Phác họa nhóm tác chiến tàu sân bay 'khủng' của Trung Quốc

Thành phần, cấu trúc nhóm tác chiến tàu sân bay của Trung Quốc trong tương lai đã ngày càng rõ ràng hơn với nhiều khí tài tối tân.
Ngày 26.5, tờ Hoàn Cầu thời báo đưa tin tàu sân bay Phúc Kiến của Trung Quốc vừa tiến hành cuộc thử nghiệm chuyên sâu với hệ thống phóng máy bay điện từ.
Bước tiến mới của hải quân Trung Quốc
Tuy nhiên, bản tin trên không nêu rõ thử nghiệm chuyên sâu như thế nào. Thế nhưng, Đài CCTV của Trung Quốc mới đây cũng đưa tin các chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình J-35 chuyên dụng cho hải quân, có thiết kế phù hợp với việc cất cánh bằng máy phóng điện từ, vừa tiến hành thử nghiệm. Kết hợp 2 thông tin vừa nêu, nhiều khả năng Trung Quốc vừa chính thức thử nghiệm chiến đấu cơ J-35 kết hợp cùng tàu sân bay Phúc Kiến.
Hiện nay, Trung Quốc đã đưa vào hoạt động 2 tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông nhưng cả 2 tàu này đều có thiết kế mũi hếch để cất cánh kiểu nhảy cầu. Thế nhưng, chiến đấu cơ J-15 dành cho tàu sân bay Trung Quốc lại có trọng lượng rỗng cũng như trọng lượng cất cánh tối đa khá lớn so với chiến đấu cơ cùng loại của các nước khác. Vì thế, việc cất hạ cánh trên tàu sân bay gặp nhiều khó khăn khi không có hệ thống phóng hỗ trợ, đồng thời số lượng vũ khí mang theo cũng giới hạn.
Chính vì thế, việc triển khai tàu sân bay Phúc Kiến trong tương lai có ý nghĩa quan trọng với hải quân Trung Quốc, nhất là khi kết hợp cùng chiến đấu cơ J-35, trở thành bước ngoặt quan trọng cho tham vọng tàu sân bay mà Bắc Kinh hướng đến. Hiện nay, chỉ Mỹ và Trung Quốc sở hữu công nghệ bộ phóng điện từ cho tàu sân bay.
Sức mạnh tương lai của tàu sân bay Trung Quốc
Theo giới phân tích, có lẽ đến năm 2032, Trung Quốc sẽ triển khai đầy đủ sức mạnh tàu sân bay Phúc Kiến. Đi kèm với tàu này không chỉ có chiến đấu cơ J-35 mà còn có phiên bản tác chiến điện tử J-15D của dòng chiến đấu cơ J-15. Ngoài ra, tàu sân bay Phúc Kiến còn trang bị máy bay trinh sát, cảnh báo sớm KJ-600 để cạnh tranh cùng dòng máy bay cảnh báo sớm Grumman E-2 Hawkeye của Mỹ.
Đặc biệt, Trung Quốc còn đẩy nhanh việc phát triển dòng máy bay không người lái (UAV) GJ-11 để trang bị cho tàu sân bay Phúc Kiến. Đây là dòng UAV cạnh tranh trực tiếp với đối thủ X-47B của Mỹ.
GJ-11 là UAV tàng hình ném bom có thể mang theo đến 2 tấn vũ khí với bán kính chiến đấu lên đến 1.200 km, không chỉ có thể xuất kích từ tàu sân bay mà còn cả với tàu tấn công đổ bộ Type 075 hay Type 076 của Trung Quốc. Việc trang bị GJ-11 sẽ giúp tăng cường năng lực tấn công cho tàu sân bay Phúc Kiến. Theo một số nguồn tin, Bắc Kinh đang hướng đến phát triển 6 nhóm tác chiến tàu sân bay như Phúc Kiến.
Hỗ trợ đắc lực đồng thời còn đóng vai trò hộ tống tàu sân bay là tàu khu trục Type 055. Đây là tàu chiến nổi trang bị hỏa lực mạnh nhất của Trung Quốc với độ choán nước lên đến 11.000 tấn, kết hợp cùng hệ thống điện tử tối tân. Tàu khu trục Type 055 có thể tích hợp đến 112 ống phóng tên lửa thẳng đứng, cho phép phóng cả tên lửa đạn đạo chống hạm YJ-21 có tốc độ Mach 6 - 10 (nhanh gấp 6 - 10 lần tốc độ âm thanh) và tầm bắn lên đến 1.500 km. Tàu Type 055 còn có thể phóng tên lửa hành trình CJ-10 (tầm bắn 1.500 - 2.000 km) để tấn công các mục tiêu trên đất liền, tên lửa đối không HHQ-9 với trần bay đến 50 km để hình thành hệ thống phòng thủ tên lửa.
Cho nên, khi trang bị đầy đủ các hệ thống vũ khí, hỏa lực trên thì nhóm tàu sân bay của Trung Quốc trong tương lai có khả năng tác chiến rất mạnh.