Phát hoảng với chiêu lừa đóng 'phí ship' 16 ngàn đồng rồi mất mấy trăm triệu đồng

Chiêu lừa "đóng tiền phí ship" (số tiền phải trả cho việc vận chuyển hàng hóa) với số tiền khá nhỏ đã và đang hoành hành. Nếu chủ quan có thể bị lừa, mất số tiền lớn.
Chuyển "phí ship" 16 ngàn đồng, tài khoản mất tiền triệu
H.T.H (26 tuổi), làm việc tại 12/22 Đào Duy Anh (Q.Phú Nhuận, TP.HCM), cho biết ngày 29.4 bất ngờ nhận một cuộc gọi từ số lạ. Người ở bên kia đầu dây yêu cầu H. chuyển khoản 16.000 đồng là "phí ship" cho một đơn hàng 0 đồng. "Cách đó 2 ngày, người thân ở tỉnh Ninh Thuận gửi đồ vào cho tôi. Tôi ngỡ là đơn hàng ấy nên đã xin số tài khoản để chuyển tiền", H. kể lại.
Sau khi chuyển khoản thành công, một số lạ khác gọi cho H. "Người này nói số tài khoản lúc nãy là dành cho shipper đăng ký làm nhân viên giao hàng. Tôi được yêu cầu phải liên hệ qua Facebook để được hỗ trợ hủy việc đã đăng ký. Cùng lúc, họ gửi một link fanpage qua số điện thoại tôi", H. kể tiếp.
"Lúc này, một số lạ khác gọi đến, nói đã được nhân viên báo phải hỗ trợ cho tôi. Yêu cầu tôi cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, mật khẩu và mã OTP để được chuyển trả lại 16.000 đồng. Đồng thời giúp hủy việc đã đăng ký làm thành viên của công ty (tức làm nhân viên giao hàng). Người này cũng nói: "Nếu không làm theo, thì mỗi tháng tài khoản ngân hàng sẽ bị trừ 4 triệu đồng vì đã đăng ký vào "cộng đồng shipper của công ty". Một năm sẽ bị trừ 48 triệu đồng". Nghe vậy, tôi hoảng. Tôi có làm theo, và chỉ chưa đầy 1 phút, tài khoản ngân hàng "bay" 5,8 triệu đồng. Khi đó tôi mới biết mình đã bị lừa", H. tiếp tục cho hay.
Sự việc chưa dừng lại ở đó. Nhiều số lạ tiếp tục liên hệ H. "Tôi hoảng sợ nên có nói "đừng lừa nữa, tôi chấp nhận mất 5.816.000 đồng đấy". Bên kia đầu dây cười hô hố, chửi tôi là "đồ ngu, ăn gì mà ngu quá vậy, tự dưng chuyển 16.000 đồng rồi bị lừa tiếp 5,8 triệu đồng".
Câu chuyện của H. không ngoại lệ. Thời gian qua, có nhiều người sập bẫy lừa "đóng tiền phí ship" này. Kẻ lừa gọi điện thoại đến nạn nhân, yêu cầu đóng "phí ship" với khoản tiền nhỏ, thường thấp hơn 20.000 đồng. Và sau đó, "vẽ" ra hàng loạt kịch bản để lừa tiền.
Trên Cổng thông tin điện tử Công an tỉnh Hà Tĩnh vào ngày 27.4 có bài đăng về việc một phụ nữ cũng "dính" bẫy lừa này và mất 400 triệu đồng. Cụ thể, vào giữa tháng 4 vừa qua, người phụ nữ tên T. (ngụ ở H.Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) nhận cuộc gọi từ số lạ thông báo về một đơn hàng "0 đồng", chỉ cần thanh toán 16.000 đồng tiền phí ship. Với thói quen mua hàng online, chị T. không quá nghi ngờ và vội vàng yêu cầu gửi số tài khoản để chuyển khoản vì đang bận.
"30 phút sau, người giao hàng tiếp tục gọi lại, thông báo chị T. đã chuyển nhầm vào tài khoản "thành viên" của công ty giao hàng, và từ tháng sau sẽ bị trừ tự động 4,5 triệu đồng mỗi tháng. Lo sợ, chị T. được hướng dẫn kết bạn Facebook với tài khoản tự xưng "GHTK hỗ trợ" để làm thủ tục hủy đăng ký. Qua messenger, nhóm đối tượng gửi đường link giả giao diện GHTK, yêu cầu chị T. cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, mật khẩu và mã xác thực. Tin tưởng làm theo, chỉ trong ít phút, chị T. phát hiện tài khoản bị trừ 49 triệu đồng", bài đăng viết.
