Những tuyệt tác thiên nhiên: Đăk Bla - dòng sông chảy ngược

Khu vực miền Trung - Tây nguyên không chỉ đa dạng về bản sắc văn hóa mà còn sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, từ gành đá độc đáo đến những ngọn núi lửa tuyệt đẹp đã ngủ yên suốt triệu năm…
Ở vùng đất cao nguyên Kon Tum, giữa trùng điệp núi rừng và nắng gió hoang sơ, có một dòng sông kỳ lạ. Đăk Bla, cái tên gợi âm thanh núi rừng, cũng là cái tên gắn liền với một trong những huyền tích đẹp và buồn bậc nhất của Tây nguyên.
HUYỀN TÍCH MỘT CHUYỆN TÌNH
Trong căn nhà nhỏ nép bên sườn đồi, nghệ nhân ưu tú A Jar, người cả đời gắn bó với sử thi và văn hóa các dân tộc Tây nguyên, lặng lẽ nhắc lại những lời xưa cũ. Ông từng biên dịch hơn 30 bộ sử thi và trong gần như tất cả, dòng Đăk Bla đều hiện diện như một linh hồn lớn, một chứng nhân lặng lẽ của đời sống, của niềm tin và định mệnh cư dân nơi đây.
Truyền thuyết kể rằng từ ngàn xưa, dòng Đăk Bla từng chảy xuôi, hiền hòa như bao con sông khác, mang theo phù sa tưới tắm những cánh đồng ven bờ. Nhưng rồi một bi kịch tình yêu đã khiến dòng chảy ấy vĩnh viễn đổi chiều.
Ngày xưa, giữa hai ngôi làng thù địch, một bên là người Jrai ở thượng nguồn, bên kia là người Ba Na ở hạ lưu, bỗng nảy nở một mối tình đẹp như trăng rằm. Chàng Jrai, nàng Ba Na, tình cờ gặp nhau trong một lễ hội mùa xuân, ánh mắt họ tìm thấy nhau giữa bao người xa lạ. Rồi từ đó họ yêu nhau say đắm. Nhưng tình yêu của họ chẳng khác gì cánh hoa mong manh trong giông bão. Họ biết dù yêu nhau đến mấy cũng chẳng thể nên duyên vợ chồng, bởi hận thù của hai làng chưa một lần dịu xuống.
Một đêm trăng sáng, hai người hẹn nhau ra bờ sông, lặng lẽ rút dao tự kết liễu đời mình rồi nhào xuống sông để cùng trôi về nơi không còn thù hận. Máu họ chảy ra, hòa vào dòng nước. Và kỳ lạ thay, máu của chàng trai trôi xuôi theo dòng về phía đông, như muốn tìm nàng, còn máu của cô gái lặng lẽ trườn ngược dòng, cố đi về phía tây, như cũng đang tìm kiếm người thương.
Hai dòng máu gặp nhau giữa lòng sông, xoáy thành vòng nước đỏ ngầu. Và từ đó, dòng Đăk Bla đổi hướng, chảy từ đông sang tây như thể thiên nhiên cũng cúi đầu trước tình yêu vượt lên thù hận.
Sáng hôm sau, người dân hai bên bờ thức dậy, ngỡ ngàng thấy con sông thân quen bao đời nay nay bỗng đổi dòng, nước đổi màu như máu. Khi biết câu chuyện tình đầy bi thương, các già làng rơi nước mắt, người dân hai làng bỏ qua thù hận, kết nghĩa anh em.
Ngày nay, truyền thuyết ấy vẫn được kể cho du khách nghe khi ghé thăm Đăk Bla. Dòng sông không còn đơn thuần là cảnh quan thiên nhiên, mà trở thành biểu tượng của sự tha thứ, của hòa hợp, những giá trị vượt thời gian và biên giới văn hóa.
DẢI LỤA BẠC GIỮA ĐẠI NGÀN
Sông Đăk Bla khởi nguồn từ dãy Trường Sơn, nơi rừng già còn thở bằng nhịp điệu nguyên sơ. Dòng suối nhỏ từ chân núi Ngọc Mên, ranh giới tự nhiên giữa Kon Tum và Quảng Nam, len lỏi qua Măng Bút, hợp lưu cùng các suối Đăk Kôi, Đăk Pne, tạo nên Đăk Snghé rồi hóa thân thành dòng Đăk Bla huyền thoại.
Trên hành trình gần 140 km ấy, từ đầu nguồn đến phố thị, Đăk Bla như một nghệ sĩ phiêu du. Có đoạn ào ào giữa ghềnh đá, có đoạn dịu dàng lướt qua những nương ngô rẫy lúa, rồi bất ngờ chậm lại khi về đến TP.Kon Tum như dải lụa bạc êm đềm ôm lấy phố núi hơn trăm năm tuổi.
Chính đoạn chảy qua TP.Kon Tum là nơi dòng sông đổi dòng. Sau khi gặp suối Tơ Pơng, thay vì xuôi về phía đông như bao con sông khác, Đăk Bla quay đầu hướng tây, lặng lẽ trôi về vùng đất Gia Lai, rồi hòa mình vào sông Pô Kô để tạo thành dòng Sê San hùng vĩ, trước khi vượt biên giới sang Campuchia. Chính điều kỳ lạ này, một dòng sông "ngược dòng trời" đã tạo nên sức hút đặc biệt cho Đăk Bla, khiến nó trở thành biểu tượng của Kon Tum.
Không có Đăk Bla, sẽ không có Kon Tum như hôm nay. Dòng sông là huyết mạch nuôi sống những cánh đồng, là nơi thuyền độc mộc neo đậu, là con đường giao thương, là điểm tựa văn hóa - tâm linh của người bản địa. Ngoài giá trị nông nghiệp và lịch sử, Đăk Bla còn đóng vai trò trung tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Với hàng loạt công trình thủy điện như Plei Krông, Ia Ly, Sê San 4 hay Thượng Kon Tum, dòng sông đã mang lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách tỉnh và cung cấp nước cho sản xuất, sinh hoạt.
Không chỉ vậy, cảnh quan thiên nhiên dọc sông với những ghềnh thác, bãi cát và bãi bồi đã mở ra hướng phát triển du lịch sinh thái, khám phá, camping, trekking. Nhiều ngôi làng ven sông đã được quy hoạch trở thành điểm du lịch cộng đồng, mang lại sinh kế bền vững cho hàng ngàn người dân bản địa.
Theo bà Bạch Thị Mân, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Kon Tum, hàng loạt hồ chứa thủy điện, hồ thủy lợi với cảnh quan mặt nước rộng lớn đang được khai thác phục vụ du lịch lòng hồ, du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng. Các tour trải nghiệm chèo thuyền, cắm trại ven sông, khám phá đời sống làng ven Đăk Bla ngày càng thu hút du khách.
Trong quy hoạch chung TP.Kon Tum đến năm 2040, trên địa bàn có 8 khu du lịch kết hợp lòng hồ, mặt nước với tổng diện tích mặt nước hơn 1.767 ha, dòng sông Đăk Bla được xác định là trục cảnh quan chủ đạo. Thành phố sẽ phát triển đô thị dọc hai bên bờ sông, hình thành các khu du lịch - thương mại - dịch vụ, công viên cây xanh, từng bước biến nơi đây thành một không gian sống hài hòa giữa con người và thiên nhiên. (còn tiếp)