Nhảy đến nội dung
 

Những siêu công trình trên biển: Từ điều 'bất thường' thành phi thường

Khu đô thị lấn biển Cần Giờ khởi công hôm 19/4 tại TP.HCM được kỳ vọng tạo đột phá cho phát triển kinh tế biển quốc gia đồng thời thể hiện đẳng cấp ESG của Việt Nam trên bản đồ toàn cầu.

Khu đô thị lấn biển Cần Giờ khởi công hôm 19/4 tại TP.HCM được kỳ vọng tạo đột phá cho phát triển kinh tế biển quốc gia đồng thời thể hiện đẳng cấp ESG của Việt Nam trên bản đồ toàn cầu.

Trên hành trình bứt phá lấy lại vị thế đầu tàu kinh tế của cả nước, TP.HCM đang đặt kỳ vọng vào Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ - Vinhomes Green Paradise, nơi hứa hẹn tạo ra chuỗi giá trị kinh tế mới và động lực tăng trưởng lâu dài cho cả khu vực.

Thực tế, trên khắp thế giới, những khu đô thị lấn biển không còn quá xa lạ. Từ Singapore, Hàn Quốc đến Dubai, Qatar, các siêu công trình được xây dựng trên nền cát biển, thậm chí giữa lòng đại dương, không chỉ minh chứng cho sự tiến bộ vượt bậc về kỹ thuật và tư duy quy hoạch, mà còn trở thành những cực tăng trưởng kinh tế - xã hội, góp phần tái định hình diện mạo quốc gia.

Đó là những minh chứng đầy cảm hứng cho hành trình vươn mình đầy khát vọng mà TP.HCM và chủ đầu tư dự án lấn biển Cần Giờ - Vingroup đang theo đuổi.

Khi Singapore bắt đầu quá trình cải tạo Vịnh Marina hơn một thập kỷ trước, không ít ý kiến hoài nghi về tính khả thi của dự án. Việc đầu tư hơn 5,6 tỷ USD vào một tổ hợp nghỉ dưỡng - giải trí trên vùng nước mở bị cho là "bài toán rủi ro cao". Nhưng thực tế chứng minh điều ngược lại: Marina Bay Sands đã trở thành biểu tượng toàn cầu cho mô hình phát triển kinh tế từ đô thị lấn biển.

Nằm trong tổng thể quy hoạch khu Marina Bay rộng 360 ha - một trong những dự án đô thị lớn nhất của Singapore - khu phức hợp Marina Bay Sands chiếm khoảng 15 ha, nổi bật với 3 tòa tháp 55 tầng, hơn 2.500 phòng khách sạn chuẩn 5 sao, kết nối bằng SkyPark dài 340 m trên đỉnh. Từ một bãi cảng và vùng vịnh ngập mặn, khu vực này nay đã vươn mình trở thành một trong những khu vực đô thị sôi động và sầm uất nhất thế giới. Các dự án lấn biển tại đây nhanh chóng trở thành biểu tượng của sáng tạo đô thị và điểm đến đầu tư hàng đầu tại châu Á.

Marina Bay Sands quy tụ hàng loạt tiện ích hiện đại, bao gồm trung tâm hội nghị và triển lãm quy mô lớn, casino, nhà hát, trung tâm mua sắm cao cấp, bảo tàng nghệ thuật, công viên ven biển và bể bơi vô cực trên tầng mái. Đây được ví như “cỗ máy tăng trưởng” cho ngành dịch vụ của Singapore. Năm 2019, Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore tiết lộ Marina Bay Sands và Resorts World Sentosa đã đóng góp 1-2% GDP cho nền kinh tế nước này. Đến 2024, Marina Bay Sands báo lãi gần 2 tỷ USD, mức cao nhất kể từ khi khánh thành.

