Phi vụ lừa dối nhận 7 tỷ của hoa hậu Thùy Tiên

Rất nhiều người trong xã hội mày mò, chăm chỉ làm ăn để hy vọng đi lên từ con số không. Như một chị công nhân thất nghiệp, đứng bán bánh mì thịt băm nướng trên con đường tôi đi làm mỗi sáng. Ban đầu lúc mới dọn hàng, tôi thấy chị lúng túng.
Cách lúng túng thể hiện ở việc cầm dao rọc ổ bánh mì, ở việc nướng thịt, ở việc nhồi các nguyên liệu vào ổ bánh mì và còn hỏi: "Em ăn lần đầu coi mặn hay lạt cho chị biết rồi sau này chị để ý".
Những lần sau đó, tôi không cần phải nhắc là thêm ớt, thêm hành hay ít mặn... Chị tự nhớ.
Hay như đợt cận Tết 2025, rất nhiều nhân viên văn phòng ở các tòa nhà trung tâm TP HCM khó bắt xe công nghệ. Tôi phải đặt nhiều lần, may mắn mới đặt được xe. Tài xế mới ngoài hai mươi, ở Nha Trang, đang trọ quận 12 và lúc sáu giờ tối có cuốc xe ở quận 1 về gần ga Rạch Chiếc (TP Thủ Đức). Số tiền chưa đến trăm nghìn đồng.
Chiều tối qua 19/5, cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố và bắt tạm giam Thùy Tiên để điều tra về hành vi lừa dối khách hàng, liên quan đến việc quảng cáo sai sự thật về thành phần và công dụng của sản phẩm kẹo Kera.
Theo điều tra, hơn 135.000 sản phẩm đã được bán ra với doanh thu hơn 17 tỷ đồng, chủ yếu nhờ vào sức lan tỏa từ mạng xã hội và uy tín cá nhân của những người có ảnh hưởng. Từ phi vụ kẹo Kera, Thùy Tiên nhận hơn 7 tỷ đồng.
Một bên là những người đứng hàng tiếng đồng hồ dưới nắng để bán bánh mì, chạy từng cuốc xe trong đêm để kiếm tiền thuê trọ. Một bên là người nổi tiếng chỉ cần vài buổi livestream, vài dòng quảng bá là thu về tiền tỷ. Giữa họ không chỉ là khoảng cách thu nhập mà là một khoảng cách rất lớn về cách đối xử với lòng tin.
Chúng ta đang sống trong thời đại mà người nổi tiếng chỉ cần "đẹp, trông có vẻ tử tế, hay làm từ thiện, lan tỏa năng lượng tích cực" là có thể trở thành chuẩn mực, không cần kiểm chứng, không cần hoài nghi.
Chúng ta sẵn sàng mở ví vì một nụ cười, một câu nói êm tai trong livestream. Nhưng đôi khi lại khắt khe đến cay nghiệt với những người yếu thế hơn, chỉ vì họ không có thế hoa hậu hay KOL.
Người nổi tiếng càng "có hình ảnh tốt" lại càng được ưu ái. Họ có thể bán bất cứ thứ gì miễn là... nhìn có vẻ tin được. Không cần bằng chứng khoa học. Không cần công bố thành phần. Không cần lời xin lỗi khi bị phát hiện sai phạm. Chỉ cần im lặng hoặc xóa bài.
Những người như chị bán bánh mì, như cậu tài xế công nghệ ấy đang cố gắng đi lên từ con số không. Từng đồng họ kiếm được đều đẫm mồ hôi, và đôi khi là cả sự nhẫn nhịn, hy sinh để giữ lấy khách, giữ lấy công việc.
Còn khi sự nổi tiếng trở thành công cụ bán hàng, thì cái giá mà người tiêu dùng phải trả không chỉ là tiền. Đó có thể là sức khỏe, là niềm tin, là sự thất vọng cay đắng. Và tệ hơn nữa, là cái vòng lặp của lòng tin đặt sai chỗ, từ người này sang người khác, từ sản phẩm này sang sản phẩm khác.
Xuân Hòa