Nhảy đến nội dung
 

Nóng: Xung đột Thái Lan - Campuchia: Thái Lan ghi nhận ít nhất 8 người thiệt mạng

Đài CNN dẫn nguồn tin từ cảnh sát Thái Lan cho biết hiện ít nhất 8 người đã thiệt mạng trong các vụ đụng độ với Campuchia diễn ra trong ngày 24-7.

Thái Lan: Ít nhất 8 người Thái thiệt mạng

Theo nguồn tin từ đài CNN, một quả tên lửa đã bắn trúng một cửa hàng tiện lợi tại Ban Nam Yen, cách biên giới Campuchia khoảng 20 km, theo lời ông trưởng huyện Kantharalak, tỉnh Sisaket, trả lời Đài PBS Thái Lan.

Ngoài ra, giới chức Thái Lan còn cáo buộc quân đội Campuchia đã phóng hai quả tên lửa BM-21 vào Bệnh viện Phanom Dong Rak và khu dân cư thuộc huyện Kap Choeng, tỉnh Surin, khiến ba dân thường bị thương.

Campuchia tuyên bố bắn hạ tiêm kích F16 của Thái Lan

Trong diễn biến cập nhật mới nhất về xung đột Campuchia và Thái Lan tại khu vực biên giới xảy ra hôm nay 24-7, báo Khmer Times của Campuchia đưa tin một máy bay chiến đấu F-16 của Không quân Hoàng gia Thái Lan đã bị lực lượng Campuchia bắn hạ.

Theo Hãng tin Reuters, vào trưa 24-7, quân đội Thái Lan đã triển khai máy bay chiến đấu F-16 để tấn công lực lượng vũ trang Campuchia, trong bối cảnh căng thẳng tại khu vực biên giới tranh chấp - vốn âm ỉ suốt nhiều tuần qua - đã chính thức leo thang thành xung đột vũ trang vào sáng cùng ngày.

Thái Lan bác tin mất F-16, nói diệt một lữ đoàn Campuchia

Theo báo The Nation, chiều 24-7 Không quân Thái Lan khẳng định trên Facebook rằng thông tin một tiêm kích F-16 nước này bị Campuchia bắn hạ "hoàn toàn không đúng sự thật".

Lực lượng này nhấn mạnh tiêm kích F-16 vừa hoàn thành nhiệm vụ đã trở về căn cứ an toàn, đồng thời kêu gọi công chúng "chỉ nên tin tưởng vào các nguồn tin tức đáng tin cậy".

Quân khu 2 cũng đăng riêng tuyên bố: "Không quân Hoàng gia Thái Lan xác nhận tất cả các máy bay F-16 đã trở về nhà an toàn sau khi thực hiện nhiệm vụ tiêu diệt một lữ đoàn Campuchia".

Campuchia gửi thư lên Hội đồng Bảo an LHQ

Thủ tướng Campuchia Hun Manet trưa ngày 24-7 cho biết ông đã gửi thư đến ông Asim Iftikhar Ahmad, đại diện thường trực của Pakistan tại Liên hợp quốc và là Chủ tịch Hội đồng Bảo an, để yêu cầu triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an.

Theo ông Hun Manet, cuộc họp nhằm kêu gọi cộng đồng quốc tế có hành động ngăn chặn các hành vi xâm phạm chủ quyền Campuchia từ phía Thái Lan, trong bối cảnh căng thẳng biên giới giữa hai nước leo thang nghiêm trọng.

Thái Lan triển khai 6 tiêm kích F-16

Theo thông báo từ phía quân đội Thái Lan, trong tổng số sáu tiêm kích F-16 được đưa đến khu vực biên giới trong ngày 24-7, một chiếc đã thực hiện cuộc không kích nhằm vào một mục tiêu quân sự trên lãnh thổ Campuchia và đã phá hủy hoàn toàn mục tiêu này.

"Chúng tôi đã sử dụng không lực để tấn công các mục tiêu quân sự theo đúng kế hoạch đề ra" - đại tá Richa Suksuwanon, phó phát ngôn viên quân đội Thái Lan, tuyên bố trước báo giới.

Cũng theo ông Richa, phía Campuchia được cho là đã sử dụng nhiều loại vũ khí hạng nặng trong các cuộc giao tranh, bao gồm cả bệ phóng tên lửa đa nòng BM-21 Grad, khiến tình hình trên thực địa trở nên đặc biệt nghiêm trọng.

Trong khi đó, theo lời ông Sutthirot Charoenthanasak, người đứng đầu huyện Kabcheing, tỉnh Surin của Thái Lan - nơi sát biên giới Campuchia, ít nhất hai thường dân Thái Lan đã thiệt mạng và hai binh sĩ khác bị thương do hỏa lực từ phía bên kia biên giới.

