Nhảy đến nội dung

Phân cấp, phân quyền triệt để cho địa phương

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết việc phân định để phân cấp, phân quyền và ủy quyền giữa T.Ư với địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương theo phương châm được Tổng Bí thư quán triệt: "Để địa phương quyết, địa phương làm và địa phương chịu trách nhiệm".

Ngày 14.5, tiếp tục kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 và luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

Tổ chức chính quyền 2 cấp, là những cấp nào ?

Dự thảo nghị quyết sửa đổi Hiến pháp đề xuất 2 cấp đơn vị hành chính (ĐVHC) gồm: tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư và ĐVHC dưới tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư. Việc xác định các loại ĐVHC dưới tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư và trình tự, thủ tục thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới sẽ do Quốc hội (QH) quy định.

Cho ý kiến, đại biểu (ĐB) Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) đánh giá đề xuất nêu trên mang tính mở, là dấu mốc lịch sử trong việc sắp xếp ĐVHC 2 cấp, không tổ chức chính quyền cấp huyện. Tuy vậy, ông Hải lo ngại có nhiều cách hiểu khác nhau về "các ĐVHC dưới tỉnh"; đồng thời không phù hợp với chủ trương xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp gồm cấp tỉnh và cấp xã theo tinh thần Nghị quyết 60 của T.Ư Đảng. Do đó, ông đề nghị quy định cụ thể các ĐVHC bao gồm tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư và các xã, phường, đặc khu như đã được T.Ư xác định.

ĐB Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) thì đề xuất cách biểu đạt khác về tổ chức chính quyền 2 cấp, đó là cấp tỉnh và cấp cơ sở. Ông Tám nói, cụm từ "chính quyền cấp cơ sở" đã được sử dụng trong nhiều nghị quyết của Đảng nên quy định theo hướng này là phù hợp. "Còn cấp tỉnh gồm những gì, cấp cơ sở gồm những gì, phường hay xã thì cái đó giao cho QH hoặc được quy định trong luật Tổ chức chính quyền địa phương", ĐB nêu.

Trong khi đó, ĐB Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) bày tỏ chưa đồng tình khi dự thảo bỏ từ "cấp" trong "cấp chính quyền địa phương" tại điều 112 Hiến pháp năm 2013. Ông Đồng đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành bởi đây là thuật ngữ giúp phân biệt giữa chính quyền địa phương đầy đủ (gồm HĐND và UBND) với chính quyền không tổ chức HĐND. Sự phân biệt này rất quan trọng khi Việt Nam đang thí điểm mô hình chính quyền đô thị ở một số tỉnh, thành phố lớn như TP.HCM, Đà Nẵng.

ĐB đoàn Quảng Trị cũng đề xuất nghiên cứu chuyển một số thẩm quyền của QH, Chính phủ cho chính quyền địa phương ngay trong Hiến pháp. Điển hình như việc quyết định thu chi ngân sách hoặc quản lý biên chế ở địa phương. Đồng thời, cần làm rõ UBND là cơ quan hành chính của địa phương, xem xét cơ chế hoạt động UBND cấp tỉnh nên tiếp tục giữ chế độ tập thể hay chuyển sang chế độ thủ trưởng.

Một nội dung quan trọng khác được quy định tại dự thảo nghị quyết là bỏ quy định về thẩm quyền chất vấn của HĐND đối với chánh án TAND và viện trưởng viện KSND. Việc chất vấn của ĐB HĐND sẽ tập trung vào UBND, gồm chủ tịch UBND, các thành viên khác của UBND và người đứng đầu cơ quan thuộc UBND.

Nhiều ĐB không đồng tình với đề xuất này. Theo ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng), mô hình tới đây sẽ không còn TAND và viện KSND cấp huyện, thay vào đó là TAND và viện KSND khu vực. Tuy nhiên, dù không gắn với địa giới hành chính, các cơ quan này vẫn khởi tố, truy tố, xét xử công dân của những ĐVHC cụ thể mà ĐB HĐND là đại diện. "Không lẽ TAND, viện KSND khu vực sẽ là những cơ quan tư pháp duy nhất nằm ngoài sự giám sát bằng hình thức chất vấn của ĐB HĐND? Nếu vậy thì dân bị oan sai sẽ nhờ cậy ai chất vấn để bảo vệ quyền lợi của họ?", bà Thúy nêu, và nhấn mạnh nếu không có quyền chất vấn thì ĐB HĐND sẽ khó có thể yêu cầu chánh án hoặc viện trưởng ra trước kỳ họp HĐND để trả lời cụ thể từng vấn đề, đối thoại công khai với ĐB và cử tri.