Nếu Singapore có biểu tượng Marina Bay Sands thì Dubai lại khiến cả thế giới kinh ngạc với công trình đảo nhân tạo Palm Jumeirah. Khởi công vào năm 2001, đây là đảo nhân tạo lớn nhất thế giới, hình thành từ hơn 7 năm xây dựng với vốn đầu tư lên đến 12,3 tỷ USD. Nơi đây tập trung hàng loạt khu nghỉ dưỡng xa hoa như Atlantis The Palm, Jumeirah Zabeel Saray... thu hút hàng triệu lượt khách du lịch mỗi năm.

Để kết nối với đất liền, Palm Jumeirah Monorail - tuyến đường sắt đơn dài 5,4 km - đã được đưa vào vận hành từ năm 2009, trở thành tàu monorail đầu tiên tại Trung Đông. Tuyến này nối từ tháp Gateway ở đầu đảo đến khách sạn Atlantis, dự kiến được mở rộng để kết nối trực tiếp với tuyến Red Line của hệ thống metro Dubai. Đây là một trong những hạ tầng quan trọng giúp gia tăng khả năng tiếp cận và nâng cao giá trị thương mại - du lịch của toàn bộ khu vực đảo nhân tạo.

Đối với Dubai, mỗi m2 bờ biển là một “khối vàng”. Do đó, việc lấn biển không đơn thuần là mở rộng không gian đô thị, mà là chiến lược trọng điểm để đa dạng hóa nền kinh tế, giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ và thu hút vốn đầu tư toàn cầu.

Còn tại Hàn Quốc, từ năm 2003, Khu thương mại quốc tế Songdo (Songdo International Business District) đã được xây dựng trên vùng đất lấn biển ở thành phố cảng Incheon. Với tổng vốn đầu tư lên tới 40 tỷ USD, đây là một trong những dự án phát triển đô thị tư nhân quy mô lớn nhất thế giới. Songdo được thiết kế theo mô hình đô thị đa chức năng thông minh, trong đó mọi tiện ích như văn phòng, khu thương mại, cơ sở y tế, trường học... đều nằm trong bán kính chỉ 12 phút đi bộ từ các khu dân cư.

Songdo cũng ưu tiên 40% diện tích cho mảng xanh, hiện có hơn 100 tòa nhà đạt chứng nhận công trình xanh LEED, cùng hệ thống tái sử dụng tới 40% nước sinh hoạt. Đến nay, khu đô thị này đã thu hút khoảng 70.000 người lao động làm việc thường xuyên mỗi ngày.

Sau thành công của công trình này, Hàn Quốc tiếp tục theo đuổi tham vọng phát triển các siêu đô thị ven biển với kế hoạch xây dựng Khu phức hợp công nghiệp quốc gia Saemangeum rộng 409 km2, tương đương gần 2/3 thủ đô Seoul. Dự án được triển khai trên quỹ đất có được nhờ kè biển Saemangeum, công trình kè biển dài nhất thế giới hoàn thành năm 2010.

Theo quy hoạch, nơi đây sẽ hình thành các trung tâm thực phẩm toàn cầu, khu du lịch - hội nghị quốc tế và vùng công nghiệp công nghệ cao. Giới chức Hàn Quốc kỳ vọng Saemangeum trở thành mắt xích chiến lược kết nối các ngành công nghiệp công nghệ cao tại Đông Bắc Á, và là “bàn đạp” để quốc gia này tiếp tục khẳng định vị thế trong làn sóng phát triển đô thị xanh ven biển toàn cầu.

Trong khi đó, ở Hong Kong (Trung Quốc), khu West Kowloon Cultural District, hay còn gọi là Khu văn hóa Tây Cửu Long, được xây dựng trên vùng đất lấn biển rộng 40 ha nằm ven bờ cảng Victoria. Được công bố từ năm 1998 nhưng phải đến giai đoạn 2015-2016, dự án mới hoàn thiện và góp phần tái định vị bản sắc văn hóa - sáng tạo, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế phi tài chính tại một trong những trung tâm tài chính sôi động nhất châu Á.