Truyền thông Campuchia đã xác nhận thông tin này, khẳng định các máy bay chiến đấu F-16 của Không quân Hoàng gia Thái Lan thực hiện cuộc không kích nhắm vào một vị trí quân sự của Campuchia dọc theo khu vực biên giới tranh chấp tại tỉnh Preah Vihear.

Campuchia xác nhận thông tin về đợt không kích của Thái Lan

Bộ Quốc phòng Campuchia xác nhận tiêm kích Thái Lan đã thả hai quả bom xuống đường Wat Kaew Sikkhakirivoraram ở khu vực do Phnom Penh kiểm soát.

Quân khu 2 Thái Lan, đơn vị quản lý khu vực giáp biên giới với Campuchia, cùng ngày thông báo Thái Lan hiện đóng cửa biên giới với Campuchia, đồng thời giao tranh đang xảy ra ở 6 khu vực gồm Prasat Ta Muen Thom, Prasat Ta Kwai, Chong Bok, Khao Phra Wihan, Chong An Ma và Chong Chom.

Trước đó tối 23-7, Chính phủ Thái Lan tuyên bố triệu hồi đại sứ tại Phnom Penh, đồng thời thông báo hạ cấp quan hệ ngoại giao với Campuchia, sau vụ nổ mìn khiến một binh sĩ Thái bị mất chân tại khu vực biên giới tỉnh Ubon Ratchathani. Thái Lan cáo buộc Campuchia đã đặt mìn mới trong khu vực tranh chấp, điều mà Phnom Penh kiên quyết bác bỏ.

Ngay sau động thái từ Bangkok, vào sáng 24-7, Chính phủ Hoàng gia Campuchia cũng ra tuyên bố đáp trả, cho biết sẽ hạ cấp quan hệ ngoại giao với Thái Lan xuống mức thấp nhất, đồng thời triệu hồi toàn bộ cán bộ ngoại giao đang làm việc tại Đại sứ quán Campuchia ở Bangkok về nước.

Lãnh đạo Campuchia kêu gọi bình tĩnh và đoàn kết

Thủ tướng Campuchia Hun Manet trấn an người dân, kêu gọi toàn thể công dân giữ bình tĩnh và đặt niềm tin vào Chính phủ Hoàng gia cùng lực lượng vũ trang quốc gia, những người đang "quyết liệt bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ" trước các cuộc tấn công từ Thái Lan.

"Campuchia luôn kiên định giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình", Thủ tướng Hun Manet tuyên bố. "Tuy nhiên, trong tình thế hiện nay, chúng tôi buộc phải sử dụng biện pháp quân sự để đối phó hành động xâm lược có vũ trang".

Ông khẳng định Chính phủ Campuchia, các bộ ngành, chính quyền địa phương và đặc biệt là Quân đội Hoàng gia đang chủ động, kiên cường bảo vệ lợi ích quốc gia không chỉ bằng sức mạnh quân sự mà còn thông qua các nỗ lực ngoại giao. Chính quyền các cấp cũng đang tích cực hỗ trợ người dân chịu ảnh hưởng bởi cuộc tấn công từ Thái Lan.

Song song đó, Chủ tịch Thượng viện Hun Sen cũng gửi thông điệp trấn an, đề nghị người dân bình tĩnh, tránh hoảng loạn và không có hành vi gây rối trật tự kinh tế - xã hội.

"Đừng tích trữ gạo hay hàng thiết yếu, cũng đừng tự ý tăng giá", ông Hun Sen viết trên Facebook sáng nay.

"Hãy tiếp tục sinh hoạt và lao động bình thường trên toàn quốc, trừ khu vực biên giới tại tỉnh Oddar Meanchey và Preah Vihear - nơi đang diễn ra giao tranh. Hãy tin tưởng vào Chính phủ Hoàng gia và lực lượng vũ trang của chúng ta", ông Hun Sen nhấn mạnh.

Thái Lan khuyến cáo công dân rời Campuchia

Trước căng thẳng leo thang giữa Thái Lan và Campuchia, Đại sứ quán Thái Lan tại Phnom Penh đã khuyến cáo công dân nên rời khỏi Campuchia càng sớm càng tốt.

"Chúng tôi đang theo dõi sát diễn biến giữa hai nước. Các vụ đụng độ đã xảy ra tại một số khu vực biên giới và có nguy cơ kéo dài, thậm chí nghiêm trọng hơn. Vì lý do an toàn, công dân Thái Lan được khuyến nghị rời khỏi Campuchia ngay khi có thể, trừ những trường hợp buộc phải ở lại vì lý do khẩn cấp", thông báo đăng trên Facebook của Đại sứ quán Thái Lan trưa 24-7 nêu rõ.

Đồng thời, Đại sứ quán cũng cảnh báo người dân Thái không nên đến Campuchia vào thời điểm này, cho đến khi tình hình được cải thiện.

Tuổi Trẻ Online đang tiếp tục cập nhật....

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn