Nhảy đến nội dung
 

Những tiết học ngoại khóa rộn ràng cùng tiếng cồng chiêng M'nông

Để học sinh hiểu hơn về văn hóa bản địa của dân tộc mình, huyện Tuy Đức (Đắk Nông) tổ chức đưa nghệ nhân vào trường học, trực tiếp truyền dạy cho học sinh cách đánh cồng chiêng.

Không bảng đen phấn trắng, một tiết học đặc biệt tại Trường tiểu học và THCS Lý Tự Trọng (Tuy Đức, Đắk Nông) vừa được diễn ra vào cuối tháng 4 (và sẽ tiếp tục ở một số trường học khác) đã bắt đầu bằng tiếng cồng chiêng rộn ràng.

Tiết học vang tiếng cồng chiêng

Tiếng chiêng đón khách của các nghệ nhân bon Bu N'Rung ngân vang, đưa không gian nhà đa năng vào một lễ hội truyền thống của người M'nông. Phía dưới hơn 500 học sinh chăm chú, ánh mắt say mê dõi theo từng nhịp chiêng, điệu múa, lắng nghe âm thanh vừa lạ lẫm vừa cuốn hút.

Kết thúc màn biểu diễn, giọng nói trầm ấm của nghệ nhân Điểu Thiêm vang lên. 

Ông giới thiệu vai trò của chiêng trong đời sống văn hóa của người M'nông, chỉ từng chiếc chiêng, nói về tên gọi, cách đánh và tinh thần cộng đồng gắn liền với mỗi bộ chiêng.

Những lời giới thiệu ấy giúp học sinh đến gần hơn với di sản văn hóa truyền thống của dân tộc.

Tiết học trở nên sôi nổi khi nghệ nhân Điểu Thiêm tiến lại gần, hỏi lớn: "Ai muốn thử đánh chiêng nào?". Hàng loạt cánh tay giơ lên. 12 em được chọn bước lên phía trước, được nghệ nhân tận tay chỉ dạy.

Dưới sự hướng dẫn kiên nhẫn, các em học cách đeo chiêng, đặt tay sau mặt chiêng, cách đánh từng nhịp. Mỗi động tác đều được chỉ dẫn tỉ mỉ. Không ai bị chê trách khi làm sai. Những lỗi nhỏ được sửa bằng tiếng cười, bằng sự động viên.

"Chiêng không đánh như trống. Nó là nhạc cụ của trời đất, đánh chiêng phải biết nghe nhau, hòa vào nhau", nghệ nhân Điểu Thiêm vừa hướng dẫn, vừa giải thích.

Sau phần làm quen, các em được phối hợp đánh một bài chiêng đơn giản, tạo thành bản hòa âm với nhiều tiếng chiêng hòa quyện. Người giữ nhịp không còn là nghệ nhân mà chính là học sinh, còn nghệ nhân lùi lại, quan sát, chỉnh nhịp. Có lúc tiếng chiêng chưa khớp, nhưng rồi được điều chỉnh kịp thời. Bài chiêng kết thúc trong tiếng vỗ tay, reo vui của cả lớp học đặc biệt.

Các nghệ nhân còn dành thời gian trả lời nhiều câu hỏi của học sinh về chiêng, về phong tục, tập quán và đời sống gắn liền với chiêng trong văn hóa người M'nông.

Gieo mầm yêu văn hóa dân tộc

Trong hàng trăm học sinh tham gia buổi học, Phạm Thị Tâm Như (lớp 7A) là một trong những em bày tỏ sự háo hức rõ rệt. "Trước đây em chỉ biết đến cồng chiêng qua sách báo, truyền hình. Hôm nay được cầm chiếc chiêng thật, được nghệ nhân hướng dẫn tận tay, em thấy rất vui", Tâm Như chia sẻ.

Với em Thị Nơi, học sinh lớp 9, người con của bon Bu N'Rung, buổi học đã mang đến cảm xúc rất đặc biệt. Sinh ra trong cộng đồng có truyền thống cồng chiêng, em đã quen với tiếng chiêng trong các lễ hội, nghi lễ.

"Khi được học đánh chiêng ngay tại trường, em cảm thấy rất tự hào và mong sẽ có thêm nhiều buổi học như vậy", Nơi bày tỏ.

Cô Phạm Thị Oanh - hiệu trưởng Trường TH và THCS Lý Tự Trọng - cho biết nhà trường đưa cồng chiêng vào giảng dạy để khơi dậy niềm tự hào văn hóa cho học sinh, nhất là các em người dân tộc thiểu số đang theo học tại trường.

"Các em không học để thi mà học để yêu, để hiểu, để gìn giữ bản sắc. Trường học phải là chiếc nôi của văn hóa truyền thống", cô Oanh nói.