Nhảy đến nội dung

Nissan Motor khủng hoảng, nguy cơ thua lỗ 5 tỷ USD

“Lương duyên” với Honda chưa thành, liên minh với ân nhân Renault trên bờ vực tan vỡ, Nissan như đang đứng ở giữa ngã ba đường.

Tờ Nikkei cho hay, Nissan Motor đang đứng giữa tâm bão khủng hoảng. Đáng nói, mức độ khủng hoảng lần này được cho là lớn ngang ngửa thời kỳ 26 năm tước, khi Renault phải ra tay giải cứu công ty này và thành lập liên minh Nissan-Renault. Hiện tại, giá trị đích thực của mối hợp tác với hãng xe Pháp đang đứng trước thách thức lớn chưa từng có.

Hồi tháng trước, Nissan thông báo rằng Chủ tịch Renault – ông Jean-Dominique Senard – và giám đốc độc lập cấp cao Pierre Fleuriot sẽ rời khỏi Hội đồng quản trị Nissan sau cuộc họp cổ đông thường niên vào tháng 6 tới. Điều này sẽ khiến đại diện từ phía Renault hoàn toàn vắng bóng trong cơ cấu ra quyết định của Nissan.

Thông báo được đưa ra sau khi thỏa thuận liên minh giữa hai hãng được sửa đổi, giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần chéo từ 15% xuống còn 10%. Đối với Renault, mức này thấp hơn nhiều so với mức 36,8% cổ phần mà hãng từng nắm giữ khi liên minh được hình thành vào năm 1999.

Giáo sư Jusuke Ikegami – Hiệu trưởng Trường Kinh doanh Waseda và là tác giả cuốn sách “Lý thuyết quản trị của Carlos Ghosn” cho rằng Nissan nên “tận dụng” liên minh này thay vì xóa bỏ. “Mối quan hệ lâu dài với Renault là một tài sản quý giá”, ông chia sẻ với Nikkei Asia.

Năm 1999, ngoài khoản đầu tư vốn, Renault còn cử Phó Chủ tịch điều hành khi đó là Carlos Ghosn sang Nhật để giữ vị trí COO của Nissan. Theo Giáo sư Ikegami, di sản mà ông Ghosn để lại có cả mặt tích cực lẫn tiêu cực.

Về mặt tích cực, nhân viên Nissan đã hiểu được ý nghĩa của một liên minh và khái niệm Common Module Family (CMF) – một chiến lược có thể giúp tiết giảm chi phí khi phát triển công nghệ tự hành và điện hóa. Tuy nhiên, việc tạo ra sự đồng nhất trong liên minh mà vẫn duy trì bản sắc thương hiệu là điều cực kỳ khó cân bằng. Điều này cũng khiến việc tìm người kế nhiệm Ghosn trở nên đầy thách thức, nhiều ứng viên tiềm năng đã rời Nissan để đầu quân cho các hãng xe quốc tế khác.

Ikegami khẳng định mối quan hệ giữa Renault và Nissan phụ thuộc rất nhiều vào Ghosn: “Lãnh đạo người Nhật của Nissan từng không thể vực dậy công ty trong những năm 1990. Nếu không có Renault và Ghosn, có lẽ Nissan đã không tồn tại đến hôm nay”.

Ngày 27/3 vừa qua đánh dấu 26 năm kể từ khi ông Yoshikazu Hanawa – Chủ tịch Nissan lúc bấy giờ – bắt tay với Chủ tịch Renault Louis Schweitzer, chính thức thành lập liên minh. Ở các cột mốc kỷ niệm 10 năm và 15 năm, cả hai hãng đều công bố thành tựu hợp tác. Nhưng đến dịp 25 năm vào năm ngoái, không có bất kỳ thông báo đáng chú ý nào.

Việc Renault dường như đang dần “rút lui” khỏi Nissan được thị trường hiểu là do hãng xe Nhật đang gặp nhiều khó khăn. “Việc ông Senard rút khỏi Hội đồng Nissan giúp giảm đánh giá tiêu cực của thị trường về Renault”, Ikegami nhận định.

Dù vậy, ông cho rằng “mức độ gắn kết giữa hai công ty vẫn không thay đổi” kể từ khi liên minh được thành lập.

