Nhảy đến nội dung

Những người trẻ quay về tiếp quản cơ nghiệp gia đình

Với nhiều người trẻ, lựa chọn trở lại doanh nghiệp gia đình không hẳn vì đam mê, mà vì thực trạng nền kinh tế. Đại dịch Covid-19 làm đảo lộn kế hoạch sự nghiệp. Trong khi đó AI và căng thẳng thương mại tiếp tục đẩy thị trường lao động vào vòng xoáy bất ổn.

Max Swisher, tốt nghiệp năm 2020, từng định sang Nhật dạy tiếng Anh. Nhưng đại dịch khiến kế hoạch đổ bể, buộc anh về làm cho công ty tư vấn nội dung Content Rules của mẹ, nơi anh đang giữ chức giám đốc công nghệ.

Mẹ anh, bà Val Swisher, hy vọng đây là bước đầu của một cuộc chuyển giao trong tương lai. Nhưng Max, 27 tuổi, vẫn phân vân. "Tôi đang tự hỏi liệu mình có thật sự muốn gắn bó cả đời với công ty này hay không".

Khảo sát năm 2024 của Barlow Research với gần 9.000 chủ doanh nghiệp nhỏ cho thấy 42% có kế hoạch chuyển giao quyền sở hữu trong vòng 5 năm tới, tăng từ 36% năm 2019. Trong số đó, 28% dự định truyền lại cho người thân.

Theo Gary Plaster, chiến lược gia doanh nghiệp tại tập đoàn Fairhope, ngày càng nhiều khách hàng đưa con cái vào công ty với kỳ vọng truyền lại cơ nghiệp. Nhưng không phải trường hợp nào cũng suôn sẻ. Những người trẻ chưa từng lăn lộn bên ngoài có thể thiếu kỹ năng lẫn kinh nghiệm thực tiễn và thất bại.

"Tình huống này dường như đang có lợi cho đám trẻ hơn là doanh nghiệp", Plaster nhận định. Ông khuyên các bậc cha mẹ nên tỉnh táo vì không ít người trẻ chỉ xem đây là công việc tạm thời trước khi tìm được cơ hội mơ ước.

Trái ngược với sự dè dặt này, hai anh em Curtis và Cliff Hovis ở Pennsylvania tin công ty phụ tùng ôtô với 530 nhân sự của gia đình là con đường vững chắc giúp con cái xây dựng tài sản. "Tôi không muốn chúng phải vật lộn để xây dựng sự nghiệp - điều giờ đây khó khăn hơn bao giờ hết", Curtis, 56 tuổi, nói.

Anh em ông hoàn toàn có thể nghỉ hưu hoặc bán doanh nghiệp, nhưng vẫn tiếp tục điều hành để thế hệ sau có nền tảng kế thừa. Hai con của Cliff đã gia nhập công ty. Một trong bốn con của Curtis cũng vừa bắt đầu làm việc sau khi tốt nghiệp, số còn lại đang đi học.

Nichole, con gái của Curtis, đang làm việc tại bộ phận kiểm kê và định giá cho biết từ nhỏ đã mong một ngày được góp sức cho công ty của gia đình. Mức lương khởi điểm của cô là 55.000 USD, ngang bằng với đồng nghiệp. Nhưng khác họ, Nichole sẽ bắt đầu nhận cổ phần công ty trong vài năm tới.

"Tôi nghĩ nhiều người mắc sai lầm khi đưa con cái lên làm giám đốc ngay từ đầu. Chúng phải thực sự xứng đáng với điều đó", Curtis chia sẻ.

Tại Colorado, Alexandra Jones, sinh viên năm cuối ngành marketing, từng không quan tâm đến lời mời về làm việc cho công ty nhân sự của cha. Mục tiêu của cô là làm trong ngành thời trang. Nhưng khi gửi hồ sơ khắp nơi mà không được hồi âm, suy nghĩ của cô dần thay đổi.

"Làm việc cùng cha giờ nghe hấp dẫn hơn rất nhiều", Jones, 22 tuổi, thừa nhận. Dù vậy, cô vẫn muốn thành công bằng thực lực của mình. "Nếu nhờ cha xin việc, tôi thấy như mình đang đi đường tắt".

Còn Hannah Pisani đã học cách bỏ ngoài tai những lời đánh giá khi quyết định làm việc cho công ty truyền thông bất động sản của mẹ sau khi tốt nghiệp đại học năm ngoái.

"Nhiều người nghĩ 'ồ, cô ta chắc lên chức ngay', nhưng không phải thế", Pisani ở bang Illinois nói. Cô biết mình phải làm việc chăm chỉ hơn để chứng tỏ với 20 nhân viên khác rằng tôi xứng đáng có mặt ở đó.

Từng chứng kiến mẹ tiếp quản công ty từ bà ngoại, Pisani cảm thấy có mối liên kết sâu sắc với tương lai doanh nghiệp. "Tôi muốn tiếp nối truyền thống ấy", cô nói.