Phó thủ tướng: 'Lập quỹ để cho vay, đố các đồng chí thu lại được tiền'

Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc cho rằng, việc lập Quỹ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ để cho vay là 'thất bại ngay từ khâu thiết kế', không ai dám cho vay và cho vay cũng không thu lại được tiền.
Chiều 15.5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân. Các cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi về đất đai, tài chính, tín dụng cho doanh nghiệp tư nhân tại dự thảo nghị quyết được nhiều đại biểu quan tâm.
Góp ý chính sách miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, đại biểu Nguyễn Như So (đoàn Bắc Ninh) đề nghị nâng thời hạn miễn thuế thu nhập doanh nghiệp lên 5 năm, sau đó tiếp tục giảm 50% số thuế phải nộp trong 5 năm kế tiếp để tạo "không gian tài chính" đủ dài cho nhóm doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Ông So cho rằng, việc chỉ miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm và giảm 50% thuế trong 4 năm tiếp theo như dự thảo luật là quá ngắn so với chu kỳ phát triển thực tế của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; chưa tạo động lực đủ mạnh để khuyến khích doanh nghiệp tích lũy nội lực, đầu tư cho nghiên cứu phát triển, hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đại biểu đoàn Bắc Ninh cũng đề nghị nâng thời hạn miễn thuế thu nhập cá nhân lên 5 năm với thu nhập từ tiền lương, tiền công của các chuyên gia, nhà khoa học nhận được từ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Theo đại biểu, nhiều quốc gia có chính sách cạnh tranh rất mạnh mẽ. Đơn cử như Thái Lan, họ miễn thuế thu nhập cá nhân tới 10 năm cho nhà đầu tư và chuyên gia làm việc trong 10 lĩnh vực công nghệ - sáng tạo chiến lược.
"Nếu chúng ta không có chính sách đủ hấp dẫn, cạnh tranh thì sẽ bỏ lỡ cơ hội thu hút nhân tài và khó tạo được bước đột phá về công nghệ trong dài hạn", ông nói.
"Đố các đồng chí cho vay mà thu được tiền"
Nêu ý kiến tại tổ, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, phát triển kinh tế tư nhân là cần thiết và đúng đắn để tạo đột phá cho nền kinh tế. Đây cũng là bài học kinh nghiệm của nhiều quốc gia phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản.
"Hàn Quốc trước đây cũng giống Việt Nam, nhưng sau đó họ đã xây dựng được những tập đoàn kinh tế lớn như Samsung, Lotte, Posco… đều phát triển rất mạnh và đứng đầu thế giới", ông Phớc dẫn chứng.
Góp ý về chính sách cụ thể, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc bày tỏ băn khoăn với quy định hỗ trợ lãi suất 2%/năm với các dự án về đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh.
"Chính sách này đã được quy định tại Nghị quyết chính sách đặc biệt đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, giờ tiếp tục đưa vào nghị quyết này. Vậy với các thành phần kinh tế khác như doanh nghiệp nhà nước thì có được hưởng không?", ông Phớc nêu.
Dự thảo nghị quyết đề xuất thành lập Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa để cho vay với doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp. Tuy nhiên, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc nhìn nhận, việc thành lập quỹ để cho vay thì "thất bại ngay từ khi thiết kế".
"Làm gì sinh ra một cái quỹ cho vay và thu tiền, đố các đồng chí cho vay mà thu được tiền đấy. Không có cơ chế nào thu tiền. Tài sản đảm bảo, tài sản thế chấp thì không có. Các ngân hàng thương mại cho vay có tài sản đảm bảo còn không thu tiền được. Giờ sinh ra quỹ, bảo cho vay thì không làm được", ông Phớc nói.
Theo ông Phớc, quỹ này nên hỗ trợ, hình thành từ nhiều nguồn, đóng góp từ các nguồn khác nhau, làm nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhưng phải quy định rõ hỗ trợ doanh nghiệp những công việc gì, như chuyển giao công nghệ, đào tạo cán bộ hay hỗ trợ nâng cao nhân lực, thu hút công nghệ cao…
"Phải chi và quyết toán theo đúng quy định, còn đưa vào cho vay thì không ai dám cho vay hết", Phó thủ tướng nói thêm và nhấn mạnh rằng thiết kế chính sách cần khả thi.
Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc cho rằng, để phát triển thành phần kinh tế tư nhân, quan trọng nhất là Nhà nước kiến tạo, thành phần kinh tế tư nhân triển khai thực hiện.
"Có như vậy mới thành công được", Phó thủ tướng nhấn mạnh và nói thêm rằng, các quy định cần rạch ròi, minh bạch, bình đẳng.