Liên minh Renault-Nissan bắt đầu vào năm 1999 khi Renault cứu Nissan khỏi một cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng do doanh số bán hàng sụt giảm liên tục. Ghosn nhanh chóng đưa ra kế hoạch hồi sinh, cắt giảm mạnh số lượng nhà cung cấp, chi phí và sa thải 21.000 nhân viên toàn cầu, đồng thời đóng cửa một số nhà máy tại Nhật Bản. Ông cũng thúc đẩy hợp tác R&D giữa hai bên.

Đến năm 2014 – thời điểm kỷ niệm 15 năm liên minh – doanh số cộng gộp của hai hãng đã đạt 8,3 triệu xe, tăng mạnh so với 4,8 triệu xe năm 1999. Mitsubishi Motors gia nhập liên minh vào năm 2016 sau khi Nissan đầu tư vào hãng.

Tuy nhiên, năm 2018, liên minh rúng động bởi vụ bắt giữ Ghosn vì cáo buộc sai phạm tài chính. Từ đó, bộ máy lãnh đạo Nissan rơi vào hỗn loạn và doanh số bán xe liên tục lao dốc. Dự kiến, doanh số toàn cầu của hãng trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 3 vừa qua sẽ chỉ đạt 3,35 triệu xe – giảm khoảng 40% so với đỉnh cao cách đây bảy năm.

Hiện tại, ông Ivan Espinosa – người vừa đảm nhiệm chức vụ CEO từ đầu tháng 4 – phải gánh trọng trách vực dậy công ty. Nissan đã cảnh báo rằng hãng có thể ghi nhận khoản lỗ ròng từ 700 đến 750 tỷ yên (tương đương 4,91 – 5,26 tỷ USD) cho năm tài khóa vừa qua.

Espinosa cùng ban lãnh đạo hiện đang triển khai kế hoạch tái cấu trúc, bao gồm cắt giảm công suất và sa thải 9.000 nhân viên trên toàn cầu. Tuy nhiên, kế hoạch này lại ít nhắc đến việc tận dụng liên minh với Renault – dù vào năm 2022, cả ba hãng Nissan, Renault và Mitsubishi từng cam kết sẽ tập trung phát triển xe điện và công nghệ kết nối đến năm 2030.

Thay vào đó, Nissan gần đây lại hướng sự hợp tác về phía Honda và Foxconn. Các cuộc đàm phán sáp nhập với Honda đã bị cắt đứt hồi tháng 2 dưới thời cựu Chủ tịch Makoto Uchida. Giới đầu tư từng kỳ vọng đây là phương án dài hạn để Nissan lấy lại năng lực cạnh tranh. Trong khi đó, ông Jun Seki – cựu giám đốc Nissan và hiện là CSO mảng xe điện tại Foxconn – cũng đang tìm cách kết nối lại với hãng xe Nhật.

Trong buổi họp báo đúng vào dịp kỷ niệm liên minh hồi tháng 3, ông Espinosa nhấn mạnh rằng hiện tại “không có điều cấm kỵ nào” khi nói đến chuyện hợp tác – trong bối cảnh chi phí phát triển phần mềm và công nghệ điện hóa đang tăng vọt.

Giáo sư Ikegami cho rằng Nissan cần tìm một đối tác mới có thế mạnh về trí tuệ nhân tạo và phần mềm, đồng thời xây dựng chuỗi cung ứng linh hoạt, có khả năng chống chịu trước các chính sách thuế quan từ chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng bất kỳ sự hợp tác mới nào cũng cần đặt trên nền tảng Nissan tiếp tục song hành cùng Renault – hãng hiểu rõ cuộc khủng hoảng mà Nissan đang đối mặt.

“Cả ngành công nghiệp ô tô hiện tại đều chưa thể xác định được con đường đúng đắn để đi”, ông nói. “Vì vậy, hợp tác với một đối tác hiểu rõ đâu là giới hạn về khả năng hợp tác và hiệu quả vận hành có lẽ là chiến lược hợp lý nhất. Nissan không còn thời gian để lãng phí nữa”.

Theo: Nikkei

Theo Vân Đàm - TK Hà Mĩ

An ninh tiền tệ

Theo An ninh tiền tệ Copy link
Link bài gốc Lấy link! https://antt.nguoiduatin.vn/nissan-motor-khung-hoang-nguy-co-thua-lo-5-ty-usd-205250507234632628.htm