Những phụ huynh 'trực chiến' cùng con ôn thi trong kỳ nghỉ lễ

Khi cả nước bước vào kỳ nghỉ lễ 5 ngày, nhiều gia đình chọn đi du lịch xa gần hay về quê, nhưng cũng không ít phụ huynh có con trong giai đoạn "nước rút" thi cử đều lựa chọn ở nhà.
‘Con đang tối mặt ôn thi, bố mẹ không lòng dạ nào đi chơi’
Chị Tuyết (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) gác lại kế hoạch về quê, đi du lịch để ở nhà chăm sóc con gái lớp 12 đang ôn thi đại học. Đang học một trường THPT có tiếng tại Hà Nội, chọn khối A01 (gồm Toán, Lý, Anh), cô bé đặt mục tiêu vào khoa Phân tích kinh doanh, Đại học Bách khoa Hà Nội. Dù con có học bạ 9.0 suốt ba năm cấp 3, nhưng IELTS chỉ đạt 6.0 và dự đoán kết quả thi đánh giá tư duy gần đây tại Bách khoa không như kỳ vọng, cả nhà đều thấp thỏm, lo con không đỗ vào trường như mong muốn.
“Lịch học của con căng lắm. Ngoài học chính và phụ đạo các môn ôn thi ở trường, mỗi tuần con có 2 buổi học thêm Toán, 2 buổi Lý, 2 buổi luyện IELTS ở trung tâm, thêm cả gia sư tại nhà. Tối đi học thêm về có khi 22h, con chỉ kịp ăn uống, tắm rửa rồi đi ngủ, tới 3h sáng dậy học”, chị Tuyết kể.
Chị lo lắng nhưng cũng không dám thể hiện nhiều để tránh tạo áp lực cho con: “Dịp lễ này, mình chỉ ở nhà lo cơm nước, giục con đi ngủ sớm, chứ cũng không thể kèm cặp con học như hồi nhỏ. Chỉ sợ con học nhiều, căng thẳng lại ốm thì khổ”, chị chia sẻ.
Con gái cả từng thi tốt nghiệp 2 năm trước, chị Tuyết thừa nhận “lần này mức độ lo lắng, căng thẳng cao gấp nhiều lần": “Cô chị tới năm lớp 12 đã có IELTS 8.0, trước khi thi tốt nghiệp THPT đã biết kết quả xét tuyển sớm đỗ vào các trường Luật, Học viện Ngoại giao... Còn tới bạn này, sức học không chắc bằng, giờ vẫn phải căng mình lo nhiều môn, nâng điểm IELTS, trong khi năm nay có nhiều thay đổi sát nút trong quy chế thi, phương thức xét tuyển khiến con và bố mẹ đều bất ngờ”, chị Tuyết nói.
Người mẹ kể, đứng trước kỳ thi lớn, cả gia đình chị đều căng thẳng nên dễ “gây sự” với nhau hơn. Đợt nghỉ lễ này chỉ định tổ chức kỳ nghỉ 2-3 ngày ở gần thủ đô để cả nhà thư giãn nhưng con nhất quyết không đi vì “trung tâm có cho nghỉ học thêm, con cũng còn rất nhiều bài tập phải làm, đề phải luyện”.
“Vài hôm trước con đi thi đánh giá tư duy về kể ‘làm bài tới đâu, con nước mắt nước mũi ròng ròng tới đó vì đề khó quá’. Mình nghe vậy mà đau thắt tim, thương con, chỉ muốn bảo ‘thôi khỏi thi cử, về đây mẹ lo’, nhưng phải cố nén lại, động viên con ‘thua keo này ta bày keo khác”, chị Tuyết chia sẻ.
Không chỉ các gia đình có con thi đại học mới "nín thở", nhiều phụ huynh có con chuẩn bị thi vào lớp 10 cũng đang trải qua thời kỳ đầy áp lực khi cơ hội vào trường công phía trước là một cánh cửa hẹp.
Chị Trương Hồng Liên (quận Hoàng Mai, Hà Nội) có con gái học lớp 9, đặt nguyện vọng vào trường THPT Việt Đức. Điểm khảo sát gần đây của con chị khá cao (Toán 9, Văn 8, Anh 9,25) nhưng vẫn không chắc suất, vì theo chị tính toán, điểm chuẩn vào Việt Đức có thể 8,5-9 mỗi môn.