Trái với mô hình đô thị thiên về nghỉ dưỡng hay tài chính, West Kowloon hội tụ hệ sinh thái các công trình nghệ thuật, bảo tàng, không gian biểu diễn và công viên công cộng. Trong đó, nổi bật là M+ Museum - bảo tàng nghệ thuật thị giác lớn nhất châu Á, Xiqu Centre - trung tâm biểu diễn kịch truyền thống Trung Hoa, và Hong Kong Palace Museum - bảo tàng hợp tác với Bảo tàng Cố Cung Bắc Kinh.

Hơn 23 ha trong khu vực được dành làm không gian xanh và công viên ven biển, kết nối trực tiếp với các tuyến giao thông công cộng trọng điểm như tuyến tàu cao tốc Hong Kong - Quảng Châu, tuyến MTR Kowloon Station và các tuyến xe buýt công cộng.

Từ cảm hứng toàn cầu, Việt Nam cũng đang xúc tiến các công trình khai thác tối ưu nguồn tài nguyên biển. Luật Đất đai 2024 có hiệu lực đã hoàn thiện hành lang pháp lý cho các dự án lấn biển.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, cả nước hiện có khoảng 80 dự án lấn biển tại 19 tỉnh, thành phố đã được triển khai, trong đó có thành công của khu lấn biển ở Rạch Giá (Kiên Giang). Quy hoạch Bến Tre thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng định hướng phát triển 50.000 ha về hướng biển, lấn biển, trong khi Đà Nẵng đang mong muốn hình thành một khu thương mại tự do trên diện tích lấn biển…

Mới nhất, ngày 19/4, Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ - Vinhomes Green Paradise (TP.HCM) đã chính thức khởi công. Với diện tích lên tới 2.870 ha, dự án sẽ là nơi ở cho gần 230.000 người và có khả năng đón 9 triệu lượt du khách mỗi năm.

ESG,  Vinhomes Green Paradise anh 1

Theo ông Nguyễn Việt Quang - Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup, tập đoàn này xác định việc phát triển đô thị Cần Giờ không thể đi theo lối mòn cũ mà cần mang một cách tiếp cận hoàn toàn mới, kết hợp hài hòa và cân bằng giữa phát triển và bảo tồn, nơi sự hiện đại và thiên nhiên cộng hưởng với nhau để nâng cao chất lượng sống của con người.

“Chúng tôi có khát vọng xây dựng Vinhomes Green Paradise thành khu đô thị ESG hàng đầu thế giới, thể hiện đẳng cấp về ESG của Việt Nam trên bản đồ toàn cầu”, ông Quang nhấn mạnh.

Theo đó, dự án được phát triển theo mô hình đô thị cấp tiến nhất thế giới hiện nay - ESG (Environmental - Social - Governance) với tôn chỉ hài hòa giữa con người - thiên nhiên - công nghệ, nhằm hiện thực hóa tầm nhìn phát triển bền vững và khai thác tối đa lợi thế sinh thái tự nhiên.

Được biết, dự án có sự tham gia tư vấn chiến lược của Boston Consulting Group (BCG) - Tập đoàn tư vấn quản lý hàng đầu thế giới. Hai bên sẽ làm việc chặt chẽ để đáp ứng tối đa các tiêu chí khắt khe về môi trường, tối ưu năng lượng, nước, ưu tiên sử dụng vật liệu tái chế, cũng như xây dựng hệ thống quản lý đô thị thông minh. Đặc biệt, với mục tiêu phát triển đô thị sử dụng năng lượng tái tạo phân loại, Vingroup sẽ đầu tư phát triển hệ thống điện gió cách bờ 10 km để cung cấp nguồn điện sạch cho siêu đô thị và mở ra tương lai xanh cho cả khu vực.

