Nỗi sợ thứ Hai gây hại cho sức khỏe đến mức nào?

Không thích ngày thứ Hai? Đây không chỉ là nỗi sợ thông thường, bạn có thể phải đối mặt với nguy cơ cao mắc các vấn đề sức khỏe.
Một nghiên cứu của các nhà khoa học từ Đại học Hồng Kông (HKU) xác định được mối liên hệ giữa cảm giác lo lắng vào thứ Hai và mức độ hormone căng thẳng tăng cao, gây nhiều tác hại lên sức khỏe. Thậm chí nỗi sợ này còn kéo dài cả sau khi nghỉ hưu.
Sự cố tim mạch vào thứ Hai cao hơn các ngày khác trong tuần
Theo Science Alert, xã hội hiện đại đã khiến ngày thứ Hai trở thành ngày "bị ghét" nhất trong tuần. Chúng ta vừa trải qua một cuối tuần thư giãn, giờ lại phải đối diện với hàng loạt trách nhiệm bị bỏ ngỏ, và phải chờ đợi lâu nhất mới đến cuối tuần tiếp theo.
Dù mối tương quan không đồng nghĩa với quan hệ nhân quả, nhưng sự gia tăng hormone căng thẳng cortisol có liên hệ chặt chẽ với nguy cơ mắc bệnh.
Điều này có thể lý giải vì sao một phân tích tổng hợp năm 2005 phát hiện tỉ lệ các sự cố tim mạch vào ngày thứ Hai có thể tăng tới 19% so với những ngày khác trong tuần.
Trong nghiên cứu mới nhất này, các nhà khoa học đã khảo sát mối liên hệ có thể có giữa cảm giác lo lắng vào ngày thứ Hai và sức khỏe thể chất.
Nhóm nghiên cứu đã xem xét 3.511 người trưởng thành từ 50 tuổi trở lên, tham gia vào Nghiên cứu Dài hạn về Lão hóa tại Anh (ELSA). Những người tham gia báo cáo mức độ lo lắng của họ vào các ngày khác nhau trong tuần, đồng thời cũng được lấy mẫu tóc để phân tích nồng độ hormone căng thẳng cortisol.
Nghiên cứu phát hiện những người cảm thấy đặc biệt lo lắng vào ngày thứ hai có mức cortisol cao hơn khoảng 23% so với những người lo lắng vào các ngày khác.
Căng thẳng kéo dài còn có thể dẫn đến các vấn đề về hệ miễn dịch, các bệnh chuyển hóa như ung thư hoặc tiểu đường, và bệnh tim mạch.
Nhóm nghiên cứu cho rằng đây có thể là cơ chế sinh học đứng sau những phát hiện trước đây về sự gia tăng các sự cố tim mạch vào ngày thứ Hai.
Nỗi sợ thứ Hai kéo dài đến lúc… nghỉ hưu
Điều đáng ngạc nhiên là nghiên cứu còn phát hiện ngay cả những người đã nghỉ hưu cũng cảm thấy mức độ căng thẳng cao hơn vào ngày thứ Hai, cùng với các tác động tiêu cực đến sức khỏe.
"Ngày thứ Hai hoạt động như một 'khuếch đại căng thẳng' về mặt văn hóa", Tarani Chandola, nhà xã hội học tại HKU, cho biết.
"Đối với một số người lớn tuổi, sự chuyển đổi của tuần mới kích hoạt một chuỗi phản ứng sinh học kéo dài trong nhiều tháng. Điều này không còn liên quan đến công việc, mà là cách ngày thứ hai đã ăn sâu vào các phản ứng sinh lý của chúng ta, ngay cả sau khi sự nghiệp kết thúc".
Nghiên cứu này đã được công bố trên Journal of Affective Disorders.