“Mẹ bảo con ‘quay xe’ sang trường Trần Phú cho an toàn, nhưng cháu không nghe. Nguyện vọng 2 của con là trường Trương Định cũng có tỷ lệ chọi không thấp. Tới nước này thì gia đình chỉ còn cách thêm phương án vào trường tư như Tạ Quang Bửu để nhỡ hai nguyện vọng không đạt thì con vẫn còn bến đỗ, chỉ có bố mẹ phải ‘cày’ ác liệt hơn”, chị Liên kể.
Chị cho biết, hiện tại, ngoài học chính và được các thầy phụ đạo miễn phí trên trường, con chị buổi tối còn học thêm online một tuần 4 buổi Toán và 1 buổi Văn. “Nhiều hôm gần 1h sáng con mới ngủ. Con gầy gò, mẹ nhìn xót xa, giục đi ngủ sớm thì con nói ‘con phải cố làm hết phiếu bài tập, không xong cô hay trung tâm đều không cho vào lớp”, người mẹ chia sẻ.
Chị cho biết, bản thân luôn cố gắng trở thành hậu phương vững chắc, thấu hiểu, động viên con, tuyệt đối không cố ép con vào trường công bằng mọi giá để tránh tạo thêm áp lực.
Thầy cô, phụ huynh: Cùng con đi qua giai đoạn ‘nước rút’
Ông Minh Đức, một gia sư Toán lâu năm tại Hà Nội cho biết, lịch dạy của ông dịp nghỉ lễ vẫn kín. Học sinh lớp 9 và 12 gần như không nghỉ buổi nào bởi nhiều phụ huynh lo “con mất nhịp học, khó vào guồng lại”.
Ông cho rằng, bố mẹ có con thi vào lớp 10 các trường top giữa tại Hà Nội là nhóm căng thẳng nhất. “Những học sinh chọn trường top đầu thường có học lực tốt, khả năng làm bài chắc chắn và bản thân các em tự giác. Các em chọn trường top 2 làm bài chưa chắc tay, ít khi giải được các câu hỏi khó, mức điểm tối đa thường 8,5-9, nên chỉ cần sai sót nhỏ là rơi vào tình trạng 'chấp chới'. Chưa kể, điểm chuẩn của các trường top giữa thường ít ổn định hơn, dễ thay đổi qua các năm. Nói chung, với nhóm học sinh này, con lo một thì cha mẹ lo mười”, ông phân tích.
Với học sinh, thầy Đức khuyên, trong giai đoạn nước rút này, các em càng cần giữ bình tĩnh, xây dựng kế hoạch học tập rõ ràng, sắp xếp thời gian ngủ nghỉ hợp lý để đảm bảo sức khỏe, duy trì sự tỉnh táo, tập trung.
Với phụ huynh, theo thầy, đến giai đoạn này, điều quan trọng nhất là cố gắng động viên tinh thần cho con, tiếp tục rèn tính chủ động trong học tập và tạo điều kiện cho con nghỉ ngơi hợp lý.
Là một giáo viên dạy Văn lớp 12, cô giáo Nguyễn Thị Hà (Trường THPT Quỳnh Lưu 4, Nghệ An) cho biết: “Năm nay, cả học sinh lẫn phụ huynh đều căng thẳng hơn. Chương trình thay đổi, nhiều học sinh và giáo viên không thể áp dụng hoàn toàn kinh nghiệm các năm trước”.
Cô Hà nhận thấy trạng thái căng thẳng thể hiện rõ trên gương mặt từng học sinh, biểu hiện dễ thấy nhất là nhiều em nổi mụn, sắc mặt phờ phạc, mệt mỏi khi tới lớp.
Cô Hà nhấn mạnh, chương trình mới dù là sự thay đổi cần thiết nhưng học sinh lứa đầu sẽ vất vả để thích ứng, vì vậy phụ huynh càng cần quan tâm, hỗ trợ con, phối hợp với giáo viên giúp con tháo gỡ vướng mắc. Cô Hà dẫn chứng, những quyết định quan trọng như việc học sinh đổi môn thi, khối thi vào phút chót cần sự đồng hành sát sao của cả gia đình và nhà trường. "Mọi sự hỗ trợ lúc này chủ yếu là về mặt tinh thần, bởi thực sự chính các em đang là người phải đối diện và vượt qua thử thách", cô giáo chia sẻ.