Nỗi sợ thất nghiệp vì AI khiến sinh viên của tôi hoài nghi bằng đại học

Gần đây, khi tham gia các buổi tọa đàm tại các trường đại học tại TP HCM, tôi thường xuyên nhận được những câu hỏi từ các bạn sinh viên, phản ánh sự hoang mang và lo lắng trước sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI). Họ băn khoăn không biết liệu bằng cấp có còn cần thiết trong thời đại này, khi mà AI đang ngày càng hiện diện trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.
Nhiều bạn còn lo sợ rằng trong tương lai gần, AI sẽ dần "cướp" đi việc làm từ tay con người. Tuy nhiên, tôi cho rằng những nỗi lo đó là không cần thiết, thậm chí còn có thể kìm hãm sự phát triển của bản thân mỗi người. Bởi lẽ, bản chất của AI là để gia tăng năng lực cho con người chứ không phải là kẻ thù của chúng ta.
Trong lịch sử loài người, cứ mỗi lần có một phát minh mới ra đời là y như rằng lại xuất hiện những lo ngại tương tự. Từ thuở xa xưa, khi tổ tiên chúng ta sáng chế ra công cụ bằng đồng, bằng sắt thay thế cho đồ đá, rất có thể đã có người lo sợ rằng những công cụ mới với năng suất cao hơn sẽ khiến họ mất việc, mặc dù điều này không được ghi chép cụ thể.
Tuy nhiên, bằng chứng rõ ràng nhất về nỗi sợ "mất nghề" trước sự thay đổi về công cụ và quy trình sản xuất là phong trào Luddite diễn ra từ năm 1811 đến 1816 ở Anh. Khi những máy dệt cơ khí ra đời, hàng loạt cuộc biểu tình của thợ dệt thủ công đã nổ ra. Họ lo sợ bị thay thế bởi máy móc nên đã đập phá các nhà máy. Nhưng cuối cùng, điều gì đã xảy ra?
Ngành dệt may không hề biến mất như những người thợ dệt ngày đó từng lo sợ. Thay vào đó, nó đã chuyển mình mạnh mẽ từ thủ công sang công nghiệp dệt. Năng suất tăng vọt và ngành sản xuất hàng may mặc cất cánh. Và điều quan trọng là vô số việc làm mới đã được tạo ra dọc theo chuỗi giá trị mới này, từ sản xuất sợi, dệt vải cho đến may mặc và phân phối.
>> Sai lầm chạy đua năng suất với AI khiến nhiều người mất việc
Cũng trong hai cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ nhất (1760–1840) và lần thứ hai (1870–1914), vô số ngành nghề mới đã ra đời nhờ những phát minh như động cơ hơi nước, động cơ đốt trong, điện khí hóa và dây chuyền lắp ráp. Luyện kim, cơ khí, ôtô, năng lượng là những cái tên tiêu biểu. Chúng không chỉ tạo ra hàng triệu việc làm mới mà còn là bệ phóng để kinh tế thế giới cất cánh và nâng cao chất lượng sống của người dân.
Ngày nay, AI một lần nữa đang viết lại các quy tắc của thị trường lao động. Trong y tế, AI đang hỗ trợ các bác sĩ chẩn đoán bệnh chính xác hơn. Hãy nhìn vào các hệ thống như IBM Watson Health - chúng đã góp phần cải thiện đáng kể chất lượng và tốc độ chẩn đoán. Trong giáo dục, AI mang đến khả năng cá nhân hóa trải nghiệm học tập cho từng học viên. Còn trong kinh doanh, ông lớn thương mại điện tử như Amazon và Walmart đã tận dụng AI để tối ưu chuỗi cung ứng, dự đoán nhu cầu khách hàng và đưa ra các quyết định kinh doanh thông minh hơn.
Để tận dụng tối đa sức mạnh của AI, chính con người cần chủ động học hỏi và trang bị những kỹ năng cần thiết. Giáo dục chính là chìa khóa để chúng ta làm chủ công nghệ chứ không bị nó bỏ lại phía sau. Chẳng phải ngẫu nhiên mà các quốc gia dẫn đầu về AI như Mỹ, Trung Quốc, Anh, Hàn Quốc cũng là những nơi có nền giáo dục phát triển bậc nhất thế giới, đặc biệt chú trọng đào tạo STEM, khoa học - kỹ thuật.
Theo dự báo của McKinsey trong "These are the skills you will need for the future of work" (2021) và Diễn đàn Kinh tế Thế giới (2025), các kỹ năng như lập trình, phân tích dữ liệu, vận hành AI sẽ đóng vai trò then chốt trong tương lai. Bên cạnh đó, tư duy phản biện, óc sáng tạo và khả năng làm việc nhóm - những thứ vẫn chưa thể đơn giản hóa - cũng ngày càng trở nên quan trọng.
Cuộc cách mạng AI đang diễn ra không phải là cuộc chiến giữa người và máy, mà là cuộc cách mạng của chính nhận thức và tư duy. Nó đặt ra cho chúng ta câu hỏi: nếu máy móc có thể thay thế phần lớn lao động chân tay và trí óc lặp đi lặp lại, thì giá trị cốt lõi của con người sẽ nằm ở đâu? Câu trả lời nằm ở sự sáng tạo, óc phản biện và trí tuệ cảm xúc. Đó là lý do tại sao các chuyên gia hàng đầu về AI như Kai-Fu Lee hay Andrew Ng đều nhấn mạnh: "Công nghệ là để gia tăng năng lực con người chứ không thể thay thế hoàn toàn con người".
Thay vì sợ hãi, chúng ta hãy chào đón thời đại AI như một cơ hội để nâng tầm bản thân và xã hội. Công nghệ đang mở ra những cánh cửa to lớn cho năng suất lao động, cho đổi mới sáng tạo và cho sự thịnh vượng chung. Nhưng để bước qua cánh cửa ấy, mỗi chúng ta cần trang bị cho mình một tâm thế học hỏi không ngừng, một tư duy cởi mở và một khát vọng cống hiến cho xã hội.
Con người cần định hướng sự phát triển của công nghệ, chứ không để bị động trước nó. Chỉ có như vậy, AI mới có thể thực sự trở thành người đồng hành tin cậy và sức mạnh của nó mới có thể được khai phóng hết tiềm năng để nâng tầm cuộc sống cho tất cả nhân loại.
Phạm Trần Khoa