Phó Thủ tướng phê bình việc báo cáo vụ Tập đoàn Sơn Hải trượt thầu ‘rất chậm'

Liên quan đến việc lựa chọn nhà thầu gói thầu thi công dự án xây dựng đường cao tốc TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua tỉnh Bình Phước, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Tài chính hết sức rút kinh nghiệm vì báo cáo rất chậm.
Báo cáo rất chậm, chưa làm tròn trách nhiệm
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về việc kiểm tra công tác lựa chọn nhà thầu gói thầu thi công dự án xây dựng đường cao tốc TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua tỉnh Bình Phước (nay thuộc tỉnh Đồng Nai).
Theo đó, tại văn bản chỉ đạo ngày 29/5, Phó Thủ tướng yêu cầu thời hạn báo cáo là ngày 10/6, nhưng đến 19/6, Bộ Tài chính mới có báo cáo là rất chậm. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính “hết sức rút kinh nghiệm”.
Bên cạnh đó, nội dung báo cáo và kiến nghị chưa thể hiện đúng trách nhiệm, chức năng của cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu; chưa thực hiện đúng quy định đối với công tác kiểm tra hoạt động lựa chọn nhà thầu.
Báo cáo cũng không nêu và phân tích cụ thể về kết quả kiểm tra, không nêu nội dung kết luận và các kiến nghị cụ thể đối với đơn vị được kiểm tra, kiến nghị đối với các cấp có thẩm quyền.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng yêu cầu kiểm tra cả năng lực và kinh nghiệm của tổ chuyên gia. Tuy nhiên, Bộ Tài chính chỉ kiểm tra chứng chỉ đấu thầu và giao Ban Quản lý dự án chịu trách nhiệm bảo đảm năng lực, kinh nghiệm của các thành viên tổ chuyên gia... là “chưa làm tròn trách nhiệm”.
Mặc dù chỉ đạo yêu cầu kiểm tra toàn diện các nội dung liên quan đến lựa chọn nhà thầu (như HSMT, kết quả đánh giá HSDT, xử lý kiến nghị...), Bộ Tài chính chỉ kết luận vắn tắt rằng “nội dung đánh giá 'không đáp ứng’ của tổ chuyên gia”, thiếu phân tích cụ thể.
Yêu cầu báo cáo lại, không để ảnh hưởng tiến độ dự án
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương báo cáo rõ và có kiến nghị cụ thể, rõ ràng theo đúng chức năng, nhiệm vụ và quy định trong đó báo cáo rõ 4 vấn đề trọng tâm.
Thứ nhất, cần đánh giá nội dung E-HSMT có đảm bảo đúng quy định không, đặc biệt các nội dung về BIM có dẫn tới cách hiểu khác nhau hay không; về việc chào ký hiệu, mã hiệu, nhãn mác (nếu có) và xuất xứ của vật tư, thiết bị; về tiêu chuẩn đánh giá năng lực thiết bị và đánh giá thiết bị về mặt kỹ thuật có đảm bảo thống nhất hay không, trường hợp nếu có sự không thống nhất thì có ảnh hưởng đến kết quả đánh giá E-HSDT và làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu hay không.
Thứ hai, kiểm tra việc đánh giá E-HSDT của tổ chuyên gia và chủ đầu tư đã đảm bảo tính khách quan, thống nhất và chính xác chưa; giữa báo cáo đánh giá chi tiết của tổ chuyên gia và báo cáo đánh giá tổng hợp; việc tổ chuyên gia không làm rõ E-HSDT có đảm bảo tính chính xác về kết quả đánh giá E-HSDT không.
Thứ ba, đối với năng lực của tổ chuyên gia, Bộ Tài chính phải có nhận xét đầy đủ về năng lực, không chỉ dựa vào chứng chỉ, mà cả kinh nghiệm thực tế, số lượng thành viên và sự thống nhất giữa các báo cáo.
Cuối cùng, đánh giá cụ thể kết quả lựa chọn nhà thầu có bảo đảm chính xác, minh bạch, công bằng và hiệu quả không.
Đặc biệt, cần có kiến nghị cụ thể, rõ ràng đối với việc xử lý tiếp theo như: Tiếp tục ký kết với nhà thầu được lựa chọn hoặc cần phải yêu cầu chủ đầu tư, bên mời thầu, tổ chuyên gia hoàn thiện nội dung gì hoặc các biện pháp cần thiết khác.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Xây dựng và UBND tỉnh Bình Phước (nay là UBND tỉnh Đồng Nai) hoàn thiện báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 5/7, không để chậm trễ gây ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Cùng với đó, UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo chủ đầu tư, Ban QLDA và tổ chuyên gia đấu thầu phối hợp kịp thời với tổ công tác để cung cấp hồ sơ, tài liệu và giải quyết kiến nghị theo đúng quy định.