Những mối quan hệ độc hại trong tình yêu

Thường xuyên cảm thấy bị coi thường, mất nhiều năng lượng để cố gắng làm người kia vui, hay luôn phải đề phòng để không bị tấn công… là những dấu hiệu cho thấy người trẻ đang ở trong mối quan hệ độc hại.
Có những mối quan hệ mà một hoặc cả hai bên thường xuyên gây tổn thương tinh thần, thể chất cho nhau. Người trong cuộc không hiểu nó là gì cho đến một ngày...
Khi cái sai mặc nhiên là đúng
Từng bỏ ngoài tai những lời cảnh báo, H. (17 tuổi) bắt đầu hẹn hò với V. (sinh viên năm 3 một trường đại học) khi đang học lớp 11. Nhiều người bàn lui vì quá rành chuyện anh này đổi người yêu như thay áo, hiếm có cuộc tình nào được ba tháng. Họ nói vui rằng V. không chỉ bắt cá hai tay mà còn nuôi sẵn cả ao cá dự phòng.
Khi chuyện hẹn hò kéo dài hơn một năm H. lại càng tin vào sự mách bảo của con tim và nghĩ rằng mình có thể thay đổi được cái tính đào hoa của V..
Tuy nhiên những hình ảnh ngập tràn hạnh phúc ấy chỉ là sự phông bạt do chính V. tự biên tự diễn. Còn H. thì luôn hoang mang theo kiểu "bỏ thì thương, vương thì tội".
H. cho biết: "Anh ấy yêu cầu mỗi tháng phải tổ chức kỷ niệm ngày cả hai quen nhau với tiệc tùng và quà tặng. Để có tiền làm những chuyện đó mình phải thường xuyên nhịn ăn sáng, hạn chế tối đa những nhu cầu cá nhân, lắm lúc phải vay mượn thêm của bạn bè. Vậy mà anh ấy thường nặng lời cho là mình tặng quà rẻ tiền, không đúng ý".
Chưa hết, V. luôn bắt H. phải theo ý mình trong mọi việc và không được quyền cãi. Có những chuyện V. sai rành rành nhưng rồi anh này có tài ngụy biện để điều đó trở thành đúng. Còn H. có đúng cỡ nào thì cũng bị xem là sai.
Chuyện anh ta trễ hẹn một, hai tiếng là bình thường, nhưng chỉ cần H. đến muộn vài phút là coi như "lớn chuyện".
"Nhiều lần mình phát hiện tận tay V. nhắn tin, tán tỉnh người khác. Nhưng theo anh ấy thì đó là chuyện hết sức bình thường khi còn hẹn hò và bản thân mình phải biết tự điều chỉnh cảm xúc chứ không có quyền tra hỏi, trách móc như vậy", H. bức xúc.
Dùng "khổ nhục kế" để níu kéo nhau
Dù mọi chuyện đã kết thúc từ hai năm trước, nhưng với T. (23 tuổi) đó là khoảng thời gian sống dở chết dở mà cô không thể quên được.
T. kể lại: "Thời điểm đó bạn trai đã đi làm, mình vẫn đang đi học. Cả hai quen nhau qua mạng rồi yêu nhau khá nhanh qua những tin nhắn. Sau vài tháng yêu, anh ấy quyết định chuyển trọ đến gần trường của mình, cùng thuê nhà để sống thử".
Cũng theo T., lúc đầu mọi thứ đều êm xuôi khi tình yêu còn nồng cháy và họ cũng đã dự định chuyện cưới hỏi. Nhưng dần dần T. mới nhận ra bạn trai có những tính cách mà bản thân cô không chấp nhận được.
"Anh ấy luôn muốn thành công bằng mọi cách, bất chấp mọi thủ đoạn để có được điều mình mơ ước. Muốn được mọi người ngưỡng mộ nhưng lại khá nhạy cảm mỗi khi bị người khác góp ý, không bao giờ chấp nhận sự thất bại. Đáng sợ nhất là thói vũ phu, mỗi lần tôi làm trái ý là ăn đòn ngay", T. ngao ngán.
Sau nhiều lần cố gắng, thuyết phục không thành công, T. quyết định chia tay do cảm thấy quá mệt mỏi trong mối quan hệ không có tương lai này. Nhưng bất ngờ là anh chàng kia thay vì làm hùm làm hổ như mọi lần, thì nay xuống nước năn nỉ ỉ ôi, hứa hẹn đủ điều và dọa... tự tử đủ kiểu để mong níu kéo.
Cũng phải năm lần bảy lượt, kéo dài gần một năm sau T. mới dứt ra được nhờ sự hỗ trợ của gia đình và bạn bè.
"Đến bây giờ tôi vẫn ám ảnh với câu chuyện ấy và không thể mở lòng mình để yêu lần nữa dù không ít người cũng tỏ tình này nọ", T. nói.
Mối quan hệ độc hại là gì?
Đó là những mối quan hệ mà một hoặc cả hai bên thường xuyên gây tổn thương tinh thần, thể chất cho nhau. Nó không chỉ khiến người ta cảm thấy mệt mỏi và căng thẳng về tinh thần mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Đặc trưng của loại quan hệ độc hại là khi ai đó không ngừng phàn nàn, ca thán, thể hiện những suy nghĩ tiêu cực về đối phương, về những gì liên quan đến họ và tương lai của mối quan hệ. Họ không bao giờ cảm thấy vui vẻ hoặc hướng đến những điều tích cực.
Bên cạnh đó, bất kỳ hình thức lừa dối nào, dù là say nắng, ngoại tình tư tưởng hay ngoại tình thể xác thì nó đều là điều bất ổn đối với một mối quan hệ nghiêm túc.
Chính sự kiểm soát, ghen tuông quá đáng sẽ biến mối quan hệ lành mạnh trở thành kiểu tình yêu độc hại.
Những người yêu đương kiểu này thường kiểm soát từng bước đi, ý nghĩ, lời nói của đối phương. Chính hành vi ấy khiến người còn lại phải chịu đựng và cảm thấy mệt mỏi, sợ hãi. Để rồi, tình yêu sẽ phai nhạt dần và nguy cơ tan vỡ là có thật.
Cũng có người liên tục mắc phải sai lầm nhưng lại không chịu trách nhiệm với việc mình làm mà lại đi đổ lỗi cho người khác.
Tình yêu đổ lỗi được coi là một trong những mối quan hệ xấu bởi sự tin tưởng, chân thành đã không có chỗ đứng. Và khi niềm tin không có thì mối quan hệ cũng nhanh chóng đi đến tình trạng khô héo, rồi lụi tàn.
Đó còn là kiểu tình yêu mà những người trong cuộc luôn đòi hỏi, yêu cầu, thậm chí là bắt buộc đối phương phải tuân theo ý mình. Chính vì đặt ra quá nhiều kỳ vọng nên thường những người hay đòi hỏi khi yêu dễ rơi vào thất vọng. Họ chẳng thể thay đổi được đối phương, cũng không thể có được hạnh phúc như mình trông đợi.
Ngoài ra, thao túng tâm lý là một khái niệm thường xuyên được nhắc đến trong một mối quan hệ độc hại nhằm kiểm soát, bóc lột và điều khiển đối phương vì mục đích cá nhân.