Nhảy đến nội dung

Nông dân Đắk Lắk trúng tiền tỉ nhờ vải thiều chín sớm

Những ngày đầu tháng 5-2025, người dân xã Ea Sar (huyện Ea Kar, Đắk Lắk) rộn ràng thu hoạch vải thiều chín sớm, niềm vui nhân lên vì trúng tiền tỉ mỗi hecta.

Gia đình ông Lê Văn Long (50 tuổi, quê Hải Dương) đang thu hoạch hơn 200 tấn vải thiều từ 26ha trồng giống vải u hồng. Với giá bán khoảng 58.000 đồng/kg, mỗi hecta cho gia đình ông doanh thu hơn 1 tỉ đồng.

Thu tiền tỉ vì vải thiều được mùa, chín sớm

Theo ông Long, nhờ áp dụng kỹ thuật siết nước, sử dụng máy bay không người lái và phân hữu cơ, vườn ông mỗi ngày thu 20 - 30 tấn vải thiều, tạo việc làm cho hơn 100 lao động địa phương.

Trong khi đó, thương lái Vi Văn Biển (quê Bắc Giang) cho biết mỗi ngày ông đến mua khoảng 20 tấn vải Ea Sar để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang Trung Quốc. "Vải ở đây chín trước Bắc Giang gần một tháng, trái đẹp, vị ngọt, dễ bán", ông Biển nhận xét.

Ông Văn Đình Thìn - chủ tịch UBND xã Ea Sar - thông tin xã có khoảng 400ha vải thiều, trong đó 320ha đang thu hoạch. Sản lượng năm nay dự kiến đạt 5.000 tấn, gấp hơn 3 lần năm ngoái. 

"Vải đã trở thành cây chủ lực giúp nhiều hộ dân thoát nghèo. Xã đang xúc tiến liên kết sản xuất, tiêu thụ để mở rộng thị trường, hướng tới phát triển bền vững", ông Thìn nói.

Theo Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Ea Kar, toàn huyện hiện có hơn 1.023ha vải thiều, trong đó có 1 hợp tác xã cung ứng 45.000 cây giống/năm; 1 hợp tác xã và 2 tổ hợp tác chuyên trồng vải.

Đến nay, huyện mới có 4 mã số vùng trồng cho 48,5ha vải và 103ha sản xuất theo VietGAP. Vải chủ yếu xuất thô, huyện đang kêu gọi đầu tư nhà máy sơ chế, chế biến sâu và kiến nghị tỉnh mở rộng vùng trồng có mã số phục vụ xuất khẩu.

Vùng đất mới của vải thiều

Vốn quen trồng ở Hải Dương, Bắc Giang, cây vải nay bén rễ và phát triển tốt ở Tây Nguyên. Từ năm 2012, ông Nguyễn Văn Minh (quê Bắc Giang) là người đầu tiên đưa giống vải thiều về Ea Sar. Nhận thấy khí hậu phù hợp, ông chuyển 5ha cà phê sang vải, mỗi vụ lãi hơn 600 triệu đồng, cao hơn nhiều so với cây trồng cũ.

Ông Nguyễn Văn Bình - giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Thanh Bình - cho biết hiện có 5ha vải và vườn ươm hơn 60.000 cây giống/năm. Ông cho biết giống vải u hồng hợp với đất Ea Kar, nhờ sử dụng phân hữu cơ và xử lý kỹ thuật cho ra trái sớm, tránh trùng mùa với miền Bắc. Hợp tác xã Thanh Bình thành lập năm 2021, hiện có 16 thành viên, liên kết với 50 hộ trồng vải.

Phó chủ tịch UBND huyện Ea Kar Nguyễn Minh Chuyền cho biết huyện đang thúc đẩy hình thành vùng sản xuất tập trung, khuyến khích nông dân liên kết với doanh nghiệp và tổ chức tín dụng. 

"Chúng tôi hỗ trợ các hợp tác xã đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử để quảng bá, mở rộng thị trường", ông Chuyền nói.