Bên cạnh đó, Vingroup định hướng phát triển Vinhomes Green Paradise thành một biểu tượng phồn vinh mới với loạt công trình đẳng cấp chưa từng có tại Việt Nam. Tâm điểm là “Nhà hát Sóng Xanh - Blue Waves Theatre” với kiến trúc độc đáo bậc nhất thế giới do Công ty tư vấn thiết kế nổi tiếng Gensler thiết kế. Công trình có quy mô lên tới 7 ha, bao gồm tổ hợp nhà hát lớn nhất Đông Nam Á quy mô 5.000 chỗ ngồi, khu hội nghị 40 phòng; khu tiệc cưới; khu triển lãm 45.000 m2; quảng trường với sức chứa lên tới 50.000 người; khu nhà hàng và dịch vụ ẩm thực đa dạng…

Tiếp theo là Biển hồ nhân tạo Paradise Lagoon lớn nhất thế giới (443 ha); Cảng tàu quốc tế 5 sao Landmark Harbour có khả năng đón siêu du thuyền sang trọng, chuỗi khách sạn cao cấp; 2 sân golf, mỗi sân 18 lỗ do huyền thoại Tiger Woods (sân West - Sunset) và Robert Trent Jones II (sân East - Sunrise) thiết kế…

Đặc biệt, tổ hợp giải trí du lịch 122 ha, gồm Safari, công viên chủ đề theo mô hình Disneyland, Universal; khu vui chơi nhà băng tuyết Winter Wonderland 30.000 m2 - Top 5 thế giới với sân băng, khu trượt tuyết, zipline… sẽ mang tới “trải nghiệm mùa đông” chưa từng có cho xứ nóng phương Nam.

Nơi đây cũng sẽ được phát triển đồng bộ thành trung tâm kinh tế tài chính của khu vực, trong đó nổi bật là tòa tháp 108 tầng - cao top 10 thế giới. Biểu tượng tinh hoa mới của Việt Nam sẽ tích hợp đa chức năng với khối đế thương mại sôi động, văn phòng cao cấp cùng khách sạn siêu sang.

Đặc biệt, Cleveland Clinic, một trong những hệ thống y tế hàn lâm phi lợi nhuận lớn nhất thế giới, sẽ chính thức hiện diện tại Vinmec Cần Giờ, đưa Cần Giờ trở thành tâm điểm thu hút mạnh mẽ làn sóng du lịch - chăm sóc sức khỏe từ khắp nơi trên thế giới.

TP.HCM xem đây là một phần quan trọng trong chiến lược trở thành trung tâm kinh tế - tài chính - du lịch quốc tế. Khu đô thị này sẽ tạo ra hàng chục nghìn việc làm cho người dân địa phương và các khu vực lân cận, trải rộng từ các ngành nghề liên quan đến du lịch, dịch vụ, bất động sản cho đến lĩnh vực hỗ trợ hậu cần, kỹ thuật và công nghệ.

Một điểm nhấn quan trọng khác là tính kết nối chiến lược. Trong tương lai, Cần Giờ sẽ được kết nối trực tiếp với trung tâm TP.HCM thông qua tuyến đường sắt đô thị tốc độ cao lên tới 250 km/h. Song song đó, TP.HCM cũng đang chuẩn bị triển khai cầu Cần Giờ với tổng vốn hơn 11.000 tỷ đồng và siêu cảng trung chuyển quốc tế gần 5 tỷ USD.

Tất cả những công trình trọng điểm này sẽ biến Cần Giờ thành trung tâm logistics, thương mại và dịch vụ tầm cỡ khu vực, tạo ra chuỗi giá trị kinh tế mới và động lực tăng trưởng lâu dài cho khu vực phía Nam. Trên cơ sở đó, TP.HCM cũng từng bước lấy lại vị thế đầu tàu kinh tế của cả nước, mở rộng không chỉ về địa giới mà còn về chất lượng sống, năng lực cạnh tranh và khả năng thu hút đầu tư quốc tế, vươn tầm trở thành trung tâm kinh tế - tài chính - du lịch hàng đầu châu Á.