Phó tổng thống Mỹ dịu giọng với châu Âu, khẳng định ‘chung một chiến tuyến’

Phó tổng thống Mỹ JD Vance ngày 7.5 đã có những phát ngôn tích cực hơn về châu Âu, trái ngược với những lời công kích gay gắt trước đây.
Phát biểu tại hội nghị các nhà lãnh đạo Munich về vấn đề an ninh toàn cầu, diễn ra tại Washington D.C, ông Vance cho biết: “Tôi vẫn nghĩ rằng Mỹ và châu Âu đang chung một chiến tuyến. Tôi nghĩ liên minh với châu Âu vẫn rất quan trọng, song để chúng tôi thực sự là bạn của nhau, chúng tôi cần phải thảo luận về những câu hỏi lớn”.
Giới quan sát nhận thấy rõ những phát biểu của phó tổng thống Mỹ ngày 7.5 mềm mỏng hơn rất nhiều so với bài phát biểu của ông hồi tháng 2 tại Hội nghị an ninh Munich được tổ chức tại Đức. Thông điệp mới nhất của ông Vance nhấn mạnh mối quan hệ gắn kết giữa châu Âu và Mỹ, AFP đưa tin.
“Nền văn minh châu Âu và văn minh Mỹ, văn hóa châu Âu và văn hóa Mỹ, có mối liên hệ chặt chẽ với nhau và chúng sẽ luôn gắn kết với nhau. Thật nực cười khi ai đó nghĩ rằng có thể gây sự chia rẽ sâu sắc giữa Mỹ và châu Âu", Phó tổng thống Vance phát biểu ngày 7.5.
Ngoài ra, ông Vance cũng cho rằng châu Âu cần có nhiều vai trò hơn trong việc phòng thủ tại châu lục, đồng thời đề nghị Liên minh châu Âu (EU) hạ thuế quan, tăng cường mua vũ khí từ Mỹ nhằm nâng cao năng lực phòng thủ, theo Reuters.
Khi tham dự hội nghị tại Đức vào tháng 2, ông Vance đã chỉ trích gay gắt các chính sách của EU về nhập cư và quyền tự do ngôn luận. "Không có cử tri nào tại châu Âu bỏ phiếu để mở đường cho hàng triệu người nhập cư tràn vào đất nước mà không được kiểm tra”, ông nói hồi tháng 2, đồng thời nêu thêm các quyết định kiểm duyệt tại châu Âu đã gây nhiều mối đe dọa.
Phát biểu của ông Vance khi đó đã gây sốc với nhiều chính khách châu Âu và các nhà phân tích cho rằng ông Vance đang thể hiện lập trường của một nước Mỹ đang dần xa rời châu Âu dưới nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump.
Vị phó tướng của Tổng thống Trump hồi tháng 3 cũng đã đến Greenland để truyền tải lập trường của ông Trump về mong muốn kiểm soát hòn đảo thuộc quyền quản lý của Đan Mạch, động thái bị giới chức Copenhagen chỉ trích.