Nhảy đến nội dung
 

Ông Trump bị 'cản đường' khi đòi sa thải chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang

Tổng thống Trump muốn sa thải Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell, nhưng các chuyên gia cho rằng điều này sẽ vấp phải nhiều cản trở.

Tổng thống Trump muốn "nhúng tay" trong việc cải tổ một số bộ máy liên bang, trong đó có Cục Dự trữ Liên bang. Ảnh: Reuters,

Khi Tòa án Tối cao Mỹ ra phán quyết về việc Tổng thống Trump muốn loại bỏ 2 thành viên của hội đồng lao động liên bang, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell tuyên bố sẽ theo dõi thêm các manh mối nhằm đảm bảo an toàn cho công việc của mình.

Cục Dự trữ Liên bang được bảo vệ

Theo Reuters, ông Powell bắt đầu nhiệm kỳ 4 năm vào năm 2018, sau khi được ông Trump đề cử trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên. Sau đó, ông được cựu Tổng thống Joe Biden tái bộ nhiệm và được kéo dài nhiệm kỳ cho đến tháng 5/2026. Dự kiến, nhiệm kỳ của ông sẽ kéo dài 14 năm, đến tháng 1/2028.

Giống như các thành viên hội đồng lao động, các thành viên Hội đồng Thống đốc của Cục dự trữ Liên bang được bảo vệ khỏi nguy cơ bị sa thải trừ khi có lý do cụ thể, ví dụ như yếu kém trong công việc hoặc sai phạm, không phải vì bất đồng quan điểm chính sách.

Các chuyên gia pháp lý nhận định rằng nếu Tòa án Tối cao quyết định bãi bỏ các biện pháp bảo vệ chống nguy cơ bị sa thải tại hai cơ quan lao động, họ có thể đồng thời thiết lập một ngoại lệ nhằm bảo vệ các lãnh đạo của Cục Dự trữ Liên bang, ví dụ như ông Jerome Powell, nhằm duy trì tính độc lập của cục.

Tòa án Tối cao cũng từng gợi mở hướng tiếp cận này trong một phán quyết năm 2020. Dù chưa khẳng định dứt khoát, phán quyết này vẫn nêu rằng Cục Dự trữ Liên bang có thể "yêu cầu một vị thế lịch sử đặc biệt", cho phép cơ quan này duy trì khoảng cách với quyền lực tổng thống. Khoảng cách này sẽ lớn hơn rất nhiều so với các cơ quan độc lập khác.

Một số lập luận pháp lý khác cũng được đưa ra nhằm giải thích vì sao Cục Dự trữ Liên bang nên được bảo vệ khỏi sự kiểm soát của tổng thống ở mức độ cao hơn so với các cơ quan liên bang khác.

Tuy nhiên, các nhà chuyên môn phản đối lập luận này và cho rằng xét theo chuỗi phán quyết của Tòa án Tối cao, không có căn cứ nguyên tắc nào có thể áp dụng để phân biệt đối xử hay có sự ưu ái giữa các cơ quan.

Chưa dừng lại ở đó, ông Trump còn sa thải 2 lãnh đạo khác là bà Cathy Harris thuộc Hội đồng Bảo vệ Hệ thống Công vụ và bà Gwynne Wilcox thuộc Hội đồng Quan hệ Lao động Quốc gia.

Reuters nêu rằng quyết định của ông Trump là một phần trong kế hoạch cải tổ sâu rộng, nhằm thu hẹp bộ máy chính quyền liên bang. Kế hoạch này còn bao gồm việc sa thải hàng nghìn công chức, giải thể nhiều cơ quan, bổ nhiệm người trung thành vào các vị trị then chốt và loại bỏ những lãnh đạo có chuyên môn.

Các luật sư của Bộ Tư pháp đã đề nghị Tòa án Tối cao đẩy nhanh quá trình xem xét vụ việc, nhằm xác định liệu các cơ chế bảo vệ dành cho thành viên hội đồng lao động có xâm phạm thẩm quyền tổng thống hay không. Họ lập luận rằng một phán quyết có lợi cho ông Trump không nhất thiết phải ảnh hưởng đến những cơ quan độc lập khác như Cục Dự trữ Liên bang.

cuc du tru lien bang anh 1

Tổng thống Trump từng gọi ông Powell là kẻ thất bại thảm hại, nhưng sau đó lại dịu giọng. Ảnh: Reuters.