Khi nào cấp tỉnh can thiệp xuống cấp xã ?

Góp ý dự thảo luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), nhiều ĐB thảo luận về quy định "trường hợp cần thiết, UBND, chủ tịch UBND cấp tỉnh trực tiếp chỉ đạo điều hành giải quyết" những vấn đề thuộc quyền hạn của cấp xã. Theo ĐB Trần Thị Thanh Hương (đoàn An Giang), trong bối cảnh không tổ chức cấp huyện, nhiều nhiệm vụ, quyền hạn được chuyển giao cho cấp xã đảm nhận. Cộng thêm việc mở rộng quy mô ĐVHC cấp xã khiến khối lượng công việc của chính quyền cấp xã tăng lên rất nhiều. "Thay đổi lớn trong khi năng lực bộ máy các cấp chưa đồng đều", bà Hương nêu băn khoăn và cho rằng rất cần chính quyền địa phương cấp tỉnh phải theo dõi, giám sát, hỗ trợ kịp thời khi cấp xã không đáp ứng được yêu cầu công việc.

ĐB đoàn An Giang thống nhất bổ sung vào dự thảo luật quy định trách nhiệm của UBND, chủ tịch UBND cấp tỉnh trong trường hợp cần thiết. Giao Chính phủ hướng dẫn để quy định rõ hơn, chặt chẽ hơn nội dung thế nào là "trường hợp cần thiết" để UBND cấp tỉnh thể hiện rõ trách nhiệm mà UBND cấp xã cũng thực hiện được nhiệm vụ, quyền hạn trước mắt và lâu dài.

Cùng quan điểm, ĐB Nguyễn Hải Dũng (đoàn Nam Định) đề nghị phân định rõ những vấn đề thuộc chính quyền địa phương 2 xã do tỉnh xử lý, thuộc 2 tỉnh thì do T.Ư xử lý. Lý do, thực tế có những xã thuộc 2 tỉnh khác nhau lại nằm giáp nhau nhưng khói bụi từ xã này bay sang xã kia, kè sông xã này gây sạt lở phía xã kia, việc xả thải chăn nuôi ở xã này làm ô nhiễm xã kia, sẽ phải đưa lên tỉnh giải quyết. "Nếu những việc như thế phải đưa lên cấp trên giải quyết thì rất tốn kém về thủ tục, thời gian, nhân lực trong khi chính quyền 2 xã, 2 tỉnh có thể tự giải quyết được", ông Dũng nói.

Theo ông, quy định như dự thảo luật hiện tại sẽ đẩy việc của chính quyền cấp xã lên chính quyền cấp tỉnh, chính quyền cấp tỉnh đẩy việc lên chính quyền T.Ư mà không tự giải quyết ngay từ đầu. Không phát huy tính chủ động trong phục vụ nhân dân trong khi mục tiêu của luật là xây dựng chính quyền sát dân, gần dân. ĐB Nguyễn Hải Dũng đề nghị biện pháp giải quyết đơn giản hơn với trường hợp này là theo phương châm địa phương quyết, địa phương thực hiện, địa phương chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó, ĐB cũng đề xuất bổ sung trường hợp loại trừ "trường hợp các địa phương liên quan tự giải quyết được vấn đề đó".

Giải trình cuối phiên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết việc phân định để phân cấp, phân quyền và ủy quyền giữa T.Ư với địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương theo phương châm được Tổng Bí thư quán triệt: "Để địa phương quyết, địa phương làm và địa phương chịu trách nhiệm". Bà khẳng định dự thảo đã xác lập đầy đủ về nguyên tắc, phạm vi, điều kiện để phân cấp, phân quyền và ủy quyền. Kèm theo đó là cơ chế kiểm soát để phát huy vai trò chủ thể của chính quyền địa phương trong công việc được giao.

"Trong trường hợp cần thiết UBND hoặc chủ tịch UBND tỉnh phải kịp thời giải quyết những vấn đề đảm bảo dòng chảy điều hành thông suốt, không để đình trệ, gián đoạn", Bộ trưởng Nội vụ cho hay. Bà cũng lý giải "trường hợp cần thiết" là cơ quan chuyên môn hoặc cấp xã không đủ năng lực để thực hiện một nhiệm vụ nào đó, phát sinh những vấn đề khẩn cấp, phức tạp, nhạy cảm. Nếu không có cơ chế này thì không thể đảm bảo được yêu cầu vận hành trơn tru, thống nhất.

 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn