PGS.TS Nguyễn Lân Cường sống trọn vẹn như cách ông nhìn về những bộ xương cổ

"PGS.TS Nguyễn Lân Cường sống trọn vẹn như cách ông nhìn về những bộ xương cổ: không phải là biểu tượng của cái chết mà là ký ức sống động về sự tồn tại", TS. Phạm Việt Long bày tỏ.
Sáng 6/5, tại Bệnh viện Đại học Y Dược, PGS.TS, nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường qua đời sau thời gian chống chọi với bệnh ung thư dạ dày, hưởng thọ 83 tuổi.
Nguyễn Lân Cường ra đi nhưng năng lượng tích cực mà ông lan tỏa vẫn tiếp tục sống
TS. Phạm Việt Long (Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển) chia sẻ Nguyễn Lân Cường (là con thứ tư của cố Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân) sớm định hình một con đường riêng mang dấu ấn mạnh mẽ giữa khoa học và nghệ thuật. Với ông, khảo cổ học không phải chỉ là chuyện đào xới di tích, nghiên cứu bộ xương khô cằn mà là hành trình tìm về sự sống - nơi mỗi di cốt là một câu chuyện, một linh hồn cần được hiểu, trân trọng và phục hồi.
Hơn 50 năm gắn bó với cổ nhân học, ông được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục là người nghiên cứu nhiều nhất các di cốt người cổ tại Việt Nam. Tên tuổi của ông gắn liền với nhiều công trình khảo cổ học lớn, tiêu biểu như nghiên cứu di chỉ Vườn Chuối (Hà Nội), cũng như các đề tài quốc gia về phục chế, tu bổ tượng nhục thân thiền sư tại chùa Đậu, chùa Tiêu Sơn, chùa Phật Tích...
Không dừng ở những nghiên cứu khô khan, ông đưa sự sống vào khoa học bằng cả nét cọ và nốt nhạc. Cuốn sách Bộ xương người nói với bạn điều gì? - ấn phẩm đoạt giải B tại Giải thưởng Sách Quốc gia năm 2024 - là minh chứng sinh động. Tác phẩm không chỉ chứa đựng tri thức khoa học mà còn được ông tự tay vẽ minh họa hơn 320 hình sơn dầu, khiến bộ xương tưởng chừng vô tri bỗng trở nên gần gũi, mang vẻ đẹp nhân bản.
Tuy nhiên, theo TS. Phạm Việt Long, sẽ là thiếu sót nếu chỉ nhìn nhận PGS.TS Nguyễn Lân Cường như một nhà khoa học. Ông còn là một nghệ sĩ có tâm hồn rộng mở. Dù là Phó Chủ tịch Thường trực Hội Âm nhạc Hà Nội, chỉ huy Dàn hợp xướng Hanoi Harmony hay một nhạc sĩ với gần 100 tác phẩm - ông luôn khiêm nhường nhận mình là "người viết nhạc vì cuộc sống". Những sáng tác như Vị tướng của lòng dân, Về đi em, Bài ca về những người lính đảo không chỉ giàu chất sử thi mà còn là lời ca chan chứa cảm xúc, niềm tin yêu với con người và quê hương.
"PGS.TS Nguyễn Lân Cường sống trọn vẹn như cách ông nhìn về những bộ xương cổ: không phải là biểu tượng của cái chết mà là ký ức sống động về sự tồn tại. Ông không chỉ là nhà khoa học - nghệ sĩ hiếm có mà còn là một người yêu đời, yêu người, luôn mang đến niềm vui và cảm hứng cho những ai từng gặp ông.
Nguyễn Lân Cường ra đi nhưng năng lượng tích cực mà ông lan tỏa vẫn tiếp tục sống trong các công trình, bản nhạc, bức tranh và đặc biệt là trong ký ức của bao thế hệ học trò, đồng nghiệp, bạn bè và công chúng. Ông là minh chứng cho một cuộc đời mà khoa học và nghệ thuật không hề đối lập mà bổ sung cho nhau để làm nên một con người viên mãn - sống với đam mê, sống để cống hiến và truyền cảm hứng cho cuộc đời", TS. Phạm Việt Long chia sẻ.
Nhà khoa học mẫu mực
BTV Hoàng Trang VTV nói dù PGS.TS Nguyễn Lân Cường chưa từng dạy mình ngày nào nhưng cô coi ông là người thầy lớn.
“Thầy không dạy tôi ngày nào nhưng tôi hát các bài hát của thầy từ khi còn đi học cấp 3. Sau này đi làm, tôi hay phỏng vấn thầy cho các phóng sự, theo thầy đi khai quật mỗi khi phát hiện được mộ cổ nào đó. Thầy là một nhà khoa học mẫu mực, chuyên gia hàng đầu trong ngành cổ nhân học, một nhạc sĩ yêu âm nhạc như máu thịt, không sự kiện lớn nào của đất nước mà thầy không có sáng tác. Một nhạc sĩ, nghệ sĩ đích thực, một chuyên gia nghiên cứu khoa học chân chính", BTV Hoàng Trang bày tỏ.