Núi lửa phun tro bụi hơn 1 km, Indonesia nâng cảnh báo lên cao nhất

Núi lửa Lewotobi Laki-Laki ở miền đông Indonesia đã phun trào hôm 19.5, tống một đám mây tro bụi lên độ cao hơn 1.000 m sau khi giới hữu trách nâng cấp độ cảnh báo lên mức cao nhất.
AFP hôm nay (19.5) dẫn thông báo của giới hữu trách Indonesia cho biết núi lửa Lewotobi Laki-Laki trên hòn đảo du lịch Flores đã phun trào sau nửa đêm, tạo nên một đám mây tro bụi cách đỉnh núi khoảng 1,2 km.
Núi lửa vừa hoạt động lần nữa vào 9 giờ 36 (8 giờ 36 hôm 19.5 giờ Việt Nam), theo cơ quan địa chất Indonesia.
Đợt hoạt động mới nhất của núi lửa Lewotobi Laki-Laki xảy ra sau khi chính quyền Jakarta nâng cảnh báo lên mức cao nhất cho ngọn núi cao 1.584 m.
"Hoạt động của Lewotobi Laki-Laki vẫn trong giai đoạn cao trào", theo người đứng đầu cơ quan địa chất Mouhammad Wafid.
"Nguy cơ phun trào lớn hơn trước đó có thể xảy ra", ông Wafid cảnh báo.
Hôm 18.5 có một loạt các đợt phun trào, có lúc cao đến 6 km bên trên đỉnh Laki-Laki.
Ông Wafid thúc giục người dân ở gần khu vực bị ảnh hưởng hãy đeo khẩu trang phòng bụi, trong khi khuyến cáo mọi người không nên tổ chức bất kỳ hoạt động nào trong bán kính ít nhất 6 km tính từ miệng núi lửa.
Người đứng đầu cơ quan địa chất cũng cảnh báo nguy cơ xảy ra các đợt lũ bùn đá trong điều kiện mưa lớn, đặc biệt đối với các cộng đồng dân cư sống xung quanh khu vực sông ngòi bắt nguồn từ đỉnh núi lửa đang hoạt động.
Tháng 11.2024, núi lửa Lewotobi Laki-Laki nhiều lần phun trào khiến 9 người chết, buộc giới hữu trách phải hủy bỏ nhiều chuyến bay quốc tế đến Bali và sơ tán hàng ngàn người.
Laki-Laki, tiếng địa phương có nghĩa "đàn ông", là "song sinh" với đỉnh núi lửa Perempuan, nghĩa là "phụ nữ", có độ cao 1.703 m.