Phá rào cản vốn cho start-up Việt cất cánh

Đơn giản hóa ưu đãi thuế, xây dựng hạ tầng nghiên cứu chuyên sâu hay phát triển các công cụ tài chính mới cho tài sản vô hình... là những cấu phần thiết yếu nếu Việt Nam muốn cạnh tranh trong chuỗi giá trị công nghệ toàn cầu, theo các doanh nghiệp.
Để nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về kinh tế tư nhân không dừng lại ở tầm nhìn mà thực sự trở thành động lực tăng trưởng, Việt Nam cần nhanh chóng hoàn thiện thể chế hỗ trợ R&D (nghiên cứu và phát triển) một cách minh bạch, đồng bộ và có thể đo lường hiệu quả.
Bài học đầu tư cho nghiên cứu và phát triển từ Nhật Bản
Nghị quyết 68 đưa ra một số mục tiêu được đông đảo doanh nghiệp (DN) hoan nghênh như: cắt giảm 30% điều kiện kinh doanh, giảm 30% chi phí tuân thủ và 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính.
Theo ông Trịnh Nguyễn Thiên Phước - giám đốc công nghệ Công ty Gianty Việt Nam, đây là những cải tiến quan trọng, trực tiếp giảm bớt gánh nặng cho các doanh nghiệp công nghệ 100% vốn nước ngoài, giúp các doanh nghiệp dành nguồn lực tập trung vào R&D và đổi mới sáng tạo.
Ông Phước cho rằng để chính sách hỗ trợ R&D hiệu quả hơn, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI) trong thiết kế 3D với chi phí nghiên cứu và phát triển rất lớn, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm thành công từ Nhật Bản.
Đầu tiên, Việt Nam cần xây dựng các hướng dẫn thực hiện rõ ràng, minh bạch đối với việc miễn giảm 20% thuế thu nhập doanh nghiệp khi tái đầu tư vào nghiên cứu và phát triển.
Nhật Bản đã thành công trong việc đơn giản hóa quy trình chứng minh chi phí nghiên cứu và phát triển thông qua hệ thống tự khai báo và kiểm toán nội bộ doanh nghiệp, kết hợp với việc hậu kiểm định kỳ để đảm bảo minh bạch và hiệu quả.
"Thứ hai, chúng tôi đề xuất thành lập các trung tâm nghiên cứu và đổi mới sáng tạo công nghệ chuyên sâu, tương tự mô hình của Nhật Bản như AIST (Viện Khoa học và Công nghệ công nghiệp tiên tiến).
Các trung tâm này sẽ được hỗ trợ trực tiếp từ chính phủ, hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp nước ngoài, tập trung nghiên cứu các công nghệ chiến lược như AI, thực tế ảo, thực tế tăng cường, các giải pháp công nghệ cho xã hội thông minh và các giải pháp chống lừa đảo nhằm thúc đẩy nhanh việc chuyển giao công nghệ và thương mại hóa các phát minh mới", ông Phước chia sẻ.
Ngoài ra, Việt Nam có thể học hỏi từ Nhật Bản trong việc xây dựng các quỹ hỗ trợ nghiên cứu và phát triển đặc biệt, cung cấp các khoản vay ưu đãi hoặc tài trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp công nghệ thực hiện các dự án nghiên cứu công nghệ cao, bao gồm các dự án liên quan đến xã hội thông minh, an ninh mạng và phòng chống lừa đảo.
Các khoản vay này được đánh giá dựa trên tính khả thi của công nghệ, tiềm năng thị trường và các giá trị tài sản vô hình tạo ra.
"Cuối cùng chúng tôi kiến nghị tạo lập nền tảng số tương tác hiệu quả giữa doanh nghiệp và cơ quan nhà nước để phản hồi, tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến việc triển khai chính sách hỗ trợ nghiên cứu và phát triển, giúp các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và thụ hưởng các ưu đãi kịp thời.
Với các giải pháp cụ thể này, chúng tôi tin rằng Việt Nam sẽ nhanh chóng trở thành môi trường hấp dẫn cho các doanh nghiệp công nghệ nước ngoài đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển công nghệ", ông Phước đề xuất.
Tái thiết môi trường cho start-up
Ông Trần Viết Quân, chủ tịch Công ty chuyển đổi số Tanca.io, cho rằng để nghị quyết 68 đi vào thực tiễn, tư duy "Nhà nước và doanh nghiệp là đối tác chiến lược" cần được thống nhất từ trung ương đến địa phương, tránh tình trạng "trên nóng, dưới lạnh".
Cụ thể, theo ông Quân, Nhà nước cần ban hành hướng dẫn chi tiết về tiêu chí thụ hưởng ưu đãi, như quy định rõ cách thẩm định giá trị tài sản vô hình (phần mềm, sáng chế) để hỗ trợ vay vốn. Đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng AI để triển khai chính sách nhanh chóng, khắc phục độ trễ như trước đây.
Ông Quân đề nghị cần nâng cao năng lực đội ngũ công chức và lao động doanh nghiệp. Công chức nên được đánh giá KPI và năng lực định kỳ sáu tháng/lần tương tự doanh nghiệp để đảm bảo hiệu quả thực thi.
Đối với lực lượng lao động, Nhà nước có thể hỗ trợ hàng ngàn khóa học chất lượng quốc tế miễn phí hoặc chi phí thấp, giúp nâng cao kỹ năng trong các lĩnh vực công nghệ, chuyển đổi số và xanh hóa.
Thêm nữa, chúng ta cần định hướng doanh nghiệp công nghệ Việt Nam vươn ra toàn cầu, ưu tiên các lĩnh vực đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và xanh hóa. Nhà nước có thể hỗ trợ kết nối với quỹ đầu tư mạo hiểm, tập đoàn quốc tế và xây dựng "vườn ươm công nghệ" tại các TP lớn để doanh nghiệp chinh phục thị trường toàn cầu.
"Để nghị quyết 68 trở thành đòn bẩy cần xây dựng cổng thông tin số tập trung, cung cấp thông tin chính sách minh bạch và tổ chức đối thoại công - tư thường xuyên để điều chỉnh chính sách kịp thời. Với sự đồng hành của Nhà nước và sự năng động của doanh nghiệp, Việt Nam có thể trở thành trung tâm khởi nghiệp công nghệ hàng đầu khu vực", ông Quân chia sẻ.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Duy Thiện, quyền CEO Công ty công nghệ Kalapa, cũng cho rằng Nhà nước cần sớm thiết lập một cổng dịch vụ công tập trung, số hóa hoàn toàn, nơi doanh nghiệp có thể nộp, theo dõi tiến trình và nhận kết quả tất cả thủ tục hành chính như đăng ký kinh doanh, thuế, bảo hiểm xã hội và sở hữu trí tuệ. Việc này không chỉ tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp mà còn giúp các cơ quan nhà nước tự tạo áp lực đổi mới quy trình.
Thứ hai, theo ông Thiện, để các doanh nghiệp fintech (công nghệ tài chính) có thể mạnh dạn đầu tư R&D và đổi mới sáng tạo ngay tại Việt Nam, các ưu đãi miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và miễn tiền sử dụng đất cần được ghi nhận rõ ràng, ổn định dài hạn (ít nhất 15 - 20 năm) trong Luật Thuế và Luật Đất đai sửa đổi.
Điều này sẽ khuyến khích start-up giữ hoạt động nghiên cứu và phát triển sản phẩm ngay trong nước thay vì dịch chuyển ra nước ngoài.