Phát triển thị trường carbon ở Việt Nam bằng cách nào?

Theo chuyên gia, muốn phát triển thị trường carbon ở Việt Nam, cần hoàn thiện quy định pháp luật rõ ràng, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về tín chỉ carbon.
Ngày 10.5, Trường ĐH Luật TP.HCM phối hợp với Trường ĐH Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường ĐH Ngoại thương tổ chức hội thảo quốc tế "Thị trường carbon: kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam".
GS-TS Đỗ Văn Đại, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM nhấn mạnh biến đổi khí hậu là thực tế mà thế giới đang đối đầu. Một trong các giải pháp mà chúng ta đang loay hoay là tìm cách phát triển thị trường carbon.
Có thể thấy thị trường carbon đã thực sự phát triển theo Nghị định thư Kyoto 1997 và có rất nhiều quốc gia đã sớm đưa chế định này vào khung pháp lý. Việt Nam cũng đã thể hiện quyết tâm rất lớn để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, thông qua luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định số 06 năm 2022 của Chính phủ. Việc này đã xác định lộ trình thí điểm vận hành thị trường carbon tại Việt Nam bắt đầu từ năm 2025.
Làm thế nào để Việt Nam phát triển thị trường carbon, đồng thời đảm bảo tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, đây là vấn đề đang được quan tâm. TS Nguyễn Chinh Quang, Đại học James Cook, Australia đại diện nhóm tác giả cho rằng, trong khi thị trường carbon mang lại sự linh hoạt và hiệu quả về chi phí, thì việc triển khai thành công thị trường này đòi hỏi phải có khuôn khổ quản lý và cơ sở hạ tầng thị trường hoạt động tốt.
Ngược lại, thuế carbon mang lại khả năng dự đoán về giá carbon nhưng có thể gây ra gánh nặng kinh tế cho một số ngành công nghiệp nhất định. Khung pháp lý của Việt Nam phải cân bằng giữa các cách tiếp cận này, tích hợp các yếu tố đảm bảo cả hiệu quả về môi trường và khả thi về kinh tế.
Việt Nam nên tập trung vào việc thiết lập và ổn định ETS (hệ thống giao dịch phát thải khí nhà kính) trong nước trước khi đưa thuế carbon vào vận hành. Cơ chế này cung cấp cho các công ty sự linh hoạt và giúp họ có thêm thời gian để phát triển các biện pháp giảm phát thải hiệu quả.
Hoạt động của ETS Việt Nam cần được đảm bảo thông qua một khuôn khổ pháp lý mạnh mẽ và tốt nhất là nghiêm ngặt theo thời gian. Trong đó, ba yếu tố quyết định hoạt động hiệu quả của ETS: Mức giới hạn trợ cấp, phân bổ trợ cấp và cơ chế ổn định giá.
Dưới góc độ doanh nghiệp, bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, kiến nghị quy định pháp luật cần xác định và bảo đảm quyền sở hữu rõ ràng đối với hàng hóa carbon. Theo đó, carbon (carbon credit, carbon allowance, carbon offset) phải là tài sản có giá trị có thể giao dịch được, với quyền sở hữu, chuyển nhượng và bảo vệ quyền lợi được pháp luật bảo hộ.
Bà Thanh Mẫu đề nghị cần thiết lập cơ chế chứng nhận, đăng ký và lưu trữ carbon trên hệ thống dữ liệu quốc gia để đảm bảo tính xác thực và minh bạch thông tin. Từ đó, có thể giảm chi phí giao dịch và rủi ro về quyền sở hữu, khuyến khích đầu tư và giao dịch trên thị trường.
Cũng theo Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, có thể áp dụng các giải pháp số hoá, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về tín chỉ carbon, nhằm giảm chi phí kiểm định, xác minh thông tin và giao dịch trực tuyến. Xây dựng các tiêu chuẩn kiểm định và công bố công khai thông tin về dự án giảm phát thải, số lượng tín chỉ được cấp và các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả của dự án…