Cũng theo bài đăng, chị T. tiếp tục liên lạc với đối tượng và được "hướng dẫn" khiếu nại để lấy lại tiền. Được đưa vào nhóm chat "Thu hồi tiền GHTK" với các thành viên giả mạo liên tục chia sẻ "thành tích nhận lại tiền", chị T. càng thêm tin tưởng. Liên tiếp những khoản tiền "phí khiếu nại", "phí xác minh" lần lượt được chị chuyển đi: 4 triệu, 10 triệu, 20 triệu… đến khi số tiền lên đến hơn 200 triệu đồng.
Nhưng nhóm lừa đảo chưa dừng lại. Nhóm lừa đảo tiếp tục màn kịch cuối cùng giả danh công an. "Khi mọi thứ kết thúc, tổng thiệt hại mà chị T. phải gánh chịu sau vụ lừa đảo lên tới hơn 400 triệu đồng", theo bài đăng trên Cổng thông tin điện tử Công an tỉnh Hà Tĩnh.
Ở nhiều hội, nhóm trên Facebook, không ít thành viên cũng ta thán chuyện bị mất tiền bởi bẫy lừa này. Có người tốn 15.000 đồng "phí ship", sau đó tỉnh táo dừng lại. Nhưng cũng có người mất số tiền từ vài triệu đồng đến hàng chục triệu đồng.
Để không bị lừa
Sau khi bị lừa, H.T.H thắc mắc: "Người thân ở tỉnh Ninh Thuận gửi đồ qua bưu điện, nhưng vì sao nhóm lừa đảo lại biết rõ thông tin cá nhân của người nhận là tôi?".
Giải đáp thắc mắc này, ông Ngô Minh Hiếu, Giám đốc dự án Chống lừa đảo (thuộc Công ty TNHH Doanh nghiệp xã hội Chống lừa đảo, TP.Thủ Đức, TP.HCM), cho biết: "Thông tin cá nhân có thể bị lộ do nhiều nguyên nhân. Chẳng hạn rò rỉ từ hệ thống nội bộ. Một số đối tượng nhân viên xấu có thể truy cập trái phép vào hệ thống của các đơn vị vận chuyển để lấy thông tin khách hàng. Hoặc kẻ gian giả danh nhân viên bưu điện, đơn vị giao hàng, gọi điện hoặc gửi email yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân hoặc thanh toán phí dịch vụ qua các đường link giả mạo…".
Theo ông Hiếu, yêu cầu thanh toán phí nhỏ ban đầu là một trong những tình huống lừa đảo phổ biến mà kẻ gian thường sử dụng.
"Kẻ lừa đảo thường yêu cầu nạn nhân chuyển một khoản tiền nhỏ, như 15.000 đồng, 16.000 đồng với lý do phí vận chuyển hoặc phí dịch vụ. Sau đó, đối tượng lừa đảo tiếp tục gọi điện, viện lý do nhầm lẫn hoặc phát sinh thêm phí để yêu cầu chuyển thêm tiền. Sở dĩ các khoản phí nhỏ ban đầu như 15.000 đồng, 16.000 đồng thường được sử dụng là nhằm để tạo lòng tin và khiến nạn nhân mất cảnh giác. Sau khi nạn nhân đồng ý thanh toán khoản nhỏ, kẻ gian có thể tiếp tục yêu cầu các khoản tiền lớn hơn với các lý do khác nhau", ông Hiếu nói.
Để có thể không bị lừa tiền trong trường hợp này, ông Hiếu khuyên: "Cần xác minh thông tin. Khi nhận được cuộc gọi hoặc tin nhắn yêu cầu thanh toán hoặc cung cấp thông tin cá nhân, hãy kiểm tra kỹ nguồn gốc. Liên hệ trực tiếp với đơn vị vận chuyển qua các kênh chính thức để xác nhận. Không chuyển tiền hoặc thanh toán trước khi nhận và kiểm tra hàng hóa. Ngoài ra, cần hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân trên các nền tảng công cộng và cẩn trọng khi cung cấp thông tin cho người lạ".
Giám đốc dự án Chống lừa đảo cũng khuyến cáo mọi người cần cảnh giác với những chiêu lừa khác.
"Như đối tượng mạo danh nhân viên bưu điện, đơn vị giao hàng nhanh... đến nhà yêu cầu thanh toán cho một gói hàng không rõ nguồn gốc. Nếu không cảnh giác, nạn nhân có thể mất tiền mà không nhận được hàng hóa thực sự. Chiêu lừa khác là kẻ gian gửi email hoặc tin nhắn thông báo có bưu phẩm đang chờ, yêu cầu nạn nhân nhấp vào đường link và cung cấp thông tin cá nhân hoặc thanh toán phí để nhận hàng", ông Hiếu cho hay.