Nhảy đến nội dung
 

Ông Trump 'thay máu' nội các

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tiến hành cuộc cải tổ nội các đầu tiên sau hơn 100 ngày nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai.

Cố vấn an ninh làm đại sứ

Rạng sáng qua 2.5, Tổng thống Trump thông báo trên mạng xã hội Truth Social sẽ đề cử Cố vấn an ninh quốc gia Mike Waltz làm Đại sứ Mỹ tại LHQ và đưa Ngoại trưởng Marco Rubio tạm thời thay thế ông Waltz làm cố vấn an ninh. Trước đó, truyền thông Mỹ loan tin ông Waltz sẽ sớm rời chức cố vấn sau vụ bê bối hồi tháng 3, khi ông thêm nhầm một nhà báo vào nhóm thảo luận của Nhà Trắng trên ứng dụng Signal về kế hoạch tấn công lực lượng Houthi tại Yemen.

Trái với chức cố vấn an ninh quốc gia, chức đại sứ Mỹ tại LHQ cần được Thượng viện thông qua nhưng bị cho là có ít ảnh hưởng hơn nhiều. Theo tờ The Washington Post, quyết định bổ nhiệm phản ánh sự thất vọng của ông Trump về sơ suất của ông Waltz hồi tháng 3, cũng như thái độ không hài lòng của nhà lãnh đạo đối với việc ông Waltz bổ nhiệm cấp dưới thiếu trung thành với tổng thống.

Ông Trump ban đầu bảo vệ ông Waltz khi tuyên bố vị cố vấn là "người tốt" và đã học được bài học. Theo CNN, Tổng thống Trump không vội bãi nhiệm ông Waltz vì không muốn trao chiến thắng cho các đối thủ chính trị, đồng thời hy vọng tránh gây xáo trộn như hồi nhiệm kỳ đầu của ông, khi Cố vấn an ninh quốc gia Mike Flynn bị gây sức ép từ chức chỉ sau 3 tuần. Tuy nhiên, chỉ trích đã gia tăng sau thông tin ông Waltz và trợ lý dùng tài khoản Gmail cá nhân, nền tảng kém an toàn hơn Signal, để xử lý công việc chính phủ. Các nghị sĩ Dân chủ thuộc Ủy ban Giám sát Hạ viện đang điều tra vụ việc này.

Trong bài đăng hôm qua, Tổng thống Trump khen ngợi ông Waltz đã nỗ lực vì lợi ích quốc gia, trong khi Phó tổng thống JD Vance cho rằng vị cố vấn đang được "thăng chức". Trong khi đó, các nhà lập pháp đảng Dân chủ chỉ trích ông Waltz bất cẩn và không đủ tiêu chuẩn cho các vị trí cấp cao. Trong cuộc họp nội các hôm 30.4, ông Waltz tiếp tục bị phát hiện sử dụng Signal để liên lạc với các quan chức cấp cao.

Sóng gió chưa qua

Sắp tới, ông Waltz được dự báo sẽ trải qua phiên điều trần sóng gió tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện để được phê chuẩn cho chức đại sứ. Các thượng nghị sĩ Dân chủ đã chỉ trích chính quyền Tổng thống Trump về vụ bê bối Signal sẽ có cơ hội để chất vấn nhân vật tâm điểm của vụ việc. "Tôi cho rằng sẽ có những câu hỏi rõ ràng về việc xử lý thông tin mật hoặc nhạy cảm, việc sử dụng Signal và làm thế nào toàn bộ chuyện này xảy ra", thượng nghị sĩ Dân chủ Chris Coons nói trong một cuộc phỏng vấn, bổ sung rằng ông Waltz sẽ được kiểm tra quan điểm về LHQ và an ninh quốc gia Mỹ.

Mặt khác, việc ông Waltz bị điều chuyển tạo thời cơ để phe Dân chủ tiến tới gây áp lực đối với các nhân vật khác liên quan vụ bê bối Signal, đặc biệt là Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth. Họ cho rằng ông Hegseth đáng bị cách chức hơn vì đã đưa thông tin nhạy cảm về cuộc tấn công vào nhóm trò chuyện nói trên, cũng như trong một nhóm khác có cả vợ và em trai. Tổng thanh tra Lầu Năm Góc Steven Stebbins đã mở rộng điều tra vụ việc này, theo tờ The Wall Street Journal. "Tôi cho rằng họ đã đuổi nhầm người. Họ nên cách chức ông Pete Hegseth vì chia sẻ thông tin mật và nhạy cảm trên kênh Signal đó", thượng nghị sĩ Mark Kelly của bang Arizona nói. Theo CNN, dù Tổng thống Trump không hoàn toàn hài lòng về ông Hegseth nhưng ông tin rằng không nên bãi nhiệm vị bộ trưởng bởi chính quyền đã dành nhiều vốn liếng chính trị để ông Hegseth được phê chuẩn.