Nhưng vẫn còn lo ngại

Mối lo ngại về tính độc lập của Cục Dự trữ Liên bang gia tăng khi ông Trump làm rung chuyển thị trường tài chính bằng việc nhiều lần chỉ trích ông Jerome Powell vì cơ quan này quyết định chưa tiếp tục hạ lãi suất.

Vào ngày 21/4, ông Trump thậm chí còn gọi ông Powell là “kẻ thất bại thảm hại". Tuy nhiên, ngày hôm sau, Tổng thống Mỹ lại hạ giọng và nói rằng ông không có kế hoạch sa thải ông Powell dù trước đó ông Trump từng nói rằng ông tin ông Powell sẽ từ chức nếu ông yêu cầu.

Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang cho biết cục sẽ chờ thêm dữ liệu về hướng đi của nền kinh tế Mỹ trước khi thay đổi lãi suất và cảnh báo rằng các chính sách thuế quan của Tổng thống Trump có thể thúc đẩy lạm phát.

Số phận của các quy định bảo vệ nhiệm kỳ có thể sẽ phụ thuộc vào cách Tòa án Tối cao nhìn nhận phán quyết Humphrey’s Executor năm 1935 và các án lệ liên quan. Trong vụ đó, tòa ủng hộ việc bảo vệ các chức danh độc lập trước nguy cơ bị sa thải vì bất đồng chính sách, cho rằng một số cơ quan hoạt động giống lập pháp hoặc tư pháp nên tổng thống không thể tùy ý can thiệp.

Những người ủng hộ học thuyết “hành pháp thống nhất” cho rằng phán quyết năm 1935 là sai, bởi vì Hiến pháp trao toàn quyền điều hành nhánh hành pháp cho tổng thống, bao gồm quyền cách chức lãnh đạo các cơ quan độc lập.

Gần đây, tòa án đã thu hẹp phạm vi áp dụng phán quyết Humphrey’s Executor nhưng chưa bác bỏ. Phán quyết năm 2020 tiếp tục công nhận ngoại lệ dành cho các cơ quan chuyên môn, đa thành viên, nhưng vẫn khẳng định tổng thống có quyền sa thải theo Hiến pháp.

Bộ Tư pháp lập luận rằng các thẩm phán trong vụ của bà Harris và bà Wilcox đã mở rộng ngoại lệ quá mức, vì hai hội đồng lao động này thực thi quyền hành pháp đáng kể, khác với Ủy ban Thương mại Liên bang.

Theo giáo sư Christine Chabot tại trường Luật Đại học Marquette, Cục Dự trữ Liên bang cũng nắm giữ quyền hành pháp lớn, nên nếu tòa thu hẹp ngoại lệ của phán quyết Humphrey’s, cả hai hội đồng lao động và Cục Dự trữ Liên bang đều có thể mất các biện pháp bảo vệ nhiệm kỳ.

Tuy nhiên, trong phán quyết năm 2020, Tòa án từng gợi ý cục có thể được đối xử đặc biệt nhờ “vị thế lịch sử,” nhưng theo giáo sư Todd Phillips tại trường Kinh doanh Robinson (Đại học Georgia State), lập luận này thiếu thuyết phục.

“Tôi cho rằng tòa sẽ tìm cách biện minh cho sự đặc biệt của Cục Dự trữ Liên bang, nhưng đó sẽ không phải là một lý do mang tính nguyên tắc", giáo sư nêu quan điểm

Đọc để hiểu rõ hơn lịch sử nước Mỹ

Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Lẽ thường" - cuốn sách của tác giả Thomas Paine được xuất bản lần đầu vào năm 1776 và đã có vai trò quan trọng trong thời kỳ lập quốc của Mỹ. Cho đến hôm nay, cuốn sách vẫn còn nguyên giá trị lịch sử đối với những ai quan tâm đến lịch sử nước Mỹ.