhiên, dòng kênh từng bị xem là "kênh chết" đang đứng trước cơ hội được hồi sinh. Và quan trọng hơn cả, là hàng nghìn người dân ở khu vực đang mong mỏi sớm có một cuộc sống mới an toàn, văn minh, không còn mùi hôi và nỗi lo triều cường.
- Phần 3: Tâm tư trước ngày bàn giao -
Những ngày cuối tháng 2.2025, khu vực ven rạch Lăng (thuộc quận Gò Vấp, TP.HCM) bắt đầu xuất hiện những mảnh tường đập dở, sân nhà xới tung. Người dân ở đây đang chuẩn bị bàn giao mặt bằng cho một dự án được kỳ vọng sẽ thay đổi cả khu vực, đó là cải tạo rạch Xuyên Tâm.
Tuyến rạch chính dài gần 6,7 km, đi qua các quận Bình Thạnh, Gò Vấp, kết nối với sông Vàm Thuật, với 3 nhánh rạch phụ. Trong đó, rạch Lăng là một phần quan trọng của dự án.
Sau hơn 20 năm ô nhiễm, dự án rạch Xuyên Tâm được kỳ vọng sẽ bước vào giai đoạn thi công trong năm 2024 – với tổng vốn hơn 9.600 tỉ đồng từ ngân sách. Trong đó, hơn 6.339 tỉ đồng dành cho giải phóng mặt bằng. Dự kiến quận Gò Vấp khởi công tháng 8.2024, hoàn thành tháng 4.2025; quận Bình Thạnh khởi công tháng 4.2025, hoàn thành năm 2028.
- Phần 4: Nỗi lo sinh kế sau khi di dời -
Đi dọc con đường Hoài Thanh (thuộc Q.8, TP.HCM), không khó để bắt gặp những căn nhà cũ kỹ, nằm san sát ven dòng kênh Đôi. Với người dân nơi đây, chuyện sống chung với dòng nước đen, với mùi rác và chuột bọ, đã trở nên quen thuộc.
Khi đón nhận thông tin dự án nạo vét, cải tạo môi trường bờ bắc kênh Đôi, hơn 1.500 căn nhà sẽ phải di dời, thì niềm vui lẫn lo âu xen lẫn trong từng câu chuyện.
Theo đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, dù phần lớn nhà ven kênh có diện tích nhỏ, thậm chí lấn chiếm, nhưng nếu tồn tại trước ngày 1.7.2014 thì người dân vẫn được hỗ trợ 70% giá trị đất ở đã trừ nghĩa vụ tài chính. Những hộ chưa đủ điều kiện cũng có thể được xem xét bố trí nhà ở xã hội, hoặc trả góp trong vòng 15 năm. Đây là những chính sách lần đầu tiên được áp dụng với tinh thần "ai cũng có chỗ ở".
- Phần 5: Thách thức bài toán trăm ngàn tỉ -
TP.HCM hiện có gần 40.000 căn nhà ven sông, kênh rạch chưa được di dời. Trong đó, nhiều nhất là ở quận 8, 7, Bình Tân, Bình Chánh, Thủ Đức… Những con số này gắn liền với 398 dự án quy mô lớn – một "bản quy hoạch chỉnh trang" chưa từng có trong lịch sử thành phố. Nhưng để di dời hết con số này từ nay đến năm 2030, ngân sách thành phố dự kiến phải chi hơn 221.000 tỉ đồng. Một con số khổng lồ, với những thách thức không nhỏ.
Theo TS-KTS Ngô Viết Nam Sơn, cái khó khăn trước mắt thì đầu tiên là vấn đề về ngân sách, kinh phí để cho việc đền bù, giải tỏa cũng như chỉnh trang khu vực. Từ ngân sách đó mới tới chính sách xử lý, đền bù giải tỏa cho người dân và đi kèm với nó những biện pháp kèm theo ví dụ như quy hoạch, kế hoạch tài chính, chương trình phát triển.
Bên cạnh vấn đề tài chính, đền bù giải tỏa thì việc quy hoạch và xây dựng các khu tái định cư cũng là một thách thức lớn. Để làm thế nào đảm bảo chất lượng sống cho người dân sau khi di dời. Cùng với đó là làm thế nào để tạo ra những khu tái định cư văn minh, hiện đại, đáp ứng các tiêu chuẩn về hạ tầng, dịch vụ.
- Phần 6: Hy vọng mới từ những dòng kênh -
Từng là con kênh ô nhiễm, bị bồi lấp, rác thải dày đặc, thế nhưng kênh Hàng Bàng đi qua địa bàn quận 5 và quận 6, nay đã mang một diện mạo mới. Những đoạn được cải tạo sạch sẽ, hai bên kênh dần xuất hiện mảng xanh và hạ tầng chỉnh trang.
Trước đó, kênh Hàng Bàng dài 1,7 km, nối từ kênh Tân Hóa – Lò Gốm (thuộc quận 6) đến kênh Tàu Hủ (thuộc quận 5), từng là huyết mạch giao thương sầm uất, sau bị lấp và ô nhiễm nhiều năm.
Dự án cải tạo hiện vẫn đang được triển khai các đoạn tiếp theo, dự kiến hoàn thành toàn tuyến vào năm 2026. Đây là một trong số ít dự án cải tạo kênh được thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách, với sự điều phối từ Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải và các quận liên quan, tạo tiền lệ tích cực cho các dự án tương tự.
Từ thành công của những dòng kênh đã được cải tạo như Nhiêu Lộc – Thị Nghè hay Hàng Bàng, TP.HCM đang đứng trước cơ hội tạo nên một bước ngoặt lớn trong hành trình chỉnh trang đô thị, mở ra hy vọng cho những kênh rạch ô nhiễm khác sớm được cải tạo, hồi sinh
- Tổng kết: Dòng kênh, dòng đời và dòng vốn -
Từ năm 1993 đến nay, hàng chục nghìn căn nhà lụp xụp đã được thay thế bằng những không gian sống hiện đại hơn, sạch sẽ hơn, bền vững hơn.
Lãnh đạo thành phố đã nhiều lần khẳng định quyết tâm chính trị và định hướng lâu dài cho chương trình này, đồng thời ban hành các chính sách cụ thể nhằm đảm bảo vừa chỉnh trang đô thị vừa chăm lo đời sống người dân sau di dời.
Cải tạo kênh rạch không chỉ là bài toán hạ tầng và quy hoạch. Đó là một quá trình tổng thể, đòi hỏi sự phối hợp giữa chính sách, nguồn lực, sự đồng thuận của người dân và sự chủ động từ chính quyền. Khi tái định cư được triển khai đúng tiến độ, phù hợp thực tế, việc di dời không còn là áp lực, mà trở thành cơ hội nâng cao điều kiện sống, môi trường và an sinh cho những khu vực từng bị xem là vùng trũng hạ tầng đô thị.
TP.HCM không thiếu công cụ: từ quỹ đất, nguồn vốn, đến kinh nghiệm triển khai. Điều còn thiếu là tốc độ, sự thống nhất và một quyết tâm không lùi bước. Nếu làm đúng và đủ, nhà ven kênh không chỉ được thay áo mới, mà còn có thể trở thành hình mẫu của một đô thị biết gìn giữ ký ức, trong hành trình đi tới